Việt Nam Thời Báo

VNTB – Bằng cấp đẻ ra dối trá

Lynn Huỳnh

(VNTB) – Bằng cấp chỉ  là một tấm giấy

 

Trong chương trình “Có hẹn lúc 22 giờ”, các nghệ sĩ khách mời cùng bàn luận về chủ đề: “Học thức có ảnh hưởng gì tới hạnh phúc gia đình không?”. Đạo diễn Lê Hoàng đã gây tranh cãi với phát ngôn gây sốc “Con gái làm nghề nail, bán hàng online thì học vấn thấp”.

Đạo diễn Lê Hoàng cho rằng nếu giữa vợ và chồng có sự chênh lệch về học thức sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hạnh phúc gia đình. Tiếp tục chia sẻ về ý kiến của mình, Lê Hoàng cho biết nếu giữa vợ và chồng có sự chênh lệch về học thức thì tốt nhất người chồng phải giỏi hơn, “có học” hơn. Nếu ngược lại, khi người vợ giỏi hơn sẽ khiến chồng tự ti và dần dần người phụ nữ cũng sẽ chán luôn người chồng.

“Nếu Tuấn (tức diễn viên Quang Tuấn, nghệ sĩ khách mời) nói cô ấy tốt nghiệp đại học thì có thể gia đình Tuấn sẽ không hỏi thêm nữa. Nhưng nếu Tuấn nói cô ấy đang làm nail hoặc buôn bán online thì gia đình sẽ có một chút e ngại vì nghi ngờ cô ta học thức không cao và Tuấn sẽ bị khổ” – đạo diễn Lê Hoàng nói.

Như vậy thì có đúng chênh lệch học vấn liệu có ảnh hưởng tới hạnh phúc?

“Trình độ hiểu biết mới là quan trọng chứ bằng cấp không có ý nghĩa gì ở đây. Không có bằng cấp mà có trình độ thì vẫn tốt, người hiểu biết sẽ biết cách xây dựng gia đình hạnh phúc. Người có bằng thạc sĩ hay tiến sĩ mà không hiểu biết thì gia đình vẫn tan vỡ” – một ý kiến khẳng định như vậy. Theo đó, trong gia đình Việt thông thường thì không có chênh lệch nhiều về trình độ hiểu biết, bình thường thì vợ chồng có trình độ tương đương hoặc chênh lệch chút ít, còn khác nhau nhiều về trình độ là rất phức tạp.

Sự khác nhau về trình độ thì rất khó hoà hợp vì hai người ở hai thái cực khác nhau, khi đó muốn hoà hợp thì phải rất cố gắng từ hai phía. Người giỏi cần phải khiêm tốn và tế nhị hơn, người kém thì cần phải học hỏi thêm.

Trình độ hiểu biết mới là quan trọng chứ bằng cấp không có ý nghĩa gì ở đây. Nếu không có bằng cấp mà có trình độ thì vẫn tốt, người hiểu biết sẽ biết cách để xây dựng gia đình hạnh phúc. Còn người có bằng thạc sĩ hay tiến sĩ mà không hiểu biết thì gia đình vẫn tan vỡ, cho dù là trình độ học vấn cao chứ không phải bằng đều.

Một phản ứng khác quyết liệt hơn.

“Có học, bằng cấp và không có bằng cấp thì sao? Nhiều người học cao, bằng cấp đủ thứ nhưng tính tình và cư xử không đứng đắn và chẳng bao giờ biết lo hay có một phẩm hạnh thì liệu hạnh phúc sau này có dài lâu không? Tình yêu vun bồi bằng nhiệt huyết và chân thật, nếu thấy người đáng yêu và thật thà đến với mình và mình cũng có tình với họ thì cái bằng cấp không quan trọng, chủ yếu là sự chân thật mang lại cho mình hạnh phúc là đủ rồi.

Có nhiều người có bằng cấp nhưng sau khi kết hôn, họ đòi hỏi những cái mình không thể chấp nhận, liệu cái hạnh phúc kia sẽ đi về đâu? Họ sống bằng cái giả dối thì so với kẻ không học liệu cái bằng cấp đó có tồn tại không? Chúng ta nên chú trọng tới bằng cấp thật sự trong tâm hồn. Sự tôn trọng lẫn nhau và cư xử ở đời với ông bà, cha mẹ, anh chị em và láng giềng chứ không phải cái mảnh giấy bằng chứng chỉ mà mình có được.

Cái bằng cấp con người không có thì đi tìm chi mảnh bằng giấy xa hoa, tô vẻ cái bề ngoài của mình. Người có học cao cũng thường hay chảnh chọe và phách lối. Nếu may mắn tìm được một nửa của mình cũng có bằng cấp và lòng tốt chân thật còn bằng, ngược lại tìm bằng cấp mà về sau này khổ thì liệu có nên chọn người có bằng cấp hay không? Cư xử đúng mực, kiến thức, thành tâm và chân thật vẫn cao hơn người có bằng cấp. Hãy vun bồi bằng sự chân thật và lắng nghe nhịp con tim mình”.

Nhà báo Vương Liễu Hằng, kể, “Tôi quen nhiều bạn nail và vô cùng khâm phục sự đa năng của họ. Để có thể làm nail, bạn phải có một đôi tay khéo léo, đôi mắt tinh tường và cái miệng cực dẻo. Chỉ cần đường kéo lệch chuẩn một ly, người làm nail có thể gây hoạ. Thế mà họ cứ thoăn thoắt cắt, sơn và tán đủ thứ chuyện trên đời.

Sát nhà tôi có một cô bán hàng online. Trời, nghe cô ấy lai-chim mà nể sự hoạt ngôn, chiêu trò thì vô tận. Không nhà ‘ní nuận’ nào có thể sánh bằng đâu bạn ạ. Dầu này dưỡng tóc hơi khô ư? Vì nó không hoá chất đó chị. Nó khô phần ngọn nhưng ẩm từ gốc. Phấn này độ bám không cao? Vậy nên chị phải dùng chung với kem nền, nguyên com bo người ta mà, đảm bảo bám chắc đến nỗi xuống hồ bơi khi leo lên vẫn y nguyên… Cái miệng lai-chim của cô ấy nuôi nguyên gia đình.

Bi kịch của xã hội ta là thừa thầy thiếu thợ. Lúc nào cũng nhăm nhắm cử nhân tiến sĩ để rồi bổ sung vào đội quân xe ôm. Thậm chí vấn nạn bằng cấp lại sinh ra sự dối trá của một nền danh xưng có thể bán mua…

Còn tôi, tôi trân trọng tất cả những ai kiếm sống chân chính, hơn ngàn lần đám chức sắc đầy mình mà rập rình lưu manh, ăn tàn phá hại đất nước này”.


Tin bài liên quan:

VNTB – Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam đã bị ‘vạ miệng’?

Phan Thanh Hung

VNTB – Lạm bàn chuyện “Đảng lãnh đạo”

Phan Thanh Hung

VNTB – Vịnh Cam Ranh: mở cửa cho tất cả tàu chiến các quốc gia

Do Van Tien

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.