VNTB – “Cơ chế thí điểm” có nghĩa là gì?

VNTB – “Cơ chế thí điểm” có nghĩa là gì?

Hoài Nguyễn

 

(VNTB) – Trước thềm hội nghị Thủ tướng làm việc với UBND TP.HCM vào chiều 27-11-2022, UBND TP.HCM đã có báo cáo gửi Thủ tướng và nêu các kiến nghị, trong đó có các kiến nghị liên quan đến “cơ chế thí điểm” lĩnh vực quy hoạch và đất đai.

 

Tại phiên thảo luận tổ ngày 22-10-2021 của Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ có giải thích rằng, “thể chế chính sách của nước ta là thống nhất nhưng trong quá trình phát triển cần thực hiện thí điểm một số cơ chế chính sách mới, nếu kết quả thí điểm cho thấy hiệu quả, phù hợp thì có thể nhân rộng trong toàn quốc, nâng chính sách, pháp luật lên một chuẩn mới và sẽ tiếp tục thí điểm để lên chuẩn mới cao hơn nữa”.

Với giải thích trên cho thấy “cơ chế thí điểm” là một sự thăm dò trong quản trị, và do không hẳn chịu sự điều chỉnh của hệ thống pháp luật chung, nên lằn ranh “đúng – sai” của cái gọi là “cơ chế thí điểm” xem chừng đầy mạo hiểm; đặc biệt là đặt trong bối cảnh Việt Nam thiếu sự cạnh tranh đảng phái chính trị, cũng như những phản biện đa chiều về chính sách thường bị chụp mũ đe dọa là “chống Đảng và Nhà nước”.

“Cơ chế thí điểm” mà UBND TP.HCM đề nghị với Thủ tướng Phạm Minh Chính là một đơn cử cho chuyện ‘đi bên lề pháp luật’ về đất đai. Theo đó, cho phép TP.HCM thí điểm gia hạn sử dụng đất đối với các trường hợp sau:

  1. Trường hợp chủ đầu tư đã “nhận chuyển nhượng, thuê quyền sử dụng dài, nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật để thực hiện dự án, công trình sản xuất, kinh doanh” theo điều 73 Luật đất đai 2013, nhưng chưa hoàn tất thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất, song các thửa đất nhận chuyển nhượng đã hết thời hạn sử dụng.
  2. Trường hợp “thay đổi quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất theo kết quả hòa giải thành về tranh chấp đất đai được UBND cấp có thẩm quyền công nhận; thỏa thuận trong hợp đồng thế chấp để xử lý nợ, quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về giải quyết tranh chấp đất đai, khiếu nại, tố cáo về đất đai, quyết định hoặc bản án của tòa án nhân dân, quyết định thi hành án của cơ quan thi hành án đã được thi hành; văn bản công nhận kết quả đấu giá quyền sử dụng đất phù hợp với pháp luật” theo Luật đất đai, nhưng sau khi có kết quả xử lý đã hết thời hạn sử dụng đất.

Ngoài ra, UBND TP.HCM cũng kiến nghị cho phép TP.HCM thí điểm bổ sung hình thức “sử dụng đất khác không phải là đất ở đáp ứng điều kiện cho phép chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại” vào các quy định tại Luật nhà ở 2014, Luật đầu tư 2020 và Luật số 03/2022/QH15.

Liên quan vấn đề quản lý đất đai, UBND TP.HCM còn kiến nghị cho phép TP.HCM có cơ chế chủ động đặt hàng cung ứng dịch vụ xử lý rác với các nhà đầu tư hiện hữu để xử lý khối lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trên địa bàn thành phố. Cơ chế đó là đặt hàng cung ứng dịch vụ xử lý rác đối với khối lượng vượt công suất so với hợp đồng đã ký khi các nhà máy xử lý hiện nay có nhu cầu chuyển đổi công nghệ và nâng công suất cao hơn so với hiện hữu.

Đối với các dự án xử lý rác mới, TP.HCM kiến nghị cho phép được áp dụng cơ chế thí điểm đấu thầu cung cấp dịch vụ sự nghiệp công xử lý chất thải rắn sinh hoạt.

Ngoài ra TP.HCM giao đất, cho thuê đất trong các khu liên hợp xử lý chất thải đã được quy hoạch (mà không cần phải thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất) và đưa ra các yêu cầu về công suất, tiêu chí về công nghệ tiêu chuẩn môi trường, đơn giá và các yêu cầu khác có liên quan nhằm lựa chọn nhà đầu tư có năng lực thực hiện dự án.


 

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)