Ngô Huy Cương
(VNTB) – Có cảm tưởng pháp luật cũng như món phô mai.
Nếu là người thuộc tầng lớp thượng lưu, việc nhấm nháp một li vang đỏ với chút phô-mai là điều tuyệt diệu! Nhưng nếu người dùng chỉ là người lao động bình thường, thì việc nhấm nháp ly vang cùng với phô-mai chưa chắc là một điều thú vị.
Pháp luật của ta hiện nay có quá nhiều khiếm khuyết, mà một trong những nguyên nhân chủ yếu của nó là do nhận thức chưa hoàn toàn thích hợp về pháp luật, hành nghề luật và làm luật.
Nhớ khi mới bắt đầu triển khai việc sửa đổi, bổ sung Bộ luật Dân sự năm 2005 bằng việc xây dựng mới Bộ luật Dân sự năm 2015, một cán bộ quản lý có uy tín của cơ quan soạn thảo cứ một mực cho rằng Bộ luật Dân sự năm 2005 chẳng có vấn đề gì, bởi ông ta vin vào mấy ý kiến của các thẩm phán phát biểu tại một vài hội thảo, rằng tòa án vẫn áp dụng nó một cách bình thường, không có vấn đề gì.
Tôi không thể không phản đối suy nghĩ đơn giản đó bởi tôi hiểu:
Thứ nhất, truyền thống ‘Sovietique Law’ du nhập vào nước ta chỉ coi trọng mỗi một loại nguồn pháp luật duy nhất là văn bản quy phạm pháp luật, cùng với nguyên tắc pháp chế xã hội chủ nghĩa, nên thường biến thẩm phán thành “cái máy áp dụng luật”, do đó trong lĩnh vực luật so sánh, người ta cho rằng truyền thống ‘Sovietique Law’ thuộc trường phái “thực chứng pháp lý cực đoan” – Tuy nhiên mới đây chúng ta đã cải cách mở rộng các loại nguồn của pháp luật, bao gồm cả tập quán, thói quen ứng xử, án lệ và lẽ công bằng, lờ bỏ nguyên tắc pháp chế xã hội chủ nghĩa, nhưng vẫn chưa kịp thấm vì chưa bỏ nổi thói quen tư duy cũ.
Thứ hai, các cán bộ của ta thường nghĩ nếu muốn giữ sự “bình an” hay “giữ ghế” thì hoặc “mũ ni che tai”, hoặc là không phê phán nếu không muốn ca ngợi, kể cả trong trường hợp có sự yêu cầu đóng góp ý kiến của cấp có thẩm quyền, vì sợ “không phải đầu thì cũng phải tai”.
Thứ ba, luật quy định kiểu gì thì cũng áp dụng được nếu như không cần quan tâm tới chuẩn mực và hiệu quả chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, truyền thống và công lý…
Thứ tư, thực tiễn tư pháp của ta đã bị làm xô lệch bởi những lý do trên và đang trên bước đường cải cách.
Xét ở giác độ tác động cụ thể và trực tiếp vào đời sống xã hội, nhất là luật tư, văn bản quy phạm pháp luật (các đạo luật và các văn bản dưới luật) có thể được xem là nơi chứa đựng các giải pháp pháp lý do nhà làm luật dự liệu sẵn, dùng để gợi ý cho các thẩm phán đưa ra các phán quyết cho những vụ việc thực tế xảy ra trong tương lai.
Bản thân pháp luật có các công thức. Nhưng các công thức đó khác với các công thức của toán, lý, hóa… bởi chúng phải được giải thích để rút ra các giải pháp thích hợp cho từng vụ việc cụ thể.
Tư pháp có chức năng giải thích luật là như vậy. Các quy phạm pháp luật do pháp điển hóa tạo ra thường được trừu tượng hóa rất cao, do đó buộc phải giải thích chúng qua một thủ tục nhất định mới có thể có được một giải pháp thích hợp, gần gũi với công lý cho một vụ việc cụ thể đã xảy ra.
Tóm lại các quy định của văn bản quy phạm pháp luật không phải là chân lý, và cũng không phải là công lý. Chúng chứa đựng các yếu tố để dẫn tới công lý, và chỉ trở thành công lý khi qua cầu nối tư pháp.
Không có tư pháp mạnh thì vĩnh viễn không có pháp luật “tốt”! Vậy chắc là Đảng và Nhà nước đang tiến hành củng cố và tăng cường cao độ tư pháp để có thể đạt được mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
Lời bàn của biên tập viên Nguyễn Nam: Tác giả bài viết là một ông thầy giáo trường luật, và là luật sư.
Không thấy ý kiến của ông thầy giáo ra sao về chuyện người được gọi là Trưởng ban cải cách Tư pháp Trung ương, đang bất chấp Luật Tổ chức Quốc hội 2014 để cơ cấu trước các ghế ‘tam trụ’ cho Quốc hội vẫn đang ở thì tương lai: tân chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ – tân chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc – tân thủ tướng Phạm Minh Chính.
Với một bề trên như vậy đang giữ ghế Trưởng ban cải cách Tư pháp Trung ương, vậy thì nền tư pháp cần phải làm sao để có thể mạnh và tốt như mong muốn của ông thầy giáo trường luật?