Việt Nam Thời Báo

VNTB – Chấm phá đời tôi (27)

 

Ngụy Hữu Tâm

 

Kỷ niệm của tôi ở tư cách là Moritzburger và những vấn đề liên quan. 

Tôi bắt đầu viết bài này vào ngày 14 tháng tư. 

Ngày 17, bạn TH mời lên nhà bạn ở tầng 14 Tòa Packexim dự buổi anh (hơn tôi đúng chục tuổi, tức đã 90) Bùi Hữu Giao giới thiệu cuốn sách „Hành trang đời người“ nổi tiếng của anh, tái bản gần chục lần rồi, chiến sĩ Điện Biên, biết và nói đủ thứ chuyện trên đời, đã có bản dịch tiếng Anh. Anh gần như thuộc lòng cuốn sách, nói vo gần 2 tiếng, quá siêu. Giữa chừng còn có anh 2 bạn nguyên học sinh trường Quế Lâm, TTĐ và ChH đến dự, vui ra trò, người từng nằm trong cơ chế nên biết rất nhiều chuyện ‚nội bộ’ mà bởi lẽ ra người ngoài chẳng thể biết, còn nay tin tức loạn xạ đến mức chẳng biết đâu là fake news. Ngồi cạnh bạn Bnh, nói chuyện mới biết, hóa ra bạn cùng trường, học trên Đại Từ, Thái Nguyên sau tôi 2 khóa, tức sau ‚Tổng Chủ’ 3 lớp, cùng khoa Văn, chắc chắn phải biết kỹ ông ta, lại con một vị tướng nên nhiều người biết, nhưng tin sau nay tôi mới biết. Trái Đất tròn mà!           

Ngày 19, gặp bạn Nam ở Viện Goethe, bạn nhắc hôm nay có tọa đàm với nhà văn nữ Lucy Fricke, NGHỀ NGOẠI GIAO QUA LĂNG KÍNH VĂN CHƯƠNG

“Chúng tôi từng không biết sợ hãi là gì. Chúng tôi là công chức với những lời nói dối thân thiện. Chúng tôi từng là những người bước đi dưới trời mưa tầm tã và say sưa nói về việc nó tốt cho nông nghiệp như thế nào. Cái hay là chúng tôi biết rõ về nó và chủ yếu chỉ tin vào những điều mà chúng tôi không nói.” (trích Nhà ngoại giao) “Nhà ngoại giao”, cuốn tiểu thuyết mới nhất của Lucy Fricke, là cuốn sách bán chạy nhất ở Đức.

Trong cuốn sách, cô kể một cách vừa hài hước vừa thẳng thắn câu chuyện của một nhà ngoại giao tên Fred, người mất niềm tin vào công việc ngoại giao. Đó là một lãnh sự Đức, người trước đó chưa từng biết thất bại là gì, đã thất bại và được chuyển đến Istanbul nóng bỏng về chính trị. Giữa cung điện công lý và dinh thự mùa hè, giữa nhiệm vụ bí mật và sự hợp tác giữa CHLB Đức-Thổ Nhĩ Kỳ, giữa công việc và sự cô đơn, Fred đã chống lại những giới hạn của tình bạn, của pháp quyền và ý tưởng châu Âu. 

Điều đặc biệt trong các cuốn sách của Lucy chính là chúng được viết dựa trên những nghiên cứu và những kết nối mật thiết giữa Lucy với bối cảnh và con người ở đó. Thông tin được thu thập như thế nào? Các khía cạnh chịnh trị được nhìn nhận và thể hiện ra sao trong tác phẩm của một nhà văn sáng tạo và tài năng như Lucy Fricke? Và có gì độc đáo trong cách xây dựng nhân vật của Lucy?

Viện Goethe Hà Nội phối hợp với DAAD Việt Nam tổ chức buổi trò chuyện “Nghề ngoại giao qua lăng kính văn chương” nhằm giới thiệu tác giả Lucy Fricke và đồng thời tạo không gian cho cuộc gặp gỡ và thảo luận cởi mở về chủ đề liên quan, dưới sự điều phối của dịch giả giàu kinh nghiệm Lê Quang. Dẫn chương trình hóa ra là ông bạn cũ này, đơn giản mà hay.  

Ngày 20, bạn K bỗng gọi đi ăn trưa nhà hàng BBQ của bạn, quyết mới đủ một bàn mà chỉ có thêm ChA, toàn người giàu, nhất là VKN, NgT và LHV lớp tôi và tôi là người nghèo trong hội này, nghe một tin rất dữ về bố ông bạn TBT bị chính TBT LDz làm hại, rợn cả người. 

Chiều dự khai mạc triển lãm nghệ thuật nhiếp ảnh “Ngôi sao sáng và tối-Light and Dark Starscủa nhiếp ảnh gia Đức Adrian Sauer tại Đại học Mỹ thuật Phố Yết Kiêu Hà Nội. 

Tham dự khai mạc triển lãm có: ông Oliver Brandt, Viện trưởng Viện Goethe; ông Jorg Kinnen, tham tán Văn hóa, Báo chí và khoa học, Đại sứ quán CHLB Đức tại Việt Nam; PGS, TS Nguyễn Nghĩa Phương, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam; các cán bộ, giảng viên, sinh viên Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam; các cán bộ CHLB Đức và một số nước đang công tác, học tập ở Việt Nam. 

Trong khuôn khổ triển lãm, trưng bày 5 chùm ảnh với 72 tác phẩm trong không gian Bảo tàng Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam. Nghệ sĩ nhiếp ảnh Adrian Sauer đã mang những tác phẩm đặc sắc đến với công chúng yêu nghệ thuật ở Việt Nam một cái nhìn mới mẻ đầy sáng tạo, đa góc nhìn trong các kỹ thuật ảnh dường như trong suốt và vô hình. Adrian Sauer là Giáo sư về Nhiếp ảnh và Hệ thống hình ảnh Sáng tạo tại Đại học Bielefeld.

Tại buổi khai mạc, ông Oliver Brandt, Viện trưởng Viện Goethe phát biểu: “Adrian Sauer sinh ra ở Đông Berlin, vào năm 1976 và hiện đang sinh sống ở Leipzig. Anh học nhiếp ảnh tại Học viện Nghệ thuật Thị giác ở Leipzig. Anh là một nghệ sĩ nhiếp ảnh đã có những đóng góp rất quan trọng trong nền nghệ thuật nhiếp ảnh hiện đại. Các tác phẩm sáng tạo nghệ thuật của anh đã được trưng bày trong nhiều triển lãm nhóm, cá nhân tại các phòng trưng bày và tổ chức công cộng trên nhiều quốc gia.

Hôm nay, tại Việt Nam, đây là một dịp để những người yêu thích nghệ thuật biết về lịch sử nghệ thuật nhiếp ảnh, với sự liên quan giữa kỹ thuật số với nhiếp ảnh, liên quan giữa kinh tế với sáng tác. Đề tài trong sáng tác của Adrian Sauer nói rất nhiều về nguồn gốc, giữa cái cũ truyền thống và cái mới hiện đại. Đây là lần đầu tiên nghệ sĩ Adrian Sauer triển lãm ở Việt Nam, và cũng là sự kết nối giữa văn hóa hai đất nước, CHLB Đức và Việt Nam. Riêng cá nhân tôi triển lãm này không đặc sắc cho lắm, nhiếp ảnh số với tôi không đẹp. Có nhiều cách chơi sáng tói và chủ đề này đã có quá nhiều tác phẩm hay.  

Ngày 23, những cán bộ cũ VVL chúng tôi gặp nhau thường niên tại Quán Bánh Tôm Hồ Tây, chỉ được 10 người, thế là nhiều ở tuổi này, đã là quá tuyệt! Xin xem hình minh họa chụp ảnh 4 nữ, 6 nam đó đáng chú ý nhất là trong số 6 nam đó đã có đến 3 ở trong bức ảnh do TS Pierre Flamant chụp năm 1978 trước cửa Phòng 337 nhà A1 VKHVN mà tôi đã có dịp giới thiệu trên VNTB gần đây, ngoài tôi còn có NĐH và NXP, chắc chắn mọi người còn nhận ra, mới có… 45 năm trôi qua.

Tối ngày 24, Viện Goethe tổ chức buổi tọa đàm NHÀ Ở XANH-SỐNG LÀNH MẠNH: RÁC THẢI SINH HOẠT & TIẾT KIỆM NĂNG LƯỢNG

Vấn đề rác thải sinh hoạt & tiết kiệm năng lượng là một trong những chủ đề cấp bách nhất ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày của người dân đô thị Việt Nam.

Theo thống kê, trung bình mỗi ngày Hà Nội thải ra một lượng rác thải sinh hoạt rất lớn (6.500 – 7.000 tấn).

Phần lớn rác thải ở các đô thị Việt Nam được xử lý bằng phương pháp chôn lấp (chiếm 71%), không hợp vệ sinh và một lượng lớn rác thải nhựa trôi nổi trên sông, hồ, vùng đất ngập nước cửa sông, ven biển.

Ngoài ra, Việt Nam là quốc gia có tốc độ phát triển nhanh, điều này được thể hiện qua nhu cầu tiêu thụ điện năng tăng từ 8-10% mỗi năm. Đối với tiêu dùng của các hộ gia đình, điều kiện thời tiết cũng như thiết kế nhà ở đô thị (thiếu ánh sáng, không khí,…) có thể được coi là những yếu tố khách quan làm tăng mức tiêu thụ năng lượng của các hộ gia đình. Hơn nữa, mức sống ngày càng tăng ở các khu vực đô thị đi cùng với khối lượng chất thải ngày càng tăng, nhu cầu ngày càng cao về tiện nghi nhiệt và lối sống sử dụng nhiều tài nguyên hơn… Hậu quả là dấu chân sinh thái của các thành phố nói chung đang gia tăng. Do đó, đâu là kế hoạch hành động thiết thực cho việc tiêu thụ năng lượng vì các mục tiêu khí hậu?

Vì vậy, đây là thời điểm thích hợp để trao đổi cởi mở về những chủ đề rất thú vị này cũng như thảo luận về cách hành động thiết thực và cụ thể hơn. Viện Goethe, với chủ đề trọng tâm là Phát triển đô thị, sẽ phối hợp với đối tác đến từ Đại học Hamburg, Đức để mang đến một số kiến ​​thức chuyên môn đa ngành từ một dự án nghiên cứu do chính phủ Đức tài trợ. Dự án đã phát triển ấn phẩm về chủ đề Nhà ở xanh – Sống lành mạnh với cách tiếp cận gần gũi với công chúng.

Nhắc lại kỷ niệm xưa, xin nói về hai người bạn khá thân của tôi, NNH và NMG, cùng tuổi tuy H sinh 43 và G sinh 44. H cùng học Phổ thông III Hà Nội những ngày đầu mới thành lập trường sau Giải phóng Thủ đô 10.10.1954, anh 5H, tôi 5G. Anh cũng con nguyên hiệu trưởng trường Đại học Y Hà Nội NTrC. Bẵng đi một thời gian tôi đi Đức, anh học trong nước nên 1964 khi tôi vào năm thứ nhất khoa Lý ĐHTHHN thì anh đã năm thứ ba, năm 1964-65 còn ở Hà Nội thì ít khi gặp nhau, nhưng 1965 lên sơ tán trên Đại Từ, Thái Nguyên, thì anh đã tốt nghiệp, là cán bộ giảng dạy trẻ rồi, nhưng không phải vì thế mà có ngăn cách, tôi quang phổ, anh chất rắn nhưng cùng là các ngành hẹp của vật lý học mà thôi.

Bẵng đi một thời gian khá dài, anh đi NCS ở Minsk, Liên Xô, rồi về làm ở Viện Hạt Nhân Đà Lạt nhưng thi thoảng anh ra Hà Nội nên chúng tôi vẫn gặp nhau. Rồi bỗng anh gặp khó với cơ quan, mà vì không biết rõ nên không nhắc lại, anh bảo tôi giúp anh ra Hà Nội. Vào lúc ấy anh H đang rất quí tôi nên chuyện đó dễ như trở bàn tay. Hôm đó tôi đang từ cửa giữa nhà A1 ra phía sau thì thấy anh đang thong thả đi theo chiều ngược lại, đây là thời cơ rất thuận lợi, tôi bèn cản bước anh mà nói, „em xin anh ít phút“, anh ngẩng nhìn tôi, biết là chuyện hệ trọng nên nghiêm mặt ngay, „chuyện gì vậy? tôi đang bận đây nhé!“, „em xin anh giúp cho anh H, bạn thân của em được chuyển công tác về cơ quan ta ạ!“, „tôi đâu biết anh H là anh nào?“.

Chuyện anh H với anh T, 2 nhà vật lý giỏi nhất Việt Nam và cũng là 2 người lãnh đạo hàng đầu khoa học nước ta thời ấy đáng tiếc lại chẳng ưa nhau và vì sao thì rất nhiều người biết, thật ra là các chuyện cỏn con, vớ vẩn, nhưng c’est la vie, đời là thế. Nhưng đây là cơ may cho tôi để tôi giúp H chứ người lãnh đạo cơ quan khác chắc chắn chẳng muốn dây dưa vào việc này làm gì, nhất là anh T về mặt chính trị đang nổi lên như cồn. Thế là tôi bèn nói ngay, không suy nghĩ gì, „H là cán bộ chỗ anh T ạ“. Thế là cứ như chữ T gây phản ứng tức thì nơi não bộ anh H, „cậu bảo anh H tối nay ghé nhà tôi nhé!“.

Hồi ấy chưa có smartphone nhưng may quá, nhà H chỉ cách nhà tôi hơn cây số, có con đường Trần Nhân Tông chia đôi 2 con phố song song, bạn đọc cứ mở googlemap ra là thấy ngay. Và chỉ tháng sau là H đã có quyết định nhận công tác ở VKHVN! Về bạn H, nay cũng là dịch giả với nhiều đầu sách mà về các cuốn sách phổ biến khoa học chắc chắn hơn tôi rất nhiều, chỉ có điều chưa được giải Phan Chu Trinh (mà nay giải này đáng tiếc giải thể rồi), nhưng cuộc đời đúng là nhiều lân đận, chắc chắn còn hơn tôi rất nhiều, chất liệu rất đáng để viết tiểu thuyết.

H lại còn có máu doanh nhân nữa cơ, vốn đã cùng Nguyễn Huy Thiệp mở nhà hàng Hoa Ban đầu cầu Long Biên phía Gia Lâm. Và bạn đọc tinh ý sẽ nhận ra H cũng là một nhân vật trong truyện „Tướng về hưu“ . Mà bố H cũng nguyên là cán bộ cao cấp trong QĐNDVN kia mà, tôi không hiểu có mang hàm tướng hay không? Chỉ có điều, H cũng không gặp may ở chuyện kinh doanh, nên rồi lại phải ‚vô Nam’, vào ở trong Bình Dương hàng chục năm, khi vào SG tôi hay gặp H ở chỗ bạn bè, cả ở chỗ NMG.                

Còn G là cháu Nguyễn Khuyến, chỉ có con đường đi khác tôi rất nhiều. G học đại học trước tôi ít năm, đi Nga, học cùng lứa với em gái và em rể tôi ở trường đại học Jdanov Leningrad lừng danh, nên cũng là bạn thân của 2 người này. G học rất giỏi, lại làm về vật lý lý thuyết, hạt cơ bản và năng lượng cao nên rất hot thời đó. Về nước G được về dạy ở trường ĐHTHTPHCM, đúng thời gian mở cửa nên với bản chất nhà khoa học tài năng, thẳng thắn nói những quan điểm chính trị của mình, nên đã có thời gặp khó với chính quyền. Nhưng rất may là G rất mạnh về mặt vật lý nên vẫn trụ vững và nay vẫn hoạt động chuyên môn một cách rất tích cực.

Ở bài này tôi nhắc tới 2 ông bạn thân, đều từng gặp rắc rối với chính quyền dù mỗi người mỗi cảnh, nhưng chung quy và chỉ muốn nói, nhà nước ta là nhà nước độc tài chứ không phải nhà nước pháp quyền nên mới thế, và việc chuyển đổi chắc chắn còn dài dài vì nó động tới quyền lợi giới cầm quyền, đó là lý do duy nhất.

Lại nói tiếp chuyện đời tôi, năm 1983 tôi hoàn thành chuyến thực tập một năm ở Paris, có một bài báo khoa học đăng trên tờ Optics Communication nổi tiếng nên nhân dịp đó ghé Đông Berlin báo cáo khoa học ở Viện ZOS cơ quan cũ để „khoe“. Có kỷ niệm còn đọng lại trong não tôi, một là có anh bạn cười khẩy mà bảo „Tâm ơi, mày ở tuổi sát nút rồi đấy nhé, đạt đỉnh điểm của đường cong (ngược) của cuộc đời rồi đấy nhé“. Ngẫm lại bây giờ, sao đúng thế.

Còn chuyện hay nữa là tôi đi xe hỏa từ Paris sang Berlin, chỉ mua vé đi chứ không mua vé đi về để tiết kiệm ngoại tệ, cứ nghĩ mình có tiền báo cáo khoa học bằng Mác Đông thì đủ để mua vé về. Ai ngờ khi mua vé, giở passport ra thì tuy tôi là người ‚thuộc phe ta’, lẽ ra được mua bằng Mác Đông, nhưng lại từ Paris, ‚phe địch’ đến nên phải mua bằng ngoại tệ, mà ở đây tôi không mang theo. Sao đây? Anh bạn thân người Đức của tôi, Dr. Mory, bảo: „chuyện nhỏ như con thỏ, sáng sớm mày ghé đường…ở Tây Berlin vẫy xe đi nhờ ‚per Anhalter’ là xong ngay. Đúng thế, đang  mùa Noel mà, có một anh đang làm việc ở Tây Berlin nhưng mẹ đang ở Köln, thành phố chỉ cách Straßburg 10km.

Đi suốt ngày, dọc đường anh còn ghé quán mời tôi ăn trưa dọc đường. Nhưng tối đến Köln anh bỏ lại tôi mới khó, trời tối mà tuy xe có dừng nhưng thấy người da màu nên ai cũng ngại. Mãi mới gặp 2 anh bạn trẻ đi xe Volvo sang trọng làm tôi nhớ đến mấy năm trước từng ngồi xe Tatra sang trọng chẳng kém với GS Nguyễn Khánh Toàn rong ruổi khắp Đông Đức, bảo từ Stockholm muốn về Paris chơi ít ngày, nên đã đưa tôi đúng 10h sáng đến trước Gare du Nord, Paris. Bọn Tây sao sướng thế, chắc trước phương Đông chúng ta hàng trăm năm?                                   

Xin được giới thiệu tiếp bài trước phỏng vấn nhà sinh lý học thần kinh 

BS Philip Sterzer:: „Chúng ta lầm“

GEO: Liệu có những mẹo để tránh nó chăng?

STERZER: Ở tất cả những hiệu ứng này chỉ có cách là biết rõ về chúng. Theo lẽ tự nhiên, các niềm tin của chúng ta thường phi lý nên vì thế chúng ta luôn lại phải tra hỏi cặn kẽ nguyên do.  

GEO: Đức tin vào những thuyết âm mưu hình thành trong não hệt như niềm tin. Nếu vậy thì điều ấy cũng là cái gì đó hoàn toàn bình thường chăng?

STERZER: Nói thật là chúng ta còn biết quá ít về vấn đề đó. Nhưng ở mối liên hệ thì sẽ giúp ích nhiều nếu nhìn xem, những niềm tin có tính điên loạn xuất hiện bằng cách nào ở những người mắc chứng tâm thần phân lập, thực ra là dạng cực đoan của tư duy phi lý. Ở đấy hoàn toàn có những điểm chung vào đức tin cho thuyết âm mưu. Trong khuôn khổ thuyết xử lý dự đoán chúng ta xuất phát từ điểm rằng, khi điên thì việc xử lý các kích thích giác quan bị thay đổi. Chúng có trọng lượng quá lớn và các dự báo quá nhỏ. Sự mất cân bằng trọng lượng này dẫn đến việc là các bệnh nhân không còn có thể diễn giải các dữ liệu giác quan được nữa. Não sẽ phát ra một tín hiệu sai. Bởi vì não luôn làm như thế mà bệnh nhân vẫn liên tục bắt gặp những thông tin mới, không được dự báo trước nên sẽ xuất hiện nhu cầu được giải thích. Bởi vậy họ đi tìm những giải thích mà chúng sẽ giúp họ lấy lại được sự kiểm soát. Điên xuất hiện như thế, nghĩa là một niềm tin mà theo cách nhìn của người khác, ít nhất nó cũng đã bị tách ra khỏi thực tế.   

GEO: Cái đó cũng tương tự như ở thuyết âm mưu?   

STERZER: Ở đấy người ta cũng thường đối mặt với những sự kiện mà họ không thể sắp xếp được. Chẳng hạn việc một chiếc máy bay lao thẳng vào Tòa Tháp Đôi. Hoặc việc một vi khuẩn nhiều khả năng gây chết người hoành hành. Cái ấy làm họ hoang mang, có nghĩa là họ phải tìm một lời giải thích và có lẽ tìm thấy nó ở ý tưởng rằng vụ tấn công vốn đã được dàn dựng hay vi khuẩn là một phát minh của lũ vận động cho ngành dược. Thêm vào đó, xu hướng muốn được xác nhận của chúng ta cũng tham gia vào cuộc chơi: chúng ta chỉ còn nhìn thấy những sự kiện mà chúng ta cũng mong đợi. Và tôi đã hoàn toàn nằm trong niềm tin vào thuyết âm mưu.            

GEO: Vậy là một cái gì đó hoàn toàn có tính người? 

STERZER: Dẫu sao thì cũng là một hệ quả của việc, não chúng ta hoạt động như thế nào ở tư cách là cái máy dự báo. Nó cố gắng dự báo về cái gì đang xảy ra ở ngoài. Khi các trải nghiệm của tôi ngược với những dự báo này thì tôi cần tới những giải thích mới. Và nếu càng có ít sự trùng nhau thì càng xuất hiện nhiều sự bất an. Chúng ta bù trừ cái ấy qua những dự báo quan trọng hơn, thường là phi lý.    

GEO: Ông không sợ rằng biện luận của ông bị cho làm dịu đi các thuyết âm mưu? 

STERZER: Người ta luôn phải ý thức được về nguy cơ đó. Nhưng nó xuất hiện từ kết luận sai lầm của tôi, kết-luận-sai-lầm-phải-tồn tại (còn gọi là định luật Hume như sau: tất cả các hệ thống luân lý học-triết học mà ta biết về những phát biểu mô tả về cái tồn tại hay không tồn tại sẽ chuyển thành những phát biểu về cái phải tồn tại hay không được tồn tại. Nhưng 2 loại phát biểu hoàn toàn khác nhau. Việc quy giản cái đầu sang cái sau đơn giản là hoàn toàn không thể hiểu nổi. N.D.) nổi tiếng từ xưa. Chỉ riêng sự kiện rằng nó (là, tồn tại) như thế, không có nghĩa rằng nó cũng phải (là, tồn tại) như thế.         

GEO: Cái ấy có nghĩa gì? 

STERZER: Chỉ bởi việc phát triển các thuyết âm mưu ở một thế giới đầy bất an có nhân tính, thì còn lâu chúng ta mới tán thành nó. Chúng ta có thể chủ động chống lại cái đó bằng cách chúng ta luôn hỏi lại cặn kẽ nguyên do và cởi mở trước mâu thuẫn.        

GEO: Nếu như những niềm tin phi lý là một phản ứng hoàn toàn tự nhiên của não bộ để giữ được sự kiểm soát ở những thời bất an: cái ấy có nghĩa rằng, ở một tương lai mang dấu ấn của biến đổi khí hậu sẽ còn có nhiều người hơn nữa lẩn trốn vào những thế giới tư duy phi lý chăn?       

STERZER: Có lẽ vậy rồi. Chúng ta hết sức khó chịu đựng sự bất an nên sẽ thường tìm thấy chỗ dựa ở những niềm tin tương đối đơn giản mà với chúng ta, chúng tỏ ra là có căn cứ. Đối với con người chúng ta, cái quan trọng hơn là, chính là có một giải thích hơn là thẩm tra chi tiết nó. Cái đó giảm bớt gánh nặng cho chúng ta.  

GEO: Từ một khảo cứu mới công bố gần đây đồng thời ta lại thấy rằng, vào những năm qua, số người Mỹ tin vào các thuyết âm mưu đã không gia tăng đáng kể. Dẫu cho qua chiến tranh, đại dịch corona 19 và khủng hoảng khí hậu, thế giới hiện lên phức tạp hơn bao giờ hết. Điều đó có mâu thuẫn với giả thuyết của ông hay không?        

STERZER: Muốn thế đầu tiên phải chứng minh rằng, bất an trên thế giới thật sự đã gia tưng đáng kể. Tôi không nhất thiết đồng ý với cái đó.    

GEO: Thế nhưng nhiều người vẫn nhận thức thời đại này là đầy thách thức. Ông có những lời khuyên để làm sao cho người ta có thể vượt qua khủng hoảng với cái đầu sáng suốt nhất có thể chăng?   

STERZER: Đầu tiên là chúng ta phải cố gắng khoan dung hơn trước bất an. Ở đại dịch corona 19 từ phía các chính trị gia thường hay nói: „Chúng ta cần những thông điệp rõ ràng“ hay „Không được phép xuất hiện những biện pháp vá víu“. Cái ấy là do giả thiết rằng, người dân chưa xử lý tốt bất an. Tôi thấy rằng đấy là một đánh giá coi thường. Đúng là khó chịu đựng bất an. Nhưng nếu chúng ta cứ tiếp tục kích thích suy nghĩ rằng chúng ta cần những sự thật đơn giản thì, trong tương lai chúng ta cũng chỉ luôn đi tìm những sự thật đơn giản. Có một số khảo cứu cho thấy, nếu trong khuôn khổ một liệu pháp tâm lý chúng ta hành động một cách có chủ đích để chịu đựng được bất an, thì chúng ta sẽ có thể chấp nhận nó nó ở tư cách là sự kiện trong cuộc sống của chúng ta và tránh những lo âu tương ứng dễ hơn              

GEO: Ông hãy cho một ý niệm, liệu ở liệu pháp tâm lý chúng ta có thể hoạt động như thế nào cho cái đó. 

STERZER: Chẳng hạn một phương pháp là, học cách chịu đựng bất an và không rơi vào những cách ứng xử mà chúng ta tạo ra bất an cứ tưởng là vậy. Nếu thành công ở việc chịu đựng bất an, thường sẽ nhận ra rằng tình trạng hoàn toàn không kết thúc về một thảm họa. Người ta gọi cái ấy là liệu pháp đối chứng.     

GEO: Ở cuốn sách „Fake Facts-sự thật giả“ của ông, nữ đồng nghiệp Pia Lamberty và nữ khoa học chính trị gia Katharina Nocun nêu lên những khảo cứu mà theo đó, trước hết có 2 nguyên nhân cho đức tin vào các thuyết âm mưu: những sự kiện gây tổn thương trong cuộc đời và cảm giác độc nhất với kiến thức của mình. Cái ấy nghe như có vẻ khác với những gì ông nói.       

STERZER: Tôi hoàn toàn không muốn tách biệt giữa các hình mẫu giải thích tâm lý học-xã hội học và khoa học thần kinh. Ở nhiều chỗ, người ta có thể dịch chuyển chúng sang lẫn nhau. Nếu chúng ta giả thíết rằng, đức tin vào thuyết âm mưu thường hình thành ở tư cách là hệ quả của một sự kiện nặng nề trong cuộc đời thì cái ấy rất hợp với ý tưởng rằng, bởi vì đã xuất hiện một sự hoang mang mà tôi chẳng còn có thể bắt gặp bằng một niềm tin có tính lập lại trật tự nữa. Đấy là những bình diện mô tả khác nhau cho các cơ chế mà cuối cùng, chúng cũng vẫn có cùng hiệu ứng đó.         

GEO: Ông dẫn đức tin Chúa vào làm ví dụ cho một niềm tin phi lý đã lan rộng. Kinh thánh đầy những chuyện rắc rối: một người đàn ông phân chia biển cả bằng một cái phất tay, một người đàn bà bị đông cứng thành một cột muối. Liệu sự khắc sâu tôn giáo có phải là nguyên nhân cho việc là có những người cũng vẫn coi những thuyết âm mưu     rắc rối là có căn cứ chăng?

STERZER: Ở đây tôi phải nói ngược lại. Chắc chắn có những điểm chung giữa giữa xu hướng về niềm tin phi lý trong đức tin vào Chúa và ở đức tin vào thuyết âm mưu, nhưng việc cái này tạo thuận lợi cho cái thì tôi sẽ không tán thành. Cho đến nay còn chưa có khảo cứu nào cho thấy rằng, các thuyết âm mưu là rõ nét hơn ở những xã hội tôn giáo.       

GEO: Ông khẳng định rằng, không tùy thuộc quá nhiều vào nội dung của một ý kiến mà vào việc, ai nói cái đó cho chúng ta. Tại sao lại như vậy?    

STERZER: Cái được gọi là Hiệu ứng-Backfire (hiệu ứng mồi lửa ngược, là hiện tượng tâm lý học xã hội mà các sự kiện mới mà khi chúng mâu thuẫn với các quan điểm – đặc biệt là các quan điểm chính trị – của chính cá nhân đó, có thể củng cố chúng hơn nữa. Các nghiên cứu cho thấy hiệu ứng này chỉ hiếm và ở những khung cảnh đặc biệt, hay hoàn toàn không xuất hiện, N.D.), nghĩa là bắn ngược trở lại, khi có ai đó cố gắng khuyên can tôi từ bỏ niềm tin của tôi, đặc biệt rõ nét khi chúng ta có một nền tảng xã hội khác nhau. Khi ông xuất hiện ở tư cách là đó muốn dạy dỗ tôi do nhóm nghề nghiệp của ông, có lẽ ở tư cách là nhà khoa học, nhà báo hay chính trị gia, mà tôi là người dung dị hay người hàng xóm, thì tôi sẽ cẩn thận khi tiếp thu ý kiến ông. Những người mà chúng ta đã quen, sẽ có thuận lợi hơn.       

GEO: Hãy giả dụ, bà hàng xóm ông bị sa vào đức tin thuyết âm mưu, bà ta tin rằng, tiêm chủng corona là một vũ khí sinh học để hủy diệt loài người. Ông xử lý cái ấy thế nào đây?   

STERZER: Sẽ chẳng giúp ích gì khi dùng số liệu để biện luận và đáp lại, ý kiến của bà ta hoàn toàn là chuyện nhảm nhí. Cũng chẳng giúp ích gì khi cho trả lời khuyên và dặn dò. Cái giúp được là tỏ ra quan tâm và bắt đầu nói chuyện trên cơ sở bình đẳng. Mở ra không gian cho bà ta, câu hỏi cặn kẽ ý nghĩ của bà ta. Mục tiêu là để hiểu bà ta đi đến các lý lẽ của mình như thế nào. Trong trường hợp lý tưởng sẽ xuất hiện một cuộc tọa đàm đầy tính xây dựng, ở đó bà hàng xóm của tôi sẽ nhận ra những mâu thuẫn của mình.       

GEO: Thế nhưng khi bà ta có niềm tin vững vàng thì cái ấy cũng hoàn toàn chẳng giúp ích gì. 

STERZER: Cơ may chắc chắn là nhỏ, nhưng bây giờ tôi đã thấy là chúng ta phải nắm bắt nó. Có khi chính bản thân tôi lại học được điều gì đấy ở đó mà tôi còn chưa biết. Hay chúng tôi tìm ra được một cơ sở chung, hay như cuối cùng chúng tôi chỉ cần thống nhất rằng chúng tôi mâu thuẫn nhau. Lẽ ra chúng tôi cũng hoàn toàn chẳng có lựa chọn nào khác. Nếu như tôi không nói chuyện với bà hàng xóm thì cũng hoàn toàn chẳng có gì thay đổi. Chúng tôi phải tiếp tục giữ mối liên hệ và không được phép mắng nhau là „đứa ngu chẳng biết gì về covid“ hay thậm chí là „đồ con lừa“.  

Dịch từ GEO ra tháng 11. 2022 


 

Tin bài liên quan:

VNTB – Vài nét chấm phá từ cuộc đời tôi (bis 6)  

Phan Thanh Hung

VNTB – Chấm phá đời tôi (24)

Do Van Tien

VNTB – Vài nét chấm phá từ cuộc đời tôi (bis 16) 

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo