Việt Nam Thời Báo

VNTB – Cần Thơ xây bờ kè triệt đường sống người dân, “giải toả” chợ nổi

Trần Chân Dân

 

(VNTB) – Công trình kè làm phá vỡ cấu trúc “trên bến dưới thuyền”, triệt tiêu tiểu thương trên bến, phân tán thương hồ.

 

Năm 2016, UBND thành phố Cần Thơ đã phê duyệt đề án “Bảo tồn và phát triển chợ nổi Cái Răng”, gồm 13 hạng mục, công trình với tổng kinh phí hơn 63 tỷ đồng. Trong đó, khoảng 10 tỷ đồng từ ngân sách thành phố, còn lại là nguồn xã hội hóa kêu gọi đầu tư vào các công trình điểm dừng chân, nhà hàng nổi

Tuy nhiên đến năm 2020, phần ngân sách nhà nước (10 tỷ) đã giải ngân xong gần 100% cho các hạng mục: Bố trí phao phân luồng giao thông, thu gom rác thải (1,2 triệu đồng/ngày), xây dựng cầu tàu tạm, truyền thông quảng bá du lịch hằng năm… Nhưng 53 tỷ nguồn xã hội hoá (từ phía người dân và doanh nghiệp) thì gần như không kêu gọi được bao nhiêu.

Tiếp theo đó, từ năm nay cơ quan chức năng quận Cái Răng tiếp tục phê duyệt chủ trương đầu tư kinh phí gần 35 tỷ đồng, thực hiện từ nay đến năm 2025. Với mục tiêu xây dựng cầu tàu, điểm dừng chân, bãi xe, bến hàng hóa tại chợ nổi nhằm cố gắng bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể chợ nổi Cái Răng.

Tính tổng cộng thì trong 10 năm (từ 2016 đến 2025) số tiền nhà nước đầu tư cho hi vọng phục hồi chợ nổi là 45 triệu. Nhưng số tiền làm triệt tiêu khu chợ này lên tới 810 tỷ. Cụ thể là dự án kè chống sạt lở bờ sông Cần Thơ triển khai vào năm 2018. Dự án dài gần 5,2 km, tổng vốn 810 tỷ đồng.

Trong báo cáo UBND quận Cái Răng trình lãnh đạo UBND TP.Cần Thơ nêu rõ, chợ nổi Cái Răng bị tác động mạnh bởi công trình xây dựng bờ kè sông. Công trình kè này làm phá vỡ cấu trúc “trên bến dưới thuyền”, triệt tiêu tiểu thương trên bến, phân tán thương hồ.

Theo đó, đoạn phía bờ bắc từ cầu Cái Sơn (quận Ninh Kiều) đến khu vực chợ Mỹ Khánh (huyện Phong Điền) gần 2,8 km; đoạn phía bờ nam từ cầu Cái Răng đến rạch Ba Láng (quận Cái Răng) và kéo dài về hướng huyện Phong Điền, dài hơn 2,4 km. Dự án kè tại khu vực này nằm trọn chiều dài hơn một km của chợ nổi Cái Răng. Khi bờ kè xây lên làm xáo trộn không gian mua bán, sinh hoạt của tiểu thương gắn bó nhiều năm tại chợ trên sông lớn nhất miền Tây.

Dự án kè này có xây dựng khu vực bậc thang (dài khoảng 10 m) cho người dân lên xuống tại phía bờ Cái Răng. Tuy nhiên, tiểu thương phản ánh với báo chí là đường lên xuống này quá nhỏ so với nhu cầu của nhiều ghe, tàu và hàng hóa mỗi ngày. Điều kiện không thuận lợi, số ghe thuyền ở chợ vắng dần, mỗi ngày khoảng 100 chiếc, có hôm 30-50 chiếc, giảm nhiều so với 500-600 ghe, thuyền những năm trước.

Nhà nghiên cứu văn hoá Nam bộ Nhâm Hùng nói trên Vnexpress: “Bờ kè đang được xây quá cao khiến nhiều tàu, thuyền tải trọng hàng chục tấn (ghe nái) không thể bốc dỡ đưa hàng hoá lên các vựa trên bờ”. Khi việc giao thương không thuận lợi, mất nhiều thời gian, chi phí, thương hồ bỏ đi nơi hoặc lên bờ mưu sinh bằng nghề khác, dẫn đến nguy cơ tan rã chợ.

Với lịch sử hình thành hơn 100 năm trên sông Cần Thơ, chợ nổi Cái Răng không chỉ một di sản của sự khai phá thiên nhiên, của cha ông, mà còn là nguồn sống của biết bao nhiêu thế hệ. Khi đến Cần Thơ, bất cứ du khách nào cũng muốn đi thăm chợ nổi. Thế nhưng chỉ trong mấy mươi năm “giải phóng” đảng cộng sản đã nhanh chóng huỷ hoại khu chợ đặc biệt này.

Một người dân bình luận rằng thay vì xây bờ kè chống sạt lở 810 tỷ tại chợ nổi thì phải xử lý triệt để tình trạng khai thác cát tràn lan hiện nay trên các con trong miền Tây. Người dân này cho rằng chúng ta không thể xây bờ kè trên tất cả các bờ sông vì vô cùng tốn kém, còn việc cấm khai thác cát thì đơn giản hơn nhiều nhưng nếu làm như vậy thì đảng và nhà nước lại không có nguồn thu, cán bộ cộng sản lại “tâm tư”.


 

Tin bài liên quan:

VNTB – Bí thư Tp.HCM muốn vượt gió ngược nhưng bất lực

Do Van Tien

VNTB – Cần Thơ sẽ có con đường đắt nhất thế giới: 1000 tỷ/km

Bùi Ngọc Dân

VNTB – Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương có ở đất Nam bộ?

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.