Việt Nam Thời Báo

Kiến nghị xem xét và đánh giá độc lập toàn bộ dự án khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ

KIẾN NGHỊ XEM XÉT LẠI VÀ ĐÁNH GIÁ ĐỘC LẬP TOÀN BỘ DỰ ÁN KHU ĐÔ THỊ DU LỊCH LẤN BIỂN CẦN GIỜ – TPHCM

Kính gửi:  Thủ tướng Chính Phủ nước CHXHCN Việt Nam
Ủy ban Thường vụ Quốc Hội nước CHXHCN Việt Nam
UBND Thành phố Hồ Chí Minh

Chúng tôi kí tên dưới đây, là các cá nhân và tổ chức xã hội yêu môi trường, hoạt động trong các lĩnh vực liên quan, đồng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc Hội, UBND TPHCM xem xét lại và đánh giá độc lập toàn bộ dự án Khu Đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ 2.870 ha, vì những lí do sau đây:

1. Quyết định phê duyệt Báo cáo Đánh giá tác động môi trường dự án Khu Đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ của Bộ Tài nguyên Môi trường cho thấy các tác động của dự án lên môi trường chưa được đánh giá khách quan, toàn diện. Đặc biệt, những vấn đề quan trọng nhất đã chưa được đánh giá đầy đủ trước khi phê duyệt, như: tác động của việc thực hiện dự án đến Khu Dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ, vấn đề xói lở, bồi tụ và dòng chảy các khu vực xung quanh dự án, các biện pháp giảm thiểu thích đáng các tác động tiêu cực của dự án.

Nguy cơ Khu Đô thị lấn biển Cần Giờ tác động xấu lên rừng ngập mặn Cần Giờ sẽ kéo theo hàng loạt ảnh hưởng tiêu cực khác lên khu vực đô thị TPHCM, nơi hiện tại người dân và chính quyền vốn đang phải đối mặt với nhiều gánh nặng về ô nhiễm môi trường, ngập lụt, sụt lún, v.v.

Về mặt khoa học và pháp lý, chỉ khi việc đánh giá các tác động về môi trường có thể xảy ra được thực hiện thấu đáo thì mới có thể quyết định thực hiện dự án hay không.

2. Xây dựng một dự án lấn biển khổng lồ ở Cần Giờ là vô cùng nguy hiểm trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang diễn ra ngày một khốc liệt. Hiện nay khuynh hướng trên biển Đông đã xuất hiện nhiều cơn bão mạnh và xuống phía Nam nhiều hơn. Dự báo trong tương lai, những cơn bão lớn có ảnh hưởng trực tiếp lên khu vực TPHCM và Cần Giờ sẽ tăng cả về số lượng, mức độ và cường độ. Cần Giờ lại là vùng đất yếu, sẽ còn tiếp tục bị lún. Đã có nhiều nghiên cứu khuyến cáo không xây dựng đô thị lớn tại khu vực Cần Giờ trong thích ứng với biến đổi khí hậu.

Tuy nhiên, dự án Khu Đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ 2.870 ha có diện tích lớn gấp hơn 6 lần diện tích khu đô thị Phú Mỹ Hưng, lớn gấp gần 4 lần khu đô thị Thủ Thiêm. Số dân cư dự kiến sống tập trung tại Khu Đô thị lấn biển Cần Giờ lên tới 230.000 người/2.870 ha, cao gấp hơn 3 lần số dân hiện tại của huyện Cần Giờ (khoảng 70.000 người/70.400 ha); chưa kể mục tiêu dự án sẽ đón gần 9 triệu lượt khách du lịch/năm. Đây là một đô thị lấn biển quy mô khổng lồ.

Việc xây dựng khu đô thị này là một rủi ro rất lớn về các vấn đề xói lở, ngập lụt, thoát nước, biến đổi hệ sinh thái, ảnh hưởng lớn đến môi trường và xã hội, phá hỏng quy hoạch vùng sinh thái Cần Giờ, đi ngược lại chiến lược “Cần Giờ là khu dự trữ sinh quyển của thế giới”, tạo sức ép vượt quá khả năng tài nguyên ở Cần Giờ có thể cung ứng, có nguy cơ trở thành gánh nặng cho ngân sách nhà nước và xã hội trong tương lai.

3. Cho đến nay chưa có một đánh giá đầy đủ, khách quan, độc lập nào về khả năng cung cấp cát san lấp, ảnh hưởng của nguồn cát san lấp dùng cho dự án. Để san lấp biển cần tới 137,6 triệu m3 cát, trong đó đa số cát san lấp dự kiến sẽ được khai thác tại các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL), gồm sông Cửa Đại (Bến Tre), sông Tiền (Đồng Tháp), sông Hậu (Sóc Trăng). Hiện nay ĐBSCL vốn đang phải đối mặt với hạn hán, nước biển dâng, xâm nhập mặn, xói lở ngày càng nghiêm trọng, cùng nguy cơ bị “tan rã” do phù sa không về bởi các đập thủy điện trên dòng chính Mekong. Khai thác một lượng cát khổng lồ như dự tính sẽ tác động đến khu vực khai thác như thế nào? Có làm trầm trọng thêm nguy cơ tan rã của ĐBSCL hay không? Ai được? Ai mất? Ai phải trả giá cho số cát san lấp khổng lồ này? Những câu hỏi này cần được trả lời nghiêm túc.

4. TPHCM không hề có sức ép dân số đến mức cần đổ đất lấn biển. Khu Đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ thực chất là một dự án địa ốc (với mật độ đất chức năng cho xây dựng công trình, hạ tầng, giao thông chiếm hơn 58%, diện tích dành cho cây xanh chiếm gần 17%, biển hồ nhân tạo chiếm hơn 25%). Một dự án địa ốc không cần thiết nhưng sẽ án ngữ mặt tiền ven biển, hạn chế và thậm chí có khả năng triệt tiêu quyền lợi thụ hưởng cảnh quan thiên nhiên của toàn bộ dân cư thành phố nói riêng và người dân từ nơi khác đến, là lợi bất cập hại.

Cần Giờ lại có địa hình thấp, có vị trí hứng chịu thiên tai đầu tiên của thành phố, có quá nhiều bất lợi trong xây dựng như vấn đề xói lở, sụt lún, nguy cơ vỡ đê, bồi lắng dòng chảy. Muốn bảo vệ dự án thì cần phải xây dựng một con đê biển khổng lồ dài khoảng 23km bao quanh với chi phí vô cùng tốn kém, v.v.

Trong khi đó, ngày nay thế giới đang có nhiều nghiên cứu về đô thị trên biển theo mục tiêu hiệu quả nhất nhằm giữ được hệ sinh thái vùng, như xây nhà, cơ sở hạ tầng nổi trên mặt nước, với tiền đầu tư rất lớn và tỉ lệ sử dụng đất rất thấp. Việc đổ đất lấn biển, nền đắp đất tạo cao độ như dự án Khu Đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ chỉ là giải pháp thiển cận trong ứng phó với nước biển dâng về lâu dài, chưa kể nguy cơ gây nhiều tác động xấu đến hệ sinh thái, môi trường.

5. Theo Luật Tài nguyên môi trường Biển và Hải đảo, địa phương phải thiết lập danh mục hành lang bảo vệ bờ biển trước, theo đó mới quyết định đâu là khu vực cần được bảo vệ, đâu là khu vực có thể phê duyệt làm dự án phát triển kinh tế. Thế nhưng theo báo cáo giải trình của UBND TPHCM gửi Thủ tướng Chính phủ, khi thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển Cần Giờ, thành phố sẽ “bố trí các hành lang phù hợp với phạm vi và không ảnh hưởng đến các nội dung dự án Khu Đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ”. Điều này đi ngược với quy định của pháp luật hiện hành.

6. Cho đến nay vẫn chưa có một nghiên cứu đầy đủ về hiệu quả kinh tế – xã hội thực sự của dự án. Nếu được xây dựng, theo chủ đầu tư dự án là Vingroup, dự án dự kiến sẽ nộp ngân sách Nhà nước hàng năm khoảng 100 tỷ đồng (tính vào thời điểm năm 2016), bổ sung các khoản thu thuế khoảng 2.900 tỷ đồng mỗi năm, đồng thời bình quân mỗi năm đóng góp khoảng 3% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ của thành phố. Tuy nhiên, những tính toán này thiếu vắng hoàn toàn những thiệt hại do những rủi ro, tác động xấu mà dự án có thể mang lại, trong đó có cả môi trường, kinh tế và nguy cơ phân hóa xã hội đối với cộng đồng dân cư địa phương với dân cư mới của khu đô thị.

7. Cần Giờ có vai trò đặc biệt quan trọng về môi trường sinh thái, về giao thông đường sông và đường biển, về an ninh quốc phòng đối với TPHCM, miền Đông Nam bộ. Cần đặt dự án Khu Đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ trong tổng thể phát triển bền vững của Nam bộ và cả nước, chứ không thể coi là của riêng huyện Cần Giờ hay TPHCM. Tuy nhiên, dù chưa được đánh giá đầy đủ các tác động, dự án này đã được TPHCM cập nhật, đưa vào Quy hoạch chung của thành phố, cũng như đưa vào Quy hoạch phân khu địa bàn huyện Cần Giờ.

8. Mối liên kết giữa con người với thiên nhiên đang rạn vỡ. Chính từ đó, cuộc sống của chúng ta trở nên bất ổn với dịch bệnh và thiên tai xuất hiện ngày càng nhiều và nguy hiểm hơn. Các quốc gia trên thế giới hiện nay đang ngày càng quan tâm hơn và có hàng loạt cảnh báo về vấn đề này trong đại dịch COVID-19. Bản thân Thủ tướng Chính phủ Việt Nam cũng đã công khai cam kết “không đánh đổi môi trường, văn hóa và văn minh xã hội để lấy phát triển kinh tế”.

Vì những lý do nêu trên, chúng tôi kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc Hội, UBND TPHCM:

Thứ nhất, theo Luật Bảo vệ môi trường hiện hành, đề nghị công khai minh bạch các thông tin, văn bản, quyết định về dự án, trong đó có Báo cáo đánh giá tác động môi trường dự án. Kênh thông tin này cần cụ thể, rõ ràng để mọi giới đều có thể tiếp cận được.

Thứ hai, trả lời thấu đáo được các vấn đề trong việc lập hành lang bảo vệ bờ biển Cần Giờ, ranh giới dự án đối với Khu Dự trữ sinh quyển Cần Giờ, các tác động đến môi trường, xã hội không chỉ trong vùng xây dựng dự án mà cả những vùng bị tác động gián tiếp chưa được làm rõ như đã nêu trên.

Thứ ba, tính toán lại toàn diện bài toán hiệu quả kinh tế bao gồm các yếu tố chi phí xã hội, môi trường do các nguy cơ, rủi ro mang lại. Phối hợp tối ưu hoá hệ sinh thái ngập mặn trong tạo ra giá trị gia tăng về nông ngư nghiệp cho người dân hiện hữu trong vùng, thay vì tạo ra sốt đất tại Cần Giờ như hiện nay.

Thứ tư, UBND TPHCM tạm dừng việc đưa dự án Khu Đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ 2.870 ha vào điều chỉnh đồ án Quy hoạch chung thành phố đang thực hiện, cũng như tạm dừng đưa dự án vào Quy hoạch phân khu địa bàn huyện Cần Giờ, cho đến khi có những đánh giá đầy đủ, khách quan và độc lập về dự án lấn biển này.

Thứ năm, Thủ tướng Chính phủ chưa phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chung của TPHCM cho đến khi có những đánh giá đầy đủ, khách quan và độc lập về dự án khu Đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ.

Thứ sáu, thiết lập một cơ chế tư vấn quyết định bảo đảm sự tham gia một cách thực chất của giới khoa học, của người dân và các địa phương trong vùng với sự chủ trì của một ủy ban cấp Chính phủ; không thể là việc riêng của TPHCM. Trước mắt cần tổ chức một hội thảo công khai có sự tham gia của mọi bên liên quan để lắng nghe, trao đổi các thông tin, vấn đề về dự án.

Cuối cùng, cần xác định rõ nguyên tắc: không quyết định khi không đủ dữ liệu, không làm khi không chắc an toàn.

—-
Thông tin tóm tắt về dự án Khu Đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ:

Ra đời cách đây hơn 18 năm, dự án Khu Đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ (TPHCM) ngay từ đầu đã vấp phải nhiều phản đối của giới chuyên gia do nguy cơ tác động xấu tới Khu Dự trữ sinh quyển Cần Giờ.

Dự án có quy mô ban đầu là 821 ha, trong đó có 600 ha lấn biển. Ngày 12.6.2020, dự án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư mở rộng thành 2.870 ha, với tên mới là Khu Đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ.

Dự án Khu Đô thị biển Cần Giờ 2.870 ha, trong đó sẽ lấn biển 2.718 ha; nằm trải dài và án ngữ trên toàn bộ bờ biển của xã Long Hòa và thị trấn Cần Thạnh, huyện Cần Giờ, TPHCM, có chiều dài 13 km trên tổng số 20km bờ biển Cần Giờ.

Tổng trữ lượng cát san lấp cần cho dự án: 137,6 triệu m3.

Quy mô dân số dự án: 228.000 người, với mục tiêu 8.887 triệu lượt khách du lịch/năm.

Tổng vốn đầu tư dự án: 217.054 tỷ đồng, gồm vốn chủ sở hữu là 32.558 tỷ đồng (chiếm 15% tổng vốn đầu tư), vốn vay thương mại là 184.496 tỷ đồng (chiếm 85% tổng vốn đầu tư).

Thời gian thực hiện dự án: 50 năm, kể từ ngày được cấp quyết định chủ trương đầu tư.

Tiến độ thực hiện dự án: 11 năm, kể từ ngày được cấp quyết định chủ trương đầu tư.

Dự án do công ty cổ phần Đô thị Du lịch Cần Giờ – là một công ty con trong chuỗi các công ty kinh doanh bất động sản của công ty cổ phần Vinhomes, thuộc tập đoàn Vin Group – làm chủ đầu tư.

—–
Các bài báo về dự án Khu Đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ trên báo chí trong và ngoài nước:

Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/lan-bien-can-gio-2-870-ha-chua-danh-gia-het-tac-dong-nhung-van-trinh-thu-tuong-phe-duyet-20253.html

Đất Việt: https://baodatviet.vn/dien-dan-tri-thuc/ba-van-de-trong-du-an-do-thi-du-lich-can-gio-3380664/

Viettimes: https://viettimes.vn/can-danh-gia-day-du-cac-tac-dong-den-sinh-quyen-rung-ngap-man-can-gio-va-dbscl-365256.html

The Straits Times: https://www.straitstimes.com/asia/se-asia/viet-reclamation-project-near-reserve-raises-concern

Mạng lưới Báo chí Trái đất:

https://earthjournalism.net/stories/science-be-damned-vietnams-rush-to-help-its-largest-conglomerate-build-a-tourist-city

https://earthjournalism.net/stories/vietnams-massive-ecotourism-charadeAsia

Nikkei:

https://asia.nikkei.com/Economy/Vietnam-speeds-up-big-projects-to-heal-economy-from-pandemic

https://asia.nikkei.com/Spotlight/Asia-Insight/Asia-risks-missing-green-economic-reset-after-coronavirus

 

—-
DANH SÁCH ĐẠI DIỆN KIẾN NGHỊ KÈM THEO
(thứ tự ngẫu nhiên)

Nguyên Ngọc, nhà văn;
Võ Tòng Xuân, Giáo sư;
Ngô Bảo Châu, Giáo sư toán học;
Phạm Chi Lan, Chuyên gia Kinh tế độc lập;
Lê Xuân Thuyên, Tiến sĩ địa chất biển, chuyên gia địa chất, sinh thái – môi trường;
Ngô Viết Nam Sơn, Tiến sĩ khoa học, kiến trúc sư;
Nguyễn Thị Hậu, Tiến sĩ khảo cổ học;
Doãn Mạnh Dũng, Kĩ sư, nguyên Phó Chủ tịch, Tổng thư kí Hội Khoa học Kỹ thuật và Kinh tế Biển TPHCM (2006 – 2019);
Vũ Ngọc Long, Tiến sĩ sinh thái học, nguyên Viện trưởng Viện Sinh thái Miền Nam;
Nguyễn Lân Hiếu, PGS.TS-BS Y khoa, đại biểu Quốc hội (khóa 14 nhiệm kì 2016 – 2021 tại An Giang);
Nguyễn Vân Nam, Giáo sư, tiến sĩ luật;
Ngụy Thị Khanh, Người Việt Nam đầu tiên đạt giải môi trường quốc tế Goldman;
Đào Trọng Tứ, Tiến sĩ tài nguyên nước, Trưởng ban điều hành Mạng lưới Sông ngòi Việt Nam, chuyên gia thể chế, chính sách về tài nguyên môi trường;
Trần Tố Nga, công dân Việt Nam;
Lê Quỳnh, nhà báo;
Nguyễn Thùy Linh, Thạc sĩ chính sách công;
Sơn Đặng, kiến trúc sư;
Ngô Bích Đào, Tiến sĩ quy hoạch – sinh thái;
Trần Lương, họa sĩ;
Quỹ Hỗ trợ Phát triển Cộng đồng Sống Bền vững;
Mạng lưới Sông ngòi Việt Nam;
Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh (GreenID);
Trung tâm Hành động và Liên kết vì Môi trường và Phát triển (CHANGE).

 

Nguồn: https://secure.avaaz.org/community_petitions/en/thu_tuong_chinh_phu_nuoc_chxhcn_viet_nam_xem_xet_lai_va_danh_gia_doc_lap_du_an_khu_do_thi_du_lich_lan_bien_can_gio/?

Tin bài liên quan:

VNTB – Về lá thư "tha thiết kiến nghị hoãn phê chuẩn EVFTA

Phan Thanh Hung

VNTB – Phiên sơ thẩm vụ án Đồng Tâm: 8/3/2021

Phan Thanh Hung

VNTB – Vinhomes Cần Giờ: vừa phê duyệt dự án là chào bán ngay…

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo