VNTB- ATR 72 mới khai thác: Báo động đỏ cho Hàng không VN

Nguyễn Đình Ấm

(VNTB) – Tình hình cực kỳ nghiêm trọng nhưng lãnh đạo ngành HKVN khi đó vẫn giữ kín tiếp tục khai thác 4 máy bay này một cách liều lĩnh và chỉ thị cho cấp dưới “Nếu có chuyên cơ (chở các lãnh đạo cao cấp) thì phải lựa máy bay bay ổn định”…

Máy bay ATR 72 rơi ở Đài Loan
Sáng ngày 4/2/2015 máy bay ATR 72 số hiệu GE235 của hãng HK Trans Asia Airway (Đài Loan) vừa cất cánh khỏi sân bay Tùng Sơn (Đài Bắc) thì bị trục trặc động cơ lao xuống sông làm hơn 23 hành khách thiệt mạng, nhiều người bị thương và mất tích. Nhận định đầu tiên nguyên nhân tai nạn là do trục trặc động cơ. Trước đó, tháng 7 năm 2014 một máy bay ATR 72 khác cũng của hãng này bị rơi tại đảo Bành Hồ khi hạ cánh với nguyên nhân là do mưa bão…

Việc hai chiếc ATR của cùng một hãng mới đưa vào khai thác bị tai nạn chỉ trong thời gian ngắn dù bất cứ nguyên nhân gì cũng làm tôi cũng như nhiều người ở ngành HKVN trăn trở. Bởi vì, hãng HK quốc gia Vietnam Airlines (VNA) đã từng trải qua những sự cố nghiêm trọng khi mới khai thác loại máy bay này. Hầu hết các tai nạn HK xẩy ra không vì chỉ một nguyên nhân (thường là sự cố gì đó cộng với sai lầm của phi công).

Dễ “tổn thương”

ATR 72 là loại máy bay tầm ngắn hai động cơ tua bin phản lực cánh quạt được chế tạo bởi hãng ATR của Pháp. ATR dùng hai động cơ hiện đại Pratt&Whitney của Canada là loại động cơ được sử dụng rộng rãi nhất hiện nay. Đây là loại máy bay hiện đại được nghiên cứu, chế tạo từ 1986 và chuyến bay thương mại đầu tiên do hãng HK Finnan Air thực hiện vào ngày 27/10/1988. Đến nay ATR 72 được nhiều hãng HK sử dụng do rất phù hợp khai thác đường bay ngắn, hạ tầng kém, an toàn, tiết kiệm nhiên liệu, chi phí bảo dưỡng thấp…

ATR 72 của hãng hàng không Quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines)


Tuy nhiên, những gì rút ra với ATR ở HKVN thì thấy, buổi đầu khai thác loại máy bay này cần phải hết sức cẩn trọng. Hình như ATR 72 có những bộ phận “nhậy cảm” nào đó nếu trong quá trình khai thác bảo dưỡng không thật chuẩn xác sẽ dễ gây “tổn thương”. Năm 1994, lần đầu tiên VNA đưa vào khai thác 2 máy bay ATR 72 chưa đầy một năm xẩy ra 101 vụ hỏng hóc trong đó chủ yếu hỏng cánh quạt, động cơ, máy phát điện… Đặc biệt, ngày 4/10/1994 máy bayATR 72 số B202 đang bay từ Huế ra Hà Nội thì một động cơ báo hở vòi phun nhiên liệu cháy, phi công phải tắt động cơ này và bay một động cơ về Hà Nội an toàn.

Năm 1995, VNA khai thác thêm 2 chiếc ATR 72 nữa và đã xẩy ra 210 vụ hỏng hóc, trong đó có hai lần đang bay một động cơ ngưng hoạt động. Hú vía, phi công lại bay một động cơ về căn cứ… Năm 1996, 4 chiếc ATR này vẫn gia tăng hỏng hóc và ngày 17/2/1996 máy tính điều khiển động cơ của chiếc B 204 lại bị hỏng khi đang bay, phi công lại thao tác sai nên một động cơ bị chết cứng. Ngày 19/2/1996 trên chặng bay Buôn Mê Thuột-TP HCM một động cơ lại tự động tắt máy “xuôi lá” do hỏng ổ bi số 5…

Tình hình cực kỳ nghiêm trọng nhưng lãnh đạo ngành HKVN khi đó vẫn giữ kín tiếp tục khai thác 4 máy bay này một cách liều lĩnh và chỉ thị cho cấp dưới “Nếu có chuyên cơ (chở các lãnh đạo cao cấp) thì phải lựa máy bay bay ổn định”, có lẽ để “giữ uy tín và chắc ghế ”(?).

Quá lo ngại cho sinh mạng hành khách, phi công…, tôi đã cộng tác với báo Hà Nội Mới quyết tâm công khai vụ này. Ngày 31/3/1996, tờ Hà Nội Mới chủ nhật đăng bài: “Bay lên nào!”, tác giả Nguyễn Triều ký tên, phanh phui vụ khai thác máy bay liều lĩnh của lãnh đạo HKVN. Trước đó ngày 24/3/1996 là bài “Đừng nói gì đến chì và chài, đến người cũng mất nốt” vạch trần sự mờ ám vô cùng tai hại, mạo hiểm vụ mua hai chiếc máy bay Fokker 70 khi hãng chế tạo đã phá sản.

Sau hai vụ tố cáo công khai này, lãnh đạo ngành HKVN phản ứng quyết liệt với báo HNM, truy lùng gắt gao người tiết lộ thông tin cho HNM dẫn tới cơ quan an ninh điều tra (A 24) tổng cục an ninh bộ nội vụ (nay là Bộ CA) khởi tố, điều tra báo HNM. Khi không thể làm gì báo HNM, họ lại viện lý do kiểu “hai bao cao su” triệu tập, khởi tố, khám nhà cửa của tôi, điều tra 4 tháng trời.

Dù vậy cả báo HNM và tôi đều thoát nạn vì sau mấy tháng điều tra cơ quan gọi là pháp luật không quy được cho ai tội gì. Thế là chúng tôi “thắng lợi rực rỡ” do đã công khai được tình trạng khai thác liều lĩnh, coi thường sinh mạng con người ở ngành HKVN buộc họ ráo riết mời chuyên gia hãng ATR trợ giúp và cố gắng khắc phục mọi mặt để bay an toàn.

Báo động đỏ

Đến nay đã gần 20 năm, 16 chiếc ATR 72 cùng 72 Boeing, Airbus của HKVN đã không xẩy ra tai nạn nghiêm trọng. Hiện nay VNA là một trong những hãng HK đạt tiêu chuẩn an toàn khai thác của hiệp hội vận tải hàng không quốc tế (IATA), là thành viên của tổ chức này, của liên minh HK toàn cầu Skyteam lớn thứ 2 thế giới. Đây là kết quả của việc HKVN hội nhập sâu với hàng không quốc tế, tất cả các máy bay đang sử dụng đều của Mỹ, châu Âu nên từ trang thiết bị, con người, khai thác, bảo dưỡng… đều phải tuân theo tiêu chuẩn, quy trình khoa học, nghiêm ngặt của Mỹ, ICAO, IATA. Đặc biệt, các hỏng hóc trục trặc khi khai thác được công khai, nghiêm túc khắc phục. Ngoài ý thức “tự giác” hiện nay HKVN cũng rất khó giữ “bí mật” do quy định của ICAO, IATA đặc biệt hành khách có đa phương tiện truyền thông để loan tin, phản hồi, tố cáo.

Hiện tại, điểm yếu nhất của HKVN là cơ chế, chính sách lạc hậu không phù hợp với việc quản lý một ngành kinh tế-kỹ thuật hiện đại buộc phải đồng bộ, cập nhật với HK quốc tế. Sự tồn tại đội ngũ nhân viên “tạp nham” quá đông ở TCT quản lý bay và nhiều cơ quan, DN, phi công đình công ở VNA, trộm cắp xăng dầu, móc trộm hành lý, buôn lậu, “cửu vạn”… đặc biệt xẩy ra các sự cố về an toàn- báo động đỏ cho HKVN không thể chủ quan.

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)