VNTB – Bộ Y tế cảnh báo về cúm gia cầm lây sang người

VNTB – Bộ Y tế cảnh báo về cúm gia cầm lây sang người

Mai Lan

(VNTB) – Cúm gia cầm A/H5N1 là bệnh diễn tiến nhanh, tiến triển nặng có thể dẫn đến nguy cơ tử vong cao. 

Nguy cơ lây nhiễm cúm gia cầm sang người đến từ việc người dân tăng nuôi gia cầm để chuẩn bị phục vụ dịp Tết Nguyên đán năm 2024…

Bộ Y tế vừa có văn bản gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tăng cường phòng chống cúm gia cầm lây sang người. Theo đó, thông tin từ đầu mối Điều lệ y tế quốc tế (IHR) Campuchia, từ ngày 23-11-2023 đến nay Bộ Y tế Campuchia ghi nhận thêm 02 trường hợp nhiễm cúm A(H5N1) tại tỉnh Kampot. Tích lũy từ đầu năm 2023 đến nay, Campuchia đã ghi nhận 06 trường hợp nhiễm cúm A(H5N1), trong đó có 03 trường hợp tử vong.

Tinh Kampot, Campuchia là tỉnh giáp với biên giới phía Tây Nam của Việt Nam. Trong điều kiện giao lưu thương mại ngày càng rộng mở giữa Việt Nam và các nước trên thế giới, nguy cơ cúm gia cầm có thể xâm nhập vào nước ta và lây nhiễm sang người là rất lớn, đặc biệt là các tỉnh có đường biên giới với các quốc gia đang có dịch.

Trong nước, theo thông tin từ Cục Thú y, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, dịch cúm trên gia cầm vẫn xảy ra rải rác tại các địa phương. Bên cạnh đó, thời tiết hiện nay đang trong giai đoạn chuyển mùa và thay đổi bất thường, chính là điều kiện thuận lợi để vi-rút cúm gia cầm phát triển. Đồng thời, người dân có xu hướng tăng nuôi gia cầm để chuẩn bị phục vụ dịp Tết Nguyên đán năm 2024, do đó hoạt động vận chuyển và buôn bán gia cầm có thể gia tăng và luôn tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm cúm gia cầm sang người.

Về lâm sàng, biểu hiện của bệnh cúm gia cầm cũng giống như bệnh cúm mùa; tuy nhiên, mức độ nghiêm trọng và tỉ lệ tử vong có xu hướng cao hơn, mặc dù còn tùy thuộc vào chủng vi-rút.

Người nhiễm cúm gia cầm có thể không có triệu chứng đến có các biểu hiện nhẹ của triệu chứng cúm như sốt, ho, chảy mũi, nghẹt mũi, đau họng, đau mỏi cơ, đau đầu, viêm kết mạc. Các dấu hiệu ít phổ biến hơn bao gồm tiêu chảy, buồn nôn, nôn hoặc co giật. Các biểu hiện nặng hơn có thể gặp như khó thở hoặc viêm phổi, tiến triển suy hô hấp và tử vong nếu không được điều trị kịp thời.

Hiện nay vẫn chưa có vắc-xin đặc hiệu phòng cúm A/H5N1. Các vắc-xin cúm phòng các chủng virus cúm A, B khác không có tác dụng phòng chống lại cúm chủng A/H5N1. Vì vậy cách để phòng bệnh tốt nhất là chủ động ngăn ngừa tiếp xúc với tác nhân gây bệnh.

Cục Y tế dự phòng – Bộ Y tế khuyến cáo đối với bệnh cúm A/H5N1: Không sử dụng gia cầm và các sản phẩm gia cầm ốm, chết và không rõ nguồn gốc, đảm bảo ăn chín, uống sôi, rửa tay sau khi chế biến; Không giết mổ, vận chuyển, buôn bán gia cầm không đảm bảo an toàn vệ sinh, không rõ nguồn gốc; Tuyệt đối không giết mổ và sử dụng gia cầm bệnh, chết nếu phát hiện phải thông báo ngay cho chính quyền địa phương và đơn vị thú y trên địa bàn phòng ngừa dịch bệnh lây truyền.

Khi có biểu hiện bệnh nghi ngờ có liên quan đến gia cầm như: sốt cao đột ngột, đau họng, ho khan, đau ngực, khó thở phải đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được khám và điều trị kịp thời.

Cúm gia cầm A/H5N1 là bệnh diễn tiến nhanh, tiến triển nặng có thể dẫn đến nguy cơ tử vong cao. Vì vậy ngay khi có các dấu hiệu nghi ngờ khởi phát bệnh, nên đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được điều trị kịp thời.

Đáng ngại là thông tin từ Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam (VIPA) cho biết, tình hình buôn bán, vận chuyển, nhập lậu động vật, sản phẩm động vật dịp cuối năm tại các tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng, Long An, An Giang đang có chiều hướng gia tăng… Trong đó, tập trung vào một số tỉnh như: Lạng Sơn phát hiện 31 vụ với 101.800 con gia cầm giống, 4.000 gia cầm thịt, 8.532 kg/sản phẩm động vật; tỉnh Cao Bằng phát hiện 59 vụ với 39.000 gia cầm giống, 347 gia súc, 16.012 quả trứng giống, 31.351 kg/sản phẩm động vật;

Tỉnh Long An với 5 vụ, tiêu hủy 68 con lợn, 26 con bò, xử phạt vi phạm hành chính 4 đối tượng với số tiền là 27 triệu đồng và khởi tố 03 bị can; tỉnh An Giang với 5 vụ, 35 con gia cầm, 97 con gia súc…


CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)