Việt Nam Thời Báo

VNTB – Biến thể Delta lây lan gây áp lực cho vắc-xin Trung Quốc

Anh  Khoa  dịch

 

(VNTB) – Quan chức Trung  Quốc  tuyên bố vắc xin có tác dụng nhưng lại thiếu nghiên cứu khiến sự hoài  nghi về hiệu quả vắc xin gia tăng

 

Tác giả:  Wang Xueqiao, Nicolle Liu, Stefania Palma


Đợt bùng phát vi rút corona tồi tệ nhất của Trung Quốc kể từ khi loại virus này xuất hiện lần đầu tiên ở Vũ Hán đang làm gia tăng lo ngại về chất lượng của các loại vắc xin được sản xuất tại lục địa trong bối cảnh thiếu dữ liệu về hiệu quả của vắc xin.

Ủy ban Y tế Quốc gia hôm thứ Hai đã báo cáo 94 trường hợp có triệu chứng tại trong nước, nâng tổng số ca nhiễm Covid-19 hiện được xác nhận ởTrung Quốc đại lục lên 1.603.

Hàng trăm người trong số đó bị nghi ngờ có liên quan đến một đợt bùng phát vào tháng trước tại một sân bay đông người ở phía đông Nam Kinh. Dịch bệnh lây lan nhanh chóng cả nước kể từ đó đã chấm dứt các ca nhiễm có quy mô nhỏ, khép kín trong nước trong cả một năm qua.

Số ca mắc ngày càng tăng đã lôi kéo sự chú ý vào việc không có các nghiên cứu nghiêm ngặt từ vắc xin Sinopharm của nhà nước và Sinovac thuộc sở hữu tư nhân để chứng minh rằng vắc-xin của họ có tác dụng chống lại biến thể Delta.

Tất cả các loại vắc xin đều gặp vấn đề giảm hiệu quả phòng ngừa đối với các đột biến mới xuất hiện. Nhưng không giống như các vắc xin do BioNTech / Pfizer, Oxford / AstraZeneca và Moderna sản xuất, không có nghiên cứu nào về hiệu quả của vắc xin Trung Quốc đối với biến thể Delta đã được công bố trên một tạp chí quốc tế với một quá trình đánh giá mạnh mẽ để xác nhận kết quả.
Và ở Trung Quốc, việc thảo luận công khai về vấn đề này đang bị giảm lại.

Tuần trước, trong một cuộc họp báo, một phóng viên của tờ Nhân dân Nhật báo, tờ báo chính thức của Đảng Cộng sản Trung Quốc, đã hỏi cơ quan y tế Nam Kinh có bao nhiêu ca nhiễm COVID gần đây là những người đã được tiêm phòng – một hiện tượng được gọi là nhiễm trùng đột phá.

Nhà chức trách đã không cung cấp số liệu nhưng trong vòng một giờ sau khi đặt câu hỏi, nữ phóng viên đã bị cấp trên kỷ luật.

Huang Yanzhong, giáo sư sức khỏe toàn cầu tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại ở New York, nói nhà chức trách ở Nam Kinh nên có dữ liệu vì Trung Quốc theo dõi chặt chẽ và kết nối việc tiêm chủng với một hệ thống mã sức khỏe kỹ thuật số cá nhân.

Họ có thể tránh trả lời câu hỏi vì “đó đang là một chủ đề nhạy cảm,” ông nói.
Chuyên gia y tế cấp cao của Trung Quốc khẳng định vắc-xin vẫn có hiệu quả đối với các biến thể mới. Nhưng họ cũng thừa nhận rằng tỷ lệ phòng ngừa đang giảm xuống, xu hướng này có nguy cơ làm suy yếu quá trình tiêm chủng.

Huang nói: “Nếu tiết lộ dữ liệu cho thấy tỷ lệ hiệu quả ngày càng thấp, là gửi đi một thông điệp có thể làm chậm khả năng đạt được miễn dịch của bầy đàn trong nước.”

Zhang Wenhong, một chuyên gia về bệnh truyền nhiễm Trung Quốc xác nhận tuần trước rằng các ca nhiễm đột phá là từ đợt bùng phát gần đây tại sân bay Thượng Hải. Nhưng ông nói thêm rằng việc không có ca dương tính từ những người tiếp xúc gần với những người bị nhiễm bệnh cho thấy vắc-xin vẫn ngăn ngừa lây lan được.

Quan chức Hội đồng Nhà nước, nội các Trung Quốc, cho biết các nghiên cứu ban đầu cho thấy rằng hầu hết những người đã được tiêm vắc xin trong năm qua không cần tiêm nhắc lại, nhưng họ đang xem xét các mũi tiêm bổ sung cho các nhóm nguy cơ cao như người già và những người hiện có bệnh nền.

Sau khi khởi đầu chậm chạp, tỷ lệ tiêm chủng của Trung Quốc đã tăng nhanh chóng do chính phủ khuyến khích và lo ngại bùng phát. Đến thứ Bảy, có 1,77 tỷ liều vắc xin đã được sử dụng.

Theo Bridge Consulting, một công ty nghiên cứu có trụ sở tại Bắc Kinh, kể từ khi Tổ chức Y tế Thế giới WHO phê duyệt vắc-xin Sinovac và Sinopharm trong năm nay, đã có 570 triệu liều được vận chuyển đến hơn 100 quốc gia.

Nhưng việc không cung cấp được bằng chứng về hiệu quả bền vững chống lại các biến thể mới có thể gây nguy hiểm cho nỗ lực cung cấp vắc-xin của Bắc Kinh ở các nước đang phát triển, đặc biệt là khi các nghiên cứu ban đầu từ ngoài Trung Quốc đại lục lại cho kết quả trái ngược nhau.
Nghiên cứu về chương trình tiêm chủng của Chile được công bố trên Tạp chí Y học New England vào tháng 7 cho thấy vắc xin Sinovac có hiệu quả 66% trong việc ngăn chặn nhiễm vi rút và 88% ngăn ngừa nhập viện với mẫu khảo sát ở biến thể Gamma được phát hiện đầu tiên ở Brazil.

Một nghiên cứu khác từ Sri Lanka, được công bố mà không có bình xét, cho thấy trong 282 người tham gia nghiên cứu, vắc xin Sinopharm tạo ra mức kháng thể chống biến thể Delta tương tự như lây nhiễm tự nhiên.

Các kết quả khác lại còn kém hứa hẹn hơn. Trong một nghiên cứu gần đây do chính phủ ủy quyền cho Đại học Hồng Kông đã phát hiện ra rằng nhân viên y tế được tiêm hai liều BioNTech của Đức có kháng thể trung hòa cao hơn khoảng 10 lần so với những người được tiêm hai liều Sinovac.

Đối mặt với việc thiếu dữ liệu, một số quốc gia đang sử dụng phần lớn vắc xin Trung Quốc cho chương trình tiêm chủng đã và đang điều chỉnh chiến lược tiêm chủng của họ.
Theo một nghiên cứu được công bố vào tháng 7 chưa được bình xét, kháng thể trung hòa do vắc-xin của Sinovac tạo ra đã giảm rõ rệt sau sáu tháng. Các nhà nghiên cứu nhận thấy chỉ có khoảng một phần ba số người tham gia nghiên cứu giữ được mức kháng thể trên ngưỡng có thể phát hiện được.

Nhưng những người được tiêm liều thứ ba khoảng sáu tháng sau liều thứ hai cho thấy mức độ kháng thể tăng vọt gấp 5 lần so với nhóm không được tiêm bổ sung.

Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất và Thổ Nhĩ Kỳ đã cho người dân tiêm mũ nhắc lại thứ ba giống như chiến lược tiêm chủng của Mông Cổ sẽ được áp dụng trong tháng này.

Philippines và Thái Lan đang quyết định xem có nên làm theo hay có thể trộn lẫn vắc xin Trung Quốc với các vắc xin khác.

Indonesia đã bắt đầu cho nhân viên y tế tiêm vắc xin Moderna tăng cường sau khi hàng trăm bác sĩ đã bị nhiễm bệnh dù đã tiêm vắc xin Sinovac.

Malaysia cho biết họ sẽ ngưng sử dụng Sinovac một khi sử dụng hết loại vắc xin này.

David Hui, cố vấn của chính phủ Hồng Kông, cho biết Hồng Kông sẽ nghiên cứu tác động của mũi tiêm tăng cường đối với những người đã được tiêm 2 liều Sinovac. “Liệu liều tăng cường nên là Sinovac hay BioNTech vẫn còn phải được thử nghiệm”, Hui nói với Financial Times.

Nguồn: Financial  Times


 

Tin bài liên quan:

VNTB – Tập Cận Bình chơi lá bài dân tộc: không có gì mới

Phan Thanh Hung

VNTB – Độc tài và kiêu hãnh: Tập Cận Bình viết lại sử Trung Quốc

Phan Thanh Hung

VNTB – Chính trị thế giới tuần này

Baraju T. Ogelefecejo

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.