Nguyễn Huỳnh
(VNTB) – Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa đăng đàn phát biểu về các yêu cầu chống tham nhũng.
Điểm lại tin tức trong tháng 7-2022, ghi nhận trên Thông tấn xã Việt Nam thì Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng hiện diện trong một số sự kiện chính trị như sau: tiếp Bộ trưởng Ngoại giao Liên bang Nga vào ngày 6-7; dự Hội nghị đánh giá kết quả lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2022, sáng ngày 13-7; tiếp Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Lào, chiều 18-7; gặp mặt người có công tiêu biểu toàn quốc, ngày 26-7; tiếp Bí thư Trung ương Đảng Nhân dân cách mạng Lào, ngày 10-8.
Các vụ việc mang tính lễ nghi, khánh tiết ở trên thật ra chỉ thu hút sự quan tâm ở mức xem chuyện đi – đứng của ông Tổng bí thư có thật sự khỏe khoắn không vì đang có đồn đoán tháng 10 này, rất có thể ông Nguyễn Phú Trọng sẽ “thoái ấn từ quan”.
Tuy nhiên những nghi vấn về biến động nhân sự chính trị đã đổi chiều khi vào ngày 17-8, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (Ban Chỉ đạo) đã họp Phiên thứ 22 để kiểm điểm, đánh giá kết quả hoạt động 6 tháng đầu năm, xác định nhiệm vụ những tháng cuối năm 2022.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo chủ trì Phiên họp.
Ông Nguyễn Phú Trọng đưa ra yêu cầu từ nay đến hết năm 2022 kết thúc điều tra 14 vụ án, ban hành cáo trạng truy tố 20 vụ án; xét xử sơ thẩm 25 vụ án; xét xử phúc thẩm 5 vụ án; kết thúc xác minh, giải quyết 21 vụ việc theo kế hoạch của Ban Chỉ đạo.
Nhất là: Tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, xử lý dứt điểm các vụ việc, vụ án liên quan đến Công ty cổ phần công nghệ Việt Á; vụ án xảy ra tại Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao và một số cơ quan, doanh nghiệp liên quan; vụ án “Thao túng thị trường chứng khoán” xảy ra tại Tập đoàn FLC và một số công ty liên quan; vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Tập đoàn Tân Hoàng Minh; vụ án xảy ra tại Công ty AIC; khẩn trương đưa ra xét xử các vụ án trọng điểm theo kế hoạch của Ban Chỉ đạo.
Tổng bí thư còn đưa ra yêu cầu, “phát huy hơn nữa vai trò của báo chí, truyền thông trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Báo chí không chỉ tuyên truyền, giáo dục, mà còn tích cực đấu tranh, góp phần răn đe, ngăn chặn những hành vi tham nhũng, tiêu cực”.
Bình luận về chuyện kêu gọi báo chí của ông Nguyễn Phú Trọng, có ý kiến rằng vừa qua những nhóm quyền lực trong chính nội bộ đảng cộng sản đã bất chấp hàng loạt văn bản được gọi là chỉ đạo chống tham nhũng mà ông Tổng bí thư chỉ đạo ban hành, họ vẫn tiếp tục công khai thách thức chuyện “củi – lò”.
Liên quan đến việc cán bộ làm công tác phòng, chống tham nhũng tại địa phương phải gương mẫu, không vi phạm, nhưng vừa qua có trưởng ban chỉ đạo cấp tỉnh vi phạm như trường hợp Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Phạm Xuân Thăng vừa bị Ủy ban Kiểm tra trung ương kết luận có vi phạm đến mức phải xem xét, kỷ luật liên quan vụ Việt Á.
Tương tự, vì sao lại có trường hợp Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Ninh Bình Trần Hồng Quảng đã bị kỷ luật cảnh cáo, nhưng lại có tên trong Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của tỉnh, vậy thì sẽ xử lý như thế nào?
Nhiều bài báo đã đặt ít nhất hai câu hỏi như trên về cụ thể xảy ra ở Tỉnh ủy Hải Dương.
Có một thực tế mà tin chắc là Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp tục bị mất điểm về niềm tin trong công chúng, lẫn những người trong đảng, đó là đến nay phần vốn góp 80% còn lại trong Công ty Việt Á là của những ai mà không được công khai làm rõ; và “trùm cuối” ở vụ án này có đúng như công luận đồn đoán liên quan đến một dòng tộc ‘danh giá thế phiệt’ ở miền Trung?