Anh Quân
(VNTB) – Có thể mẹ không quá khốn khó như chị Dậu nhưng đã để con bị bán.
Âm 2oC(1), không máy sưởi, không nước nóng, không giường nệm, chân đi dép lê, đó là điều kiện sống mà hơn 400 công nhân Việt Nam tại công trường nhà máy lốp xe của công ty Ling Long Duo, Trung Quốc đang phải trải qua ở thành phố Zrenjanin, nước Serbia ở Âu Châu.
Các quan chức của Đảng Cộng Sản Việt Nam, khi cần, gọi người Việt là những người con thân yêu của tổ quốc(2). Hãy xem Đảng đã làm gì khi thấy những người con của mình lâm vào hoàn cảnh như thế này.
Nếu bạn ở Việt Nam và nghe con của bạn ở Serbia nói rằng cháu đang ở trong căn phòng không có máy sưởi và ban đêm nhiệt độ xuống âm 2oC, bạn sẽ làm gì? Nếu bạn có máy bay, bạn sẽ sang Serbia để đón con bạn về, phải không? Nếu bạn chưa sắp xếp được máy bay nhưng có tiền, bạn sẽ nhờ người giúp cháu được sưởi ấm, phải không? Bạn nghĩ Đảng và Nhà nước có máy bay, có tiền không?
Nhà nước đã làm gì? Theo Vietnamnet:
“Người phát ngôn cho hay, Đại sứ quán liên hệ với các công nhân tại Serbia, các công ty phái cử lao động và các cơ quan liên quan sở tại. Thông tin bước đầu của Đại sứ quán cho biết là không có chuyện hành hung hay là đánh đập.
Bộ Ngoại giao đã chỉ đạo Đại sứ quán tiếp tục nắm thông tin, tình hình, liên hệ với các cơ quan chức năng sở tại để có thể xác minh và có các biện pháp bảo vệ quyền và lợi ích của công dân, lao động Việt Nam, bảo đảm an toàn cho người lao động Việt Nam tại Serbia.”(3)
Khi đọc những dòng này, tôi không có cảm giác nghe một người mẹ nói về thảm cảnh của những đứa con của mình.
Những người công nhân này không phải là con tôi, tôi vẫn có đủ quan tâm để liên lạc với họ và hỏi thăm hoàn cảnh của họ. Tôi cũng có thể xác minh hoàn cảnh của họ trong vài phút qua một cuộc gọi video. Trong cuộc gọi, tôi đã yêu cầu họ cho tôi thấy chỗ họ ngủ, chỗ họ tắm, chỗ họ vệ sinh. Khó không các bạn?
Nếu cần phải có mặt, sứ quán Việt Nam ở Rumani, chỉ cách Zrenjanin chỉ có 9 tiếng lái xe. Có xa không các bạn? Nếu cần, có thể đến tận nơi để xác minh, để nói chuyện với công nhân, với chủ thuê lao động, và với nhà chức trách sở tại. Phải không các bạn?
Theo người công nhân nói chuyện với tôi, một số người tự xưng là nhân viên sứ quán Việt Nam tại Rumani có tới hiện trường cách đây mấy ngày, nói chuyện với họ một lúc rồi về. Họ đã nghe được điều gì từ những người công nhân? Họ đã thấy gì? Họ đã nói chuyện với chủ thuê lao động chưa? Họ đã nói chuyện với các giới chức địa phương chưa? Đã có hành động cụ thể gì chưa? Bộ ngoại giao, báo chí Việt Nam có nên thông báo về kết quả của chuyến đi và những bước kế tiếp không?
Những người công nhân này cho biết chưa có gì thay đổi sau khi những người kể trên đến thăm. Cũng theo những người công nhân này, trước đó, họ đã được chuyển qua chỗ ở mới – ở chỗ ở cũ, họ phải ở trong công-ten-nơ, mỗi công từ 12 đến 20 người – sau khi họ đình công và được báo chí Serbia can thiệp.
Đối với những người công nhân này, có những việc rất gấp. Họ cho biết họ không có hợp đồng lao động với chủ thầu. Do đó, nếu có tai nạn xảy ra, họ phải tự lo. Nếu bị bệnh, cũng phải tự lo. Nếu nghỉ làm sẽ bị trừ lương. Một người công nhân cho biết anh bị dính COVID và phải tự cách ly trong nhà (công-ten-nơ), tự uống thuốc mang từ Việt Nam qua. Khi anh không đi làm, anh không những không có lương mà còn bị trừ tiền ăn.
Nếu tôi là nhà cầm quyền Việt Nam, tôi sẽ yêu cầu chủ thầu cho xem hợp đồng lao động. Nếu không có, tôi sẽ yêu cầu chính quyền Serbia xử lý. Nếu chính quyền Serbia không xử lý, tôi sẽ gây sức ép quốc tế. Và tôi chưa thấy Hà Nội làm điều này.
Nếu sức tôi quá yếu, chỉ có thể chống Trung Quốc bằng cách trao cờ tổ quốc cho ngư dân và không thể buộc công ty Ling Long hay nhà chức trách Serbia hành động, tôi có thể liên lạc với các công ty xuất khẩu lao động đã gửi họ đi và yêu cầu trả các chi phí bảo đảm điều kiện sinh hoạt và làm việc cho những người công nhân này. Xác định những công ty này tại Việt Nam có khó không các bạn? Họ có làm việc này không? Nếu không thì tại sao? Có những tin đồn rằng Nhà Nước, ít nhất là các quan chức, có ăn chia trong việc xuất khẩu lao động(4).
Theo tôi, gia đình của những người công nhân này cũng như công chúng cần được biết tình trạng hiện tại của họ và những việc mà nhà cầm quyền Việt Nam sẽ thực hiện trong giai đoạn sắp tới để cứu giúp họ. Họ không cần những lời lẽ vô hồn, khô khốc, và có khả năng không dẫn đến điều gì tốt đẹp hơn cho những người công nhân khốn khổ này như đã trích dẫn ở trên.
Mẹ Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng là thế đấy. Có thể mẹ không quá khốn khó như chị Dậu nhưng đã để con bị bán.
___________________
Tài liệu tham khảo:
https://www.wunderground.com/forecast/rs/zrenjanin
https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/laborers-bear-brunt-of-dolap-wrongdoing-12242020170803.html
1 comment
Rất hoan nghênh tác giả này vẫn nghĩ Đảng & chính phủ là cha mẹ của dân .