VNTB – Bao giờ ‘hợp pháp hóa’ chuyện biểu tình?

VNTB – Bao giờ ‘hợp pháp hóa’ chuyện biểu tình?

Đông Đô

 

(VNTB) – Quyền biểu tình vẫn chưa được pháp luật quy định.

 

Ở Việt Nam, muốn xuống đường biểu tình thì người dân cũng chẳng biết phải làm thủ tục ra sao?

Hiến pháp 2013, ở Điều 25 ghi rằng: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”.

Thế nhưng đến tận thời điểm này, quyền biểu tình vẫn chưa được pháp luật quy định, do vậy chuyện người dân xuống đường biểu tình nếu không liên quan đến cái gọi là ‘nhạy cảm chính trị’, thì vẫn được xem là vi phạm vì ‘hợp pháp hóa’ ở đây chưa biết đến bao giờ mới thực thi.

Mới nhất là vụ hàng trăm nhà đầu tư của Tập đoàn Trường Tiền đã căng băng rôn dọc đường Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội để kêu cứu. Theo đó, hôm 29/3/2023, trong hàng trăm nhà đầu tư của Tập đoàn Trường Tiền đã căng băng rôn dọc đường Trần Hưng Đạo thì đa phần các nhà đầu tư là người lớn tuổi, thậm chí có cụ đã ngoài 80 tuổi.

Theo những người biểu tình cho biết hiện đã có hơn 1.500 nhà đầu tư đã trở thành nạn nhân của Công ty cổ phần Trường Tiền Holdings, trụ sở tại Hà Nội, và Công ty cổ phần đầu tư Gold Garden, trụ sở tại TP.HCM thông qua các hợp đồng góp vốn, hợp tác đầu tư. Cụ thể, từ năm 2018, các nạn nhân đã ký kết các hợp đồng góp vốn, hợp tác đầu tư với 2 công ty trên do ông Lê Khánh Trình và Khiếu Xuân Khương làm chủ. Số tiền mỗi người bỏ ra từ vài trăm triệu đến vài tỷ đồng, với hứa hẹn được trả lãi suất cao.

Từ cuối năm 2019, các nhà đầu tư đã bị ngưng chi trả lợi nhuận nên đòi thanh lý hợp đồng, nhưng đến nay vẫn chưa đòi lại được tiền.

Theo phản ánh, số tiền của nhà đầu tư bị chiếm đoạt đã hơn 832 tỷ đồng. Ngoài hình thức “Hợp đồng góp vốn đầu tư”, công ty này còn dụ dỗ các nạn nhân dưới hình thức “đối ứng đất với công ty”, nhưng lô đất đối ứng là ảo, vẽ ra trên giấy, không có thực.

Tập đoàn Trường Tiền được thành lập năm 2008, tiền thân là Công ty cổ phần May Phú Thành, với vốn điều lệ ban đầu là 1,5 tỷ đồng. Kể từ khi niêm yết trên sàn HNX (tháng 1/2016), hoạt động kinh doanh của May Phú Thành duy trì ổn định, lãi sau thuế trong 2 năm 2016 và 2017 lần lượt là 5,8 tỷ đồng và 4 tỷ đồng.

Bước ngoặt đối với doanh nghiệp này bắt đầu từ khi nhóm của ông Lê Khánh Trình, cựu Chủ tịch Hội đồng Quản trị và hiện là Phó tổng giám đốc cùng 2 công ty có liên quan thâu tóm và trở thành cổ đông lớn vào năm 2018.

Sau Đại hội đồng cổ đông bất thường ngày 18/11/2018, May Phú Thành đã đổi tên thành Tập đoàn Trường Tiền, mở rộng thêm nhiều lĩnh vực, hướng đến xây dựng thành tập đoàn cung cấp các sản phẩm đẳng cấp quốc tế và đa ngành nghề.

Cũng trong năm 2018, Trường Tiền ghi nhận lãi sau thuế tăng cao, đạt 26,3 tỷ đồng. Tuy nhiên, lãi sau thuế của doanh nghiệp này đã giảm mạnh xuống còn 2,47 tỷ đồng vào năm 2019, dù doanh thu thuần tăng 40%, lên hơn 163 tỷ đồng.

Đáng chú ý là đến đầu quý IV/2020, ông Lê Khánh Trình và 2 doanh nghiệp liên quan đồng loạt thoái vốn nhằm mục đích cơ cấu lại danh mục đầu tư, giảm tỷ lệ sở hữu tại Trường Tiền xuống còn 0%. Trước ông Lê Khánh Trình, một số cổ đông lớn khác là các ông Bùi Cảnh Hoàng, Vũ Hoài Vũ, Bùi Việt Quân cũng đã thoái toàn bộ vốn tại thời điểm quý III/2020.

Ông Nguyễn Gia Khoa, Chủ tịch Hội đồng Quản trị hiện nay của Trường Tiền được bầu lên thay ông Lê Khánh Trình tại Đại hội đồng cổ đông bất thường cuối năm 2020, cũng đã thoái hết vốn tại Trường Tiền hồi cuối tháng 3/2021.

Trong chuỗi diễn biến liên quan, ngày 6/3/2021, Cơ quan Cảnh sát Điều tra – Công an TP.HCM cho biết, đang thụ lý điều tra tố giác về tội phạm của nhiều cá nhân ngụ trên địa bàn TP.HCM và các tỉnh, tố cáo Lê Khánh Trình (sinh năm 1981, Chủ tịch hội đồng quản trị Công ty cổ phần Trường Tiền  Holdings – gọi tắt Công ty Trường Tiền), và Khiếu Xuân Khương (sinh năm 1986, Tổng Giám đốc Công ty Trường Tiền, Chủ tịch hội đồng quản trị Công ty cổ phần Đầu tư Gold Garden – gọi tắt Công ty Gold Garden) có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Theo nội dung tố giác, từ cuối năm 2018 đến 2019, có 58 người ngụ tại TP.HCM  và các tỉnh đã ký Hợp đồng hợp tác đầu tư, hợp đồng tự nguyện ủy quyền góp vốn đầu tư các dự án, hợp đồng chuyển nhượng cổ phần với Lê Khánh Trình, và Khiếu Xuân Khương. Sau khi ký các hợp đồng, 58 cá nhân nói trên đã nộp, chuyển tiền cho Công ty Trường Tiền theo như thỏa thuận.

Tuy nhiên, sau thời điểm ký kết hợp đồng, Công ty Trường Tiền chỉ thực hiện chi trả lợi nhuận cho khách hàng trong một thời gian ngắn, sau đó không tiếp tục thực hiện các nội dung cam kết trong hợp đồng.

Khi khách hàng nhiều lần kéo đến trụ sở công ty thì Lê Khánh Trình và Khiếu Xuân Khương hướng dẫn họ làm biên bản thanh lý hợp đồng, thu lại các hợp đồng bản chính đã ký kết với cam kết rằng sau thời điểm thanh lý sẽ hoàn trả lại tiền đã nộp cho khách hàng.

Vậy nhưng sau đó thì Công ty Trường Tiền vẫn không thực hiện theo cam kết và có dấu hiệu trốn tránh trách nhiệm. Nhận thấy ông Trình và ông Khương có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản, các bị hại làm đơn trình báo đến cơ quan điều tra.

Ngoài ra, vào ngày 23/1/2021, Cơ quan Cảnh sát Điều tra – Công an TP.HCM tiếp nhận phiếu chuyển tố giác về tội phạm từ Cơ quan Cảnh sát Điều tra – Công an Quận 1, TP.HCM và các đơn vị khác chuyển đến, với số bị hại là 39 cá nhân.

Những bị hại này cũng tố cáo Công ty Trường Tiền và Công ty Gold Garden có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng thủ đoạn tương tự. Theo đó, Công ty Trường Tiền và Công ty Gold Garden lừa đảo các nạn nhân thông qua hình thức ký kết “Hợp đồng tự nguyện ủy quyền góp vốn đầu tư các dự án Tập đoàn Trường Tiền”, sau đó chuyển đổi thành “Hợp đồng chuyển nhượng cổ phần”…

Đến thời điểm hiện nay, ông Trình và ông Khương không thực hiện cam kết là sẽ hoàn trả lại tiền đã nộp cho khách hàng và có dấu hiệu trốn tránh trách nhiệm. Tổng số tiền nghi bị chiếm đoạt của 39 bị hại theo thống kê sơ bộ là hơn 29,8 tỷ đồng.

Kết quả xác minh cho thấy Công ty Trường Tiền, Công ty Gold Garden không có trụ sở hoạt động thực tế tại địa chỉ như đã đăng ký ở phường Linh Chiểu, Thủ Đức, TP.HCM và phường 9, quận Phú Nhuận, TP.HCM. Ông Lê Khánh Trình, ông Khiếu Xuân Khương cũng không cư ngụ tại các địa chỉ trên và địa chỉ đăng ký thường trú…

+ Ảnh: Biểu tình tại Hà Nội ngày 29/3/2023.


CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (2)
  • comment-avatar
    Nguyễn Tuấn Anh 1 year

    Chống tư bửn vô lại thì được biểu tình .

    Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng nói chống lại chủ nghĩa xã hội là phản động . Mà phản động thì ta có quyền tiêu diệt

  • comment-avatar
    Nguyễn Tuấn Anh 1 year

    Không nên hợp pháp hóa biểu tình . Đọc 1 còm trên mạng nhền nhện, nếu Đảng mà cho biểu tình như Ngụy là xong đời rồi .

    Ngụy cho biểu tình nên đã … Ngay cả Trương Nhân Tuấn cũng hổng muốn dựng lại . Muốn đi theo vết xe đổ của Ngụy, be my guest.