Hàn Lam
(VNTB) – Độc quyền vàng là để chống lại tình trạng “vàng hóa”, “đô la hóa”.
Về chính sách quản lý giá vàng, hiện nay, theo các quy định của luật cũng như Nghị định 24, Ngân hàng Nhà nước vẫn độc quyền vàng miếng SJC. Đây cũng là lý do khiến nguồn cung trên thị trường khan hiếm, đẩy giá vàng lên cao hơn so với thế giới.
Việc độc quyền, theo giải thích của Ngân hàng Nhà nước là để chống lại tình trạng “vàng hóa”, “đô la hóa”.
Giới đầu tư từng kết luận rằng chứng khoán chả là gì so với vàng. Vàng lên cũng ăn mà vàng xuống lại càng ăn, mà lại không bị ai kiểm soát, không phải công bố, cáo bạch gì… Chuyện như thế đã trở nên quá thường trên thị trường vàng.
Có 3 nhóm đang bị thiệt hại khi tham gia thị trường vàng, gồm: những người có nhu cầu mua vàng như tài sản an toàn, tiết kiệm; một bộ phận người dân sống ở nông thôn có thu nhập, mua vàng để tiết kiệm và những đối tượng vay nợ vàng khi giá xuống thấp, lúc giá vàng tăng cao khiến họ gặp khó khăn…
Đây đều là những nhóm yếu thế trong đợt biến động giá vàng. Do đó, ở những thời điểm nóng sốt, luôn cần có sự can thiệp của cơ quan quản lý bởi vàng SJC hiện là thương hiệu vàng quốc gia, được độc quyền nhập khẩu, sản xuất và gia công bởi Ngân hàng Nhà nước.
Với độc quyền nhà nước như vậy nên sự lệch pha của giá vàng trong nước với thế giới suốt thời gian dài đã luôn khiến giới chuyên gia cũng như nhà đầu tư bất bình.
Nhiều người cho rằng, việc quyết định giá vàng tăng hay giảm hoàn toàn nằm trong tay của những doanh nghiệp kinh doanh vàng lớn. Bởi khi có lực mua nhiều thì họ sẽ tăng giá bán lên cao. Còn khi có nhiều người bán ra thì ngay lập tức giá vàng sẽ quay đầu giảm giá, thậm chí chênh lệch biên độ mua bán cũng do chính các doanh nghiệp tự quyết định, họ có thể kéo dãn hoặc thu hẹp biên độ mỗi khi có biến động lớn để tránh rủi ro.
Không những vậy, sự lệch pha của giá vàng còn khiến không ít nhà đầu đặt câu hỏi “liệu có hay không chuyện thị trường vàng trong nước đang bị thao túng giá?”. Bởi khi giá trong nước cao hơn giá thế giới hơn 30% nhưng vẫn có lực mua.
Củng cố cho ngờ vực trên là việc giá vàng trong nước bất ngờ sập mạnh sau thông tin đại biểu Quốc hội đề nghị Chính phủ cần phải làm rõ, có giải pháp ổn định thị trường vàng.
Cụ thể tại thảo luận tổ về tình hình kinh tế – xã hội hôm 24-5-2022, một đại biểu đã đặt vấn đề giá vàng miếng SJC chênh giá vàng thế giới có thời điểm đến gần 20 triệu đồng/lượng thì ai là người hưởng lợi? Cơ chế quản lý thế nào, có hay không việc doanh nghiệp thao túng đẩy giá vàng, trong bối cảnh người dân vì dịch bệnh muốn tích trữ.
Đồng thời vị đại biểu này nói rằng cần phải đặt vấn đề có sự liên kết đẩy giá vàng và đề nghị Chính phủ có giải pháp kiểm soát để ổn định thị trường.
Sau khi thông tin này được báo chí đăng tải, người dân nhận thấy đã tác động mạnh đến thị trường vàng, điều này tương tự với vụ kit test Covid, khi có một ý kiến từ đại diện một hội đoàn doanh nghiệp về giá bán lẻ và sỉ kit test, dẫn đến chuyện hải quan thông báo giá nhập khẩu kê khai của doanh nghiệp về kit test Covid, cùng biện minh của Bộ Y tế để rồi thời gian ngắn sau đó là vụ án Công ty cổ phần Việt Á đình đám hiện tại.
Tại thị trường trong nước, giá vàng SJC ngày 26-5 so với chốt phiên hôm qua, giá vàng tại các doanh nghiệp đã mất khoảng 1 triệu đồng/lượng. Theo đó, giá vàng SJC tại TP Hồ Chí Minh giao dịch mua – bán quanh mức 68 – 69 triệu đồng/lượng. Tại Hà Nội và Đà Nẵng, giá vàng SJC giao dịch mua – bán trong khoảng 68 – 69,02 triệu đồng/lượng. Các thị trường trên đều giảm 100.000 đồng/lượng cả chiều mua vào và chiều bán ra so với chốt phiên hôm qua. So với mức giá mở cửa sáng 25-5, các thị trường trên đã giảm 1,1 triệu đồng/lượng. Chênh lệch mua – bán là 1 triệu đồng/lượng.