Trần Thành (VNTB) Logo bún bò Huế này có chữ in hoa. Chữ u trong “bún” được cách điệu từ hình tô bún, đôi đũa tạo thành dấu sắc của chữ bún. Giải thích về ý nghĩa logo này, Hiệp hội Du lịch Thừa Thiên – Huế cho biết “màu sắc trọng tâm là màu tím, xanh. Đây là cặp màu đặc trưng cho Huế. Phông chữ Huế được cách điệu theo môtip hoa văn Huế”.
VNTB – Ai là chủ sở hữu của “Bún bò Huế”? |
Hàng quán sử dụng nhãn hiệu chứng nhận bún bò Huế nói trên phải có tên riêng của quán mình kèm theo, ví dụ bún bò Huế O Trang, bún bò Huế bà Mỹ… chứ không chỉ dùng logo không.
Chưa bảo hộ nhãn hiệu “Bún bò Huế”
UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế đã ban hành quy chế quản lý và sử dụng nhãn hiệu “Bún bò Huế” do ông Phan Ngọc Thọ, phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh, ký ngày 13-7-2016.
Văn bản này có 19 điều, quy định cụ thể các điều kiện, tiêu chí, phương thức quản lý, cấp, sử dụng và thu hồi nhãn hiệu chứng nhận “Bún bò Huế”… UBND tỉnh giao Hiệp hội Du lịch Thừa Thiên – Huế quản lý nhãn hiệu này. Trong quy chế của UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế cũng khẳng định việc sử dụng logo nói trên hoặc logo tương tự gây nhầm lẫn mà không xin phép là hành vi vi phạm. Người có hành vi vi phạm về nhãn hiệu chứng nhận sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định về sở hữu trí tuệ.
Bà Nguyễn Hoàng Thụy Vy – phó chủ tịch kiêm tổng thư ký Hiệp hội Du lịch Thừa Thiên – Huế, đơn vị được giao soạn thảo Quy chế quản lý và sử dụng nhãn hiệu “Bún bò Huế” vừa được ban hành – cho biết quy chế chỉ là một phần nhỏ của đề án tạo lập quản lý và phát triển chứng nhận cho sản phẩm bún bò Huế của tỉnh Thừa Thiên – Huế, tất cả đang trong quá trình thực hiện.
Bà Vy cho biết: “Về nguyên tắc, khi mà nhãn hiệu đã được bảo hộ với cụm chữ “Bún bò Huế” thì các đơn vị phải đăng ký với tỉnh. Khi ấy hiệp hội sẽ xem thử quy trình chế biến của họ có hợp vệ sinh hay không, đã tạo ra hương vị đặc trưng của bún bò Huế hay không, nguyên liệu để chế biến nên sản phẩm có đảm bảo các tiêu chí an toàn với sức khỏe hay không… Lúc đó họ có thể sử dụng chữ “Bún bò Huế”… Nếu không đảm bảo các tiêu chí đó thì họ có thể sử dụng “Bún Huế”, “Bò Huế” hay “Huế bò” gì đó… chứ không phải là “Bún bò Huế”!”.
Bà Vy cũng cho rằng vì chủ sở hữu là UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế chứ không phải một cá nhân hay công ty nào nên “sẽ tránh được độc quyền hay nhũng nhiễu”.
Người ký văn bản là ông Phan Ngọc Thọ, phó chủ tịch thường trực tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết: “Tỉnh làm để bảo vệ thương hiệu của mình, nếu không làm, nơi khác đăng ký thì mình sẽ mất và sẽ thua!”. Còn việc quản lý thương hiệu, ông Thọ cho rằng đó là việc lớn, và thực hiện đúng luật là “không thể có chuyện khả thi”.
Ông nói: “Tôi khẳng định việc thực hiện theo đúng nguyên tắc, muốn kinh doanh bún bò Huế thì phải đến tỉnh để đăng ký là chuyện không bao giờ khả thi, không bao giờ có. Nhưng ít ra là cũng có tính răn đe, rằng muốn sản xuất bún bò Huế thì tối thiểu là phải thực hiện theo các tiêu chuẩn, tiêu chí nhất định để người dùng cảm nhận được đây là tô bún bò Huế!”.
Ngày 6/8, trả lời báo chí, ông Lưu Đức Thanh, Trưởng phòng Chỉ dẫn địa lý và Nhãn hiệu quốc tế, Cục Sở hữu trí tuệ, cho hay: “tỉnh Thừa Thiên-Huế cũng vừa mới nộp quy chế cho Cục Sở hữu trí tuệ để xin cấp văn bằng bảo hộ. Theo quy định thì phải có quy chế trước thì mới nộp đơn xem xét cấp. Đây chỉ là những bước đầu tiên. Cấp văn bằng bảo hộ xong thì tỉnh và hiệp hội mới có thể triển khai sử dụng nhãn hiệu này. (…) Hiện Cục đang thẩm định mẫu nhãn hiệu này, chưa có kết quả”.
“Bún bò Huế” không phải là một nhãn hiệu!
Trong Quyết định số 761/QĐ-BKHCN, do thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, ông Trần Văn Tùng ký ngày 9/4/2013, “Phê duyệt Danh mục các dự án thuộc Chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ để tuyển chọn cho thực hiện trong 2 năm 2014-2015”, thì “Bún bò Huế” là “loại dự án tạo lập, quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận”, với sản phẩm dự kiến là “Nhãn hiệu chứng nhận được bảo hộ”.
Theo Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới WIPO – http://www.wipo.int, nhãn hiệu chứng nhận thường được cấp cho những đối tượng đáp ứng các tiêu chuẩn xác định, mà không có hạn chế bất kỳ về tư cách thành viên.
Nhãn hiệu chứng nhận có thể được sử dụng bởi chủ thể bất kỳ mà có thể chứng nhận rằng sản phẩm đáp ứng các tiêu chuẩn nhất định đã được đặt ra. Đơn cử, nhãn hiệu chứng nhận nổi tiếng như WOOLMARK chứng nhận rằng hàng hóa mang nhãn hiệu này làm hoàn toàn (100%) bằng len.
WIPO nói rằng ở nhiều nước, khác biệt chính giữa nhãn hiệu tập thể và nhãn hiệu chứng nhận, là nhãn hiệu tập thể chỉ được sử dụng cho một nhóm doanh nghiệp cụ thể, ví dụ các thành viên của hiệp hội, trong khi nhãn hiệu chứng nhận có thể được sử dụng cho bất kỳ chủ thể nào đáp ứng các tiêu chuẩn xác định của chủ sở hữu nhãn hiệu chứng nhận. Một yêu cầu quan trọng đối với nhãn hiệu chứng nhận là chủ thể nộp đơn đăng ký phải được xem là “có thẩm quyền chứng nhận” hàng hóa có liên quan.
Như vậy ở đây, liệu một cơ quan hành chính là ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên – Huế có phải là nơi “có thẩm quyền chứng nhận” món ăn có tên “bún bò Huế”?
Luật Sở hữu Trí tuệ (SHTT) Việt Nam quy định “Nhãn hiệu là dấu hiệu dùng để phân biệt hàng hóa, dịch vụ của các tổ chức, cá nhân khác nhau” (Điều 4.16). Như vậy, chức năng chính của nhãn hiệu là để phân biệt. Cần thấy rằng mục đích của việc gán nhãn hiệu lên hàng hóa hay dịch vụ chính là để “trung thành hóa” khách hàng, có nghĩa là để khách hàng đã sử dụng sẽ dễ dàng tìm lại mặt hàng hay dịch vụ mình yêu thích; hoặc hài lòng và để khách hàng tiềm năng dễ dàng nhận ra hàng hóa hay dịch vụ đó khi muốn tìm đến để sử dụng. Nhãn hiệu không có chức năng bảo đảm về chất lượng hàng hóa.
Nhãn hiệu chứng nhận là một khái niệm tồn tại song song và trực tiếp liên quan đến đối tượng của bài viết này – nhãn hiệu chứng nhận “Bún bò Huế”. Theo quy định của Luật SHTT, thì nhãn hiệu chứng nhận là nhãn hiệu dùng làm đối chứng các đặc tính về xuất xứ, nguyên liệu, vật liệu, cách thức sản xuất hàng hóa, cách thức cung cấp dịch vụ, chất lượng, độ chính xác, độ an toàn hoặc các đặc tính khác của hàng hóa, dịch vụ mang nhãn hiệu (Điều 4.18).
Chức năng của nhãn hiệu chứng nhận cụ thể hơn về cách thức sản xuất, hoặc cung cấp dịch vụ cho một tổ chức nhất định đạt yêu cầu về cách thức sử dụng. Mục đích vẫn là tạo sự khác biệt giữa cơ sở có sử dụng nhãn hiệu chứng nhận và cơ sở còn lại trong cùng ngành.
“Khi dấu hiệu dùng đăng ký bảo hộ nhãn hiệu là tên gọi thông thường của hàng hóa dịch vụ được sử dụng rộng rãi, thường xuyên thì bị coi là dấu hiệu bị loại trừ. Nói một cách giản dị, không thể dùng từ “xà bông” để đăng ký nhãn hiệu độc quyền cho một loại xà bông; không thể dùng từ “kem đánh răng” để đăng ký thành nhãn hiệu độc quyền cho một loại kem đánh răng. Như vậy, không thể dùng thuật ngữ “Bún bò Huế” đơn thuần để đăng ký thành nhãn hiệu chứng nhận hoặc nhãn hiệu nói chung. Bởi vì, thuật ngữ “bún bò Huế” tồn tại như một từ ngữ được sử dụng trong cuộc sống hằng ngày để phân biệt với các món ăn có bún khác như bún thịt xào, bún riêu, bún ốc, bún thang, bún mắm, bún cá Sóc Trăng, canh bún… Do đó, “bún bò Huế” là dấu hiệu không có khả năng phân biệt xét dưới góc độ pháp luật sở hữu trí tuệ”.
Tiến sĩ Nguyễn Thị Hải Vân, giảng viên Trường Đại học Luật TP.HCM, biện giải.
Quyền sở hữu nhãn hiệu “Bún bò Huế” nếu có thì thuộc về ai?
Luật sư Châu Huy Quang, điều hành Hãng luật R&T LCT Lawyers, đặt vấn đề: “Trường hợp UBND là chủ sở hữu hợp pháp, UBND có các quyền tương ứng của chủ sở hữu đối với nhãn hiệu của mình, bao gồm cả quyền cho người khác khai thác, sử dụng nhãn hiệu của mình. Về điểm này, cần chứng minh thế nào là chủ sở hữu của nhãn hiệu hợp pháp, chẳng hạn thông qua văn bằng chứng nhận đăng ký nhãn hiệu do Cục Sở hữu trí tuệ cấp.
Ngoài ra, xét thấy do UBND không phải là một đơn vị kinh tế nên liệu việc sở hữu một nhãn hiệu thuộc nhóm hàng ăn uống có phù hợp không cũng cần xem lại”.
KTS Nguyễn Trọng Huấn, một người gốc Huế, nhìn dưới giác độ khác về “quyền sở hữu”.
Ông Huấn nói, cái không còn như nguyên bản đầu tiên của món bún bò Huế là ở… sợi bún. Sợi bún xưa kia to cỡ đầu đũa, mềm nhưng săn chắc chứ không nhũn. Bây giờ ở Huế không tìm thấy đâu thứ sợi bún ấy. Do sự “cường tráng” của sợi bún như thế mà người ăn, dù là người bình dân hay giới cung đình đều phải bỏ qua nét đặc sắc của ẩm thực Huế là nhẹ nhàng, thanh cảnh. Tô bún nóng sốt, những miếng thịt bò bắp thái lớn nhưng mỏng, cho ghém bắp chuối, rau muống chẻ, rau thơm, và thật nhiều ớt bột phi vào và phải ăn một cách hồ hởi từng miếng lớn. Vừa ăn vừa xuýt xoa. Ăn món này không cần tới muỗng, ghé môi vào thành tô mà húp mới ra hương ra vị của bún bò.
Thứ gia vị làm nên hương vị đặc trưng của bún bò Huế, ông Huấn cho biết, đó là ruốc Huế nêm vào trong nồi nước lèo. Bây giờ mùi vị ấy cũng không còn thấy. Ông Huấn rời Huế từ 1949. Năm 1975 trở lại Huế thì bún bò Huế vẫn còn, chỉ thấy trong tô bún bò có thêm khoanh giò heo. Sự bổ sung này làm tăng phần dinh dưỡng của món ăn, và theo ông Huấn thì có thể chấp nhận được, nếu đó là khoanh giò gân chứ không phải giò nạc.
Bẵng đi nhiều năm ông vào Nam, vẫn đi đi về về mà không để ý, cho đến hôm cùng đoàn khảo sát của Nguyễn Duy ra Huế, thì không còn tìm đâu ra để giới thiệu với dân phương Nam cái món Huế mà giờ đây đầy rẫy ở phương Nam.
Cuộc biến động lớn năm 1954 đã làm gia tăng sự giao lưu ẩm thực ba miền. Cuộc “thiên di” của món bún bò Huế vào Nam, theo ông Huấn là cũng từ những năm này. Nhưng cũng lạ là nó lại không ra được đất Bắc. Nguyễn Duy cho biết, thời đó có thấy xuất hiện món bún xào bò của Nam bộ, nhưng món bún bò Huế thì không. Ông Huấn nói mình cũng thấy lạ nhưng chưa khi nào nghĩ cặn kẽ về “hiện tượng” này…
Như vậy, nếu căn cứ vào cách hiểu của WIPO (đã nói ở trên) và điều 4 của Luật SHTT, thì UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế không thể tự nhận là chủ sở hữu của “bún bò Huế”.