Việt Nam Thời Báo

Nhìn lại sự sụp đổ của Liên bang Xô viết

 Trần Thế Kỷ


(VNTB) – Nhiều người cho rằng nếu không xảy ra cuộc chính biến này thì có lẽ Liên Bang Xô Viết vẫn còn tồn tại, dù sự tồn tại này mang tính hình thức hơn là thực chất. Chúng ta hãy nhìn lại cuộc chính biến lịch sử đó:
6 giờ sáng thứ Hai ngày 19 tháng 8 năm 1991, Đài phát thanh Matxcơva thông báo phó tổng thống Liên xô Gennady Yanaev sẽ giữ chức tổng thống thay cho Mikhail Gorbachev đang trong tình trạng sức khỏe suy yếu. Thông báo này đưa ra một ngày trước khi các nước cộng hòa Xô Viết dự định ký hiệp ước Liên Bang mới, ủy thác quyền của chính phủ trung ương cho các nước cộng hòa.
Sau thông báo trên, Đài phát thanh lại phát tin mới: G. Yanaev công bố danh sách của “Ủy ban nhà nước về tình trạng khẩn cấp” gồm 8 người và tuyên bố cả nước ở trong tình trạng khẩn cấp. Trong danh sách trên, người ta thấy ngoài G. Yanaev còn có giám đốc KGB Vladimir Kryuchkov, thủ tướng Valentin Pavlov và bộ trưởng Nội vụ Boris Pugo.
Trưa hôm đó, trong cuộc họp báo tại văn phòng chính phủ liên bang Nga, tổng thống Nga Boris Yeltsin tuyên bố G. Yanaev đã làm đảo chính một cách phi pháp và kêu gọi toàn quốc bãi công vô thời hạn. Hai nước cộng hòa Kazakstan và Ukraina tuyên bố cái gọi là tình trạng khẩn cấp không có hiệu lực trên lãnh thổ của họ.
Ngày hôm sau, 20 tháng 8 năm 1991, khoảng 5 vạn người dân tụ tập bảo vệ trụ sở quốc hội Nga. Nhiều nơi xảy ra biểu tình và bãi công chống lại đảo chính. Một số đơn vị quân đội được huy động để duy trì tình trạng khẩn cấp ở Matxcơva đã bất phục tùng sự chỉ huy của những người lãnh đạo Bộ Quốc phòng, trong đó có thiếu tướng Alexander Lebed. Tổng thống Nga Boris Yeltsin tuyên bố giữ chức Tổng tư lệnh lực lượng vũ trang trong thời gian  Mikhail Gorbachev  vắng mặt. Yeltsin nói Gorbachev đang bị phe đảo chính quản thúc tại Krưm. Ban lãnh đạo Nga đòi giải thể “Ủy ban khẩn cấp”. Nhiều nước cộng hòa lần lượt từ chối áp dụng tình trạng khẩn cấp.
Thứ Tư ngày 21 tháng 8 năm 1991, Boris Yeltsin ổn định được tình thế. Phe đảo chính bắt đầu tan rã. Bộ Quốc phòng Liên Xô quyết định rút các đơn vị quân đội được điều động trong tình trạng khẩn cấp trở về nơi đóng quân thường xuyên của họ.
Chiều 21 tháng 8, các thành viên của “Ủy ban khẩn cấp” bỏ trốn nhưng sau đó tất cả 8 thành viên của ủy ban này bị bắt tại sân bay Vancôvô.
9 giờ tối ngày 21 tháng 8 năm 1991, Mikhail Gorbachev được phóng thích. 2 giờ sáng hôm sau ông trở về Matxcơva và nhanh chóng phát biểu trên đài truyền hình để trấn an quốc dân.
Ngày 24 tháng 8, Mikhail Gorbachev tuyên bố từ chức tổng bí thư đảng cộng sản Liên Xô và yêu cầu ban chấp hành trung ương đảng Cộng sản Liên  Xô giải tán. Cùng với sự giải thể của đảng Cộng sản Liên Xô, Liên Bang Xô Viết  đứng trước nguy cơ sụp đổ. Không đầy 4 tháng sau cuộc chính biến, các nước cộng hòa Xô Viết lần lượt tuyên bố độc lập. Đến cuối năm 1991, Liên Bang Xô Viết gồm 15 nước cộng hòa hoàn toàn không còn tồn tại.
Vì sao đảo chính thất bại?
Nhiều ý kiến cho rằng sự thất bại của cuộc đảo chính năm 1991 ở Liên Xô đến từ các nguyên nhân sau :
a.  Những kẻ đảo chính thiếu sự chuẩn bị chu đáo. Ngay từ đầu họ đã không bắt giữ Yeltsin và các đồng sự của ông ta vì điều này sẽ làm sút giảm tinh thần kháng cự của người Nga.
b.  Phe đảo chính không có gương mặt nào nổi bật, một lý tưởng sâu sắc có thể tranh thủ sự ủng hộ của nhiều tầng lớp nhân dân.
c.  Nhân dân Nga sau 6 năm sống với chính sách Perestroika của Gorbachev đã biết thế nào là dân chủ. Họ không muốn quay lại quá khứ phi dân chủ và nhất là họ không còn biết sợ KGB hay chính quyền.
d.  Quân đội do dự. Họ có thể trấn áp người Estonie, Azerbaijan hay Gruzia … nhưng đây lại là nhân dân Nga.
e.  Các lãnh đạo phương Tây không công nhận chính phủ lâm thời của phe đảo chính. Ngay cả lãnh đạo Giáo hội Chính thống Nga cũng không công nhận họ và yêu cầu phải để nhân dân gặp mặt Gorbachev.
Các nước cộng hòa và sự sụp đổ của Liên bang Xô Viết
Các nước cộng hòa đã đóng một vai trò quan trọng trong sự sụp đổ của Liên bang Xô Viết. Dưới thời của Mikhail Gorbachev, các biện pháp cải cách như Mở cửa (Glasnost) và Cải tổ kinh tế (Perestroika) được kỳ vọng đem lại sự hồi sinh cho Liên Xô. Tuy nhiên các biện pháp này đã có một số tác động dẫn đến quyền lực của mỗi nước cộng hòa được tăng cường. Đầu tiên, tự do chính trị cho phép chính quyền của mỗi nước cộng hòa có được tính hợp pháp bằng việc mở rộng chế độ dân chủ và chủ nghĩa dân tộc. Ngoài ra tự do cũng đưa tới những rạn nứt trong hệ thống phân cấp của Đảng, điều này giảm bớt quyền lực điều khiển của trung ương tới các nước cộng hòa. Cuối cùng cải tổ kinh tế cho phép các nước cộng hòa được kiểm soát các tài sản kinh tế của mình và giữ lại nguồn tài chính từ chính quyền trung ương.

Có nhiều ý kiến đánh giá khác nhau về Gorbachev. Những kẻ ghét ông không tiếc lời phỉ báng ông, gán cho ông hàng trăm thứ tội. Nhưng có thể nói đại đa số mọi người đều kính trọng ông. Họ đánh giá rất cao những cống hiến của ông cho việc chấm dứt Chiến tranh Lạnh và cải thiện nhân quyền. Việc Gorbachev được trao giải Nobel Hòa bình năm 1990 là hoàn toàn xứng đáng. Ông thực sự là một trong những gương mặt vĩ đại nhất của lịch sử thế giới. Nhân loại phải biết ơn ông rất nhiều.

Tin bài liên quan:

Cuba và Mỹ bắt tay xây cây cầu vĩ đại nối hai đất nước

Phan Thanh Hung

Trung Quốc bắt đầu ‘đánh’ các phe phái lớn

Phan Thanh Hung

Liệu Trung Quốc có thể suy sụp một cách êm thấm không?

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo