Việt Nam Thời Báo

VNTB – Có ai chịu trách nhiệm không?

Huỳnh Liên

 

(VNTB) – Bộ Tư pháp nói Bộ Giáo dục ban hành thông tư không sai, vậy ở đây có ai sai trong khi các thí sinh buộc phải dừng thi IELTS đột ngột?

 

Ông Hồ Quang Huy, Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Tư pháp, cho biết Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo ban hành thông tư 11 về liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài hôm 26-7-2022 là đúng quy định pháp luật.

Tuy nhiên, theo ông Hồ Quang Huy, “nếu Bộ Giáo dục làm tốt công tác truyền thông, định hướng chính sách từ khi nghiên cứu, xây dựng dự thảo thông tư và trong quá trình thông tư chưa có hiệu lực, sẽ không gây bức xúc cho các cá nhân, tổ chức chịu tác động.

Mặt khác, nếu nội dung thông tư có điều khoản chuyển tiếp quy định thời hạn nhất định để các tổ chức, cá nhân liên kết tổ chức thi phải hoàn tất hồ sơ theo đúng hướng dẫn sẽ hợp lý hơn. Khi đó các tổ chức cũng sẽ chủ động hơn để nghiên cứu và có phương án thực hiện”.

Còn về công văn số 5871/BGDĐT-QLCL ngày 8-11-2022 của Bộ Giáo dục và Đào tạo gửi các sở giáo dục và đào tạo về việc tăng cường quản lý liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ nước ngoài, thì theo ông Hồ Quang Huy, văn bản này “không chứa quy phạm pháp luật”, mà nội dung nhằm đôn đốc, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ và chức năng quản lý nhà nước của bộ.

Nghĩa là chung quanh chuyện ban hành văn bản dẫn đến chuyện thí sinh phải dừng đột ngột các chương trình chứng chỉ ngoại ngữ nước ngoài, hoàn toàn không có lỗi từ Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Phía tổ chức thi, theo như nhận định của ông Hồ Quang Huy, thì họ cũng không sai luôn, vì, “các tổ chức, cá nhân thực hiện hoạt động liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài không nộp hồ sơ đề nghị bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài do chưa có hướng dẫn cụ thể” – ông Huy giải thích.

“Chúng tôi hy vọng trong thời gian ngắn tới đây, với những nỗ lực từ phía Bộ Giáo dục và Đào tạo trong việc ưu tiên thẩm định, phê duyệt cho các tổ chức, cá nhân đủ điều kiện tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ, cũng như sự khẩn trương hoàn thiện hồ sơ của các tổ chức, cá nhân liên kết tổ chức thi sẽ giúp giải quyết dứt điểm điểm nghẽn hiện nay.

Từ đó, kịp thời đáp ứng yêu cầu chính đáng của hàng nghìn thí sinh Việt Nam đang bị ảnh hưởng theo phản ánh của báo chí thời gian qua”, ông Huy xoa dịu dư luận.

Việc hoãn thi IELTS được quan tâm do thời điểm này trùng với đợt nộp hồ sơ du học Mỹ và châu Âu. Ngoài ra, vài năm gần đây, nhiều đại học Việt Nam có xu hướng tuyển sinh bằng điểm IELTS kết hợp với học bạ hoặc điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông. Chứng chỉ này cũng được sử dụng rộng rãi để công nhận chuẩn đầu ra ngoại ngữ với sinh viên, cộng điểm ưu tiên hay tuyển thẳng vào lớp 10 ở một số tỉnh, thành. Lệ phí thi IELTS hiện nay là hơn 4,6 triệu đồng một lượt.

Trả lời VTV24 hôm 10-11, bà Donna McGowan – Giám đốc Hội đồng Anh tại Việt Nam, cho biết ước tính có hàng ngàn thí sinh Việt Nam bị ảnh hưởng.

Hội đồng Anh Việt Nam cũng khẳng định đã hoàn thiện hồ sơ như hướng dẫn và nộp lên Bộ Giáo dục và Đào tạo từ cuối tháng 8-2022. Đến nửa cuối tháng 9, Hội đồng Anh nhận được phản hồi từ Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu bổ sung một số nội dung về tổ chức thi. Dự kiến vào thứ 2 này (14-11), Hội đồng Anh sẽ gửi lại Bộ Giáo dục và Đào tạo hồ sơ đã bổ sung theo yêu cầu.

“Chúng tôi đang làm việc rất sát sao với Bộ Giáo dục và Đào tạo theo hướng dẫn mới và hy vọng sẽ sớm được tiếp tục tổ chức kỳ thi IELTS ở Việt Nam” – đại diện Hội đồng Anh Việt Nam cho biết. Vị này cũng mong muốn nhận được sự hỗ trợ cần thiết từ phía Bộ Giáo dục và Đào tạo để tiếp tục duy trì những giá trị và chuẩn mực của kỳ thi IELTS tại Việt Nam.

Hiện, theo thông báo từ ban tổ chức NAT-TEST (tiếng Nhật) tại Hà Nội, kỳ thi này đã phải hoãn những đợt thi vào tháng 10, tháng 12 và dự kiến phải đến tận tháng 2-2023 mới mở lại.

“Nhiều bạn trẻ, chẳng hạn tại tỉnh Đồng Nai, không chọn học đại học mà học thi chứng chỉ HSK (tiếng Trung) để vào làm công ty. Không thể thi để lấy chứng chỉ cũng đồng nghĩa các bạn không kiếm được việc ở những công ty này” – ThS Nguyễn Thị Hoàng Oanh – trưởng ngành Trung Quốc học, trường đại học Lạc Hồng (Đồng Nai), cho biết.

Vậy là rốt cuộc chỉ có thí sinh cùng gia đình họ lại gánh chịu mọi thiệt hại được tính toán cụ thể bằng tiền bạc, và cả cơ hội tương lai.


 

Tin bài liên quan:

VNTB – Lỗi của Hội đồng Anh tại Việt Nam?

Baraju T. Ogelefecejo

VNTB – Hồ sơ: Vụ nghi lừa đảo 36 container hạt điều xuất khẩu sang Italy

Phan Thanh Hung

VNTB – Bạo lực học đường là trách nhiệm của giáo dục hay công an?

Trương Thế Tử

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo