Anh Văn (VNTB) Nếu việc nâng giá trần vé máy bay được thông qua, đồng nghĩa với việc vé máy bay giá rẻ chấm dứt. Điều đó tạo ra một thế độc quyền về mặt thực tế.
Hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines trong một văn bản góp ý về khung giá vé gửi Bộ Giao thông Vận tải cuối tháng 3 đã “đồng thuận” với Jetstar Pacific về đề xuất áp dụng giá sàn và đưa ra con số 1,54 triệu là mức thấp nhất cho vé máy bay nội địa. Lý do xuất phát từ giá nhiên liệu và tỷ giá USD đang có chiều hướng tăng.
Từ ai cũng có thể bay
Trong những năm qua, ngành vận tải hàng không phát triển mạnh mẽ, với tốc độ tăng trưởng cao, liên tục khoảng 20%/năm trong hơn 10 năm trở lại đây. Hiện tại này xuất phát từ sự tham gia của những nhóm hàng không mới, trong đó, ngoài Vietnam Airlines (VNA), thì có Jetstar Pacific Airlines (JPA), và Air MekongVietjet, tuy nhiên phải đến khi Vietjet Air tham gia thị trường vận tải này, thì thế độc quyền của VNA mới thực sự phá sản, góp phần đưa giá máy bay đi về mức bình dân hơn, đúng theo tiêu chí, “ai cũng có thể bay”.
Với mô hình phát triển là hàng không giá rẻ, mức giá cũng như dịch vụ bay đang ngày một hoàn thiện, Vietjet đã lần lượt chiếm thị phần bay của cả VNA và JPA (cần nhớ JPA là công ty con của VNA).
Vào năm 2015-2016, lợi nhuận sau thuế của Vietjet vượt Vietnam Airlines và Jetstar, với 2.289 tỷ đồng (2016) và 1.170 tỷ đồng (2015). Năm 2017, VNA công bố lỗ ròng quý IV lên tới 444 tỷ đồng, trong khi đó, Vietjet với vốn hóa thị trường lên tới 41.220 tỷ đồng, đã chính thức vượt mặt Vietnam Airlines về quy mô vốn hóa trên sàn chứng khoán, trở thành hãng hàng không lớn nhất Việt Nam.
Cho đến vùng vẫy lợi ích nhóm
Việc nâng giá trần vé máy bay về mặt bản chất không khác lắm so với nâng giá trần giá sữa, nhằm đảm bảo lợi ích nhóm đối với các doanh nghiệp “nòng cốt” đang bị thua lỗ bởi sự cạnh tranh.
Thứ trưởng Giao thông vận tải – Nguyễn Hồng Trường dù khẳng định với báo giới về chính sách tự do hoá vận tải hàng không, theo đó, thúc đẩy cạnh tranh, đa dạng hóa dịch vụ và góp phần tăng nhu cầu đi lại với giá cước hợp lý, nằm trong khung do nhà nước quy định. Tuy nhiên điều này không có hàm nghĩa, Bộ GTVT sẽ nhanh chóng gạt bỏ giá trần máy bay ra một bên. Thậm chí, nhiều người lo ngại, chính sách nâng giá trần máy bay có thể được thông qua trong tình cảnh VNA đang “lỗ”. Lý do nằm ở, tại cuộc họp thường trực Ủy ban An toàn giao thông quốc gia vào cuối tháng 11, ông Trương Quang Nghĩa (Bộ trưởng Giao thông vận tải) lên tiếng về sự “quá tải của sân bay Tân Sơn Nhất”, theo đó ông khẳng định là có trách nhiệm của Cục Hàng không, khi cấp phép bay, cấp chuyến bay vượt công suất quá nhiều. Ngay cả quan điểm “lựa chọn số một của người Việt Nam là hàng không” bị ông phản ánh là điều “vô cùng bất hợp lý.” Thậm chí, ông Trương Quang Nghĩa còn cho biết, phí rẻ, giá vé rẻ đang hút khách đường sắt, đường bộ là “thành tích lệch lạc.”
Nguồn ảnh: FB nhân vật |
Điều này có nghĩa, dù chưa lên tiếng chính thức, nhưng quan điểm của ông Trương Quang Nghĩa núp bóng bảo vệ các loại hình vận tải khác đã gián tiếp ủng hộ việc nâng giá trần vé máy bay.
Ông Nguyễn Đức Thành (VEPR – Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách) trên facebook cá nhân cho hay, thực chất của chính sách nâng giá trần vé máy bay là đánh vào Vietjet Air. Và nếu điều này được thông qua, thì nó minh chứng rõ ràng rằng, những nhà làm chính sách “đang làm theo sự điều khiển của một doanh nghiệp khác, chứ không phải vì người tiêu dùng, vì công lý, vì logic, hay vì một lợi ích chung.”
“Mức sàn nào cho lòng tự trọng?”
Thông tin áp giá sàn cho vé máy bay gặp sự phản ứng của nhiều người. Facebooker Nguyen Tuan (Thành viên Hội đồng Quản trị tại Hiệp hội Kiến trúc sư Việt Nam) trong một chia sẻ đã cho rằng, VNA tự hào là hàng không 4 sao, xuất phát từ việc quản trị không tốt khiến kinh doanh lỗ, và giờ đây tìm cách đặt giá sàn, thậm chí vận động hành lang chính sách để ép doanh nghiệp khác nhằm “bù lỗ”. VNA thậm chí, mượn tay nhà nước để ép nhân dân phải trả nhiều hơn, tước đi quyền lựa chọn của họ thì đó là dựa hơi chính sách. Facebooker này đặt vấn đề, kinh tế thị trường hạn chế tối đa sự can thiệp hành chính vào thị trường, nhà nước chỉ can thiệp nếu có sự bất bình đẳng với phần thiệt thuộc về số đông (là nhân dân). Vậy VNA nhân danh gì mà đòi nhân dân phải móc túi thêm ra để đảm bảo “sống được”? Vậy, mức sàn của “lòng tự trọng” ở đâu?
Nguồn ảnh: FB nhân vật |
Đồng thuận với ông Nguyen Tuan, Facebooker nhận định, chính sách của VNA là chính sách “chồng cây chuối”, bởi dù khẳng định tính chất thị trường của nền kinh tế, nhưng trong trường hợp nâng giá sàn vé máy bay, đã khiến dân chi tiền dùng dịch vụ cao hơn mức giá thị trường.
“Hiểu đơn giản, VNA như nói: tất cả chúng mày là đồ con cừu. Sống chỉ để bị vặt lông.”, Facebooker Nguyễn Đức Thịnh bức xúc trước thông tin này cho hay.
Nguồn ảnh: FB nhân vật |
Nhà báo Trương Huy San, trong một phản ứng có liên quan đã cho rằng, đề xuất này nếu chấp nhận thì có thể mang lại hàng nghìn tỷ bù lỗ cho VNA, trên cơ sở 400 chuyến bay/ ngày. Dù thế, ông cũng bày tỏ sự lạc quan đối với ông Trương Quang Nghĩa, vì ông là người nghiêm cấm nhiều dự án “lợi ích nhóm”. Do đó, ông Trường Huy San nhấn mạnh, việc đồng ý hay không đồng ý với đề nghị rất có dấu hiệu “lợi ích nhóm” của VNA này sẽ cho thấy ông Trương Quang Nghĩa là ai và cho thấy tầm của ông ở đâu. Là một chính trị gia thời kinh tế thị trường hay chỉ đơn thuần là một “cán bộ mang đầy đủ thói quen của thời quan liêu bao cấp”.
Và nếu như rơi vào vế thứ hai, những cán bộ mang thói quen thời bao cấp sẽ đẩy hàng triệu người dân không còn được tiếp cận với dịch vụ hàng không, nhằm cứu trợ sự thua lỗ của các doanh nghiệp nhà nước. Nói cách khác, người dân sẽ bị bóc lột ở một cách tinh vi và rất XHCN.
Như vậy có thể thấy rằng, nâng giá trần vé máy bay là sự vùng vẫy của nhóm độc quyền không hơn, không kém.
Và lần này, Bộ GTVT có thể đứng về phía VNA?