Hàn Lam
(VNTB) – Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vừa bơm thêm gần 5.000 tỷ đồng qua thị trường mở với kỳ hạn 14 ngày mà không hút về đồng nào.
Tính trong 3 ngày đầu tháng 11, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã bơm 37.522 tỷ đồng, trong khi lượng tiền hút về chỉ 10.000 tỷ đồng (kỳ hạn 7 ngày). Lượng tiền bơm ròng lên 27.522 tỷ đồng.
Với việc bơm tiền đó của Ngân hàng Nhà nước đã đẩy lãi suất giao dịch giữa các ngân hàng trên thị trường liên ngân hàng nhảy vọt lên mức cao. Đối với kỳ hạn qua đêm, lãi suất lên 6,96%/năm, 1 tuần 7,28%/năm, 2 tuần lên 7,6%/năm, 1 tháng lên 7,9%/năm. Từ 2 tháng trở lên, lãi suất vượt mức 8%/năm như kỳ hạn 2 tháng lên 8,06%/năm, 3 tháng 8,16%/năm, 6 tháng lên 8,22%/năm, 9 tháng lên 8,43%/năm, 1 năm lên 8,5%/năm.
Những con số nhảy múa ở trên nói lên điều gì?
Ông Nguyễn Thế Minh – Giám đốc Phân tích Khối Khách hàng cá nhân của Chứng Khoán Yuanta Việt Nam, nhận định với việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vừa quyết định tăng lãi suất 0,75 điểm %, đưa lãi suất quỹ liên bang lên 3,75 – 4%, mức cao nhất kể từ tháng 1-2008, sẽ dẫn tới hành động của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam là sẽ buộc phải nâng lãi suất theo, bởi tỷ giá sẽ tăng nếu không tăng lãi suất trong bối cảnh dự trữ ngoại hối giảm.
“Nếu không bán USD, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam buộc phải tăng lãi suất để kiềm chế áp lực tỷ giá. Fed tăng lãi suất, Việt Nam vẫn phải theo xu hướng chung là thắt chặt tiền tệ, nếu không tiền đồng sẽ bị mất giá rất lớn. Lãi suất vẫn sẽ tăng”, ông Nguyễn Thế Minh nói.
“Theo ước tính của chúng tôi, dự trữ ngoại hối hiện đã giảm xuống còn khoảng 3 tháng nhập khẩu, tức khoảng 89 tỷ USD so với mức 3,9 tháng vào cuối năm 2021. Do đó, chúng tôi cho rằng Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có ít dư địa để hỗ trợ tỷ giá hối đoái hơn so với trước đây trong trường hợp đồng USD tiếp tục mạnh lên trong những tháng cuối năm 2022” – trích báo cáo dành cho nhà đầu tư chứng khoán của Công ty cổ phần Chứng khoán VNDIRECT.
Như vậy với việc tăng cung tiền của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho thấy khả năng đẩy lạm phát tăng theo, và người dân sẽ khốn khó về đời sống hơn nữa trong thời gian tới.
Ở đây nếu nhìn từ diễn biến thị trường như xăng dầu, phân bón, dược phẩm – vật tư y tế… cho thấy để có thể “lấy lại sự thăng bằng” như trước đó, xem ra chính phủ Việt Nam phải tăng chi tiêu, và điều đó sẽ làm/ dẫn đến tăng cung tiền trong nước. Bởi khi ấy Ngân hàng Nhà nước phải “đồng hành” cùng chính phủ, cũng tăng cung tiền để đáp ứng mức độ tăng chi tiêu của chính phủ.
Lý do của việc “đồng hành” này có thể được giải thích là chính phủ đang bị thâm hụt ngân sách nặng, khó hoặc không thể vay mượn được trên thị trường trong nước và quốc tế; hoặc nếu vay mượn được thì với chi phí đắt đỏ. Hoặc cũng có thể là khi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đơn giản chỉ là muốn nới lỏng chính sách tiền tệ để cùng với chính phủ kích thích tăng trưởng kinh tế…
Trước mắt, với việc Ngân hàng Nhà nước đã 2 lần điều chỉnh tăng lãi suất điều hành và nới biên độ giao ngay tỷ giá USD/ VND.
Động thái này được giải thích là nhằm đảm bảo ổn định thị trường tiền tệ, nhưng cũng tạo ra sức ép nặng nề lên hoạt động và chi phí của doanh nghiệp. Bởi USD vẫn là đồng tiền thanh toán chính cho phần lớn các hợp đồng xuất nhập khẩu của Việt Nam hiện nay, nên diễn biến giá USD tăng hay giảm mạnh đều gây ra biến động và nhiều lo ngại cho các doanh nghiệp có hoạt động liên quan xuất nhập khẩu.
Trong báo cáo kết quả kinh doanh mới đây, Công ty cổ phần Tập đoàn Hoa Sen (HSG) cho hay, tỷ giá VND/ USD tăng làm tăng chi phí nhập khẩu nguyên liệu như thép cán nóng, kẽm thỏi, hợp kim nhôm kẽm… của các doanh nghiệp tôn mạ và tăng chi phí chênh lệch tỷ giá với các khoản vay bằng USD. Vì thế, đây là một trong những nguyên nhân khiến lợi nhuận sau thuế hợp nhất của HSG chỉ đạt 251 tỷ đồng, hoàn thành 17% kế hoạch đề ra từ đầu năm.
Tương tự, Công ty cổ phần Tập đoàn Hòa Phát đã ghi nhận mức lỗ kỷ lục 1.786 tỷ đồng trong quý 3-2022. Một trong những nguyên nhân là do chính sách tiền tệ thắt chặt để mong kiềm chế lạm phát làm lãi suất tăng mạnh, tỷ giá USD leo cao, làm tăng chi phí tài chính…
1 comment
Nhà nghèo đi chợ tiết kiệm lắm cũng hết trăm mấy chẳng có món ngon.già yếu kiếm ngày mấy chục đau lưng, rêm người,với tình hình giá cả nhảy múa hiện nay không biết sống qua khỏi con trăng nầy không?hỏi ai,tại sao ra nông nỗi nầy.