Việt Nam Thời Báo

VNTB – Đến với Đảo Trường Sa (Bài 5) – 3 giờ nơi “đầu sóng ngọn gió” 

 

Vũ Kim Hạnh 

 

Muốn trải qua 3 giờ ở nơi cao, cheo leo nguy hiểm đó thì phải leo lên. Trèo cao mà tuyệt nhiên không được té nặng. Qua mấy chặng mới tới. Nhìn từ xa, NHÀ GIÀN, đó là một khối nhà vuông treo chênh vênh giữa trời, dễ thấy nhất nhờ cao, và còn nhờ màu sơn, màu cam chói rực dưới nắng.

Nhìn hai khối nhà trên giàn thép rất cao được xây trên bãi ngầm sâu hơn 25 mét dưới mực nước biển, vươn lên trên mặt biển lung linh, tôi nghe chúng trò chuyện vui vẻ. Này, tuy tôi “cao vậy đó nhưng ai cũng phải ngước nhìn” nhé. Sao đã cao trội mà còn…chói lóa vậy, không “khiêm tốn” chút nào? Khiêm tốn là không được đâu. Vì chức năng của tôi là…cao, là phải dễ thấy nữa, bởi tôi là điểm nổi bật có nhiệm vụ hướng dẫn hoạt động hàng hải, giúp tàu thuyền định hướng và xác định vị trí của chính họ. Tôi là…NHÀ GIÀN DK1-14 với tấm bảng tên có chữ rất to: “Trạm dịch vụ kinh tế và khoa học kỹ thuật”, thuộc biển Bà Rịa-Vũng Tàu.

Trên nhà giàn có hệ thống quang năng điện mặt trời, các thiết bị trữ và phát điện, thiết bị theo dõi quan sát tàu thuyền qua lại; còn có trạm quan trắc khí tượng thủy văn, thu thập dữ liệu thời tiết để đưa ra dự báo thời tiết cho vùng DK1 và Nam biển Đông. Lính nhà giàn, ngoài bộ đội thiện chiến còn có những kỹ sư điện, cơ khí, năng lượng, bảo trì thiết bị, cứu hộ, cứu nạn…

Tàu thuyền Việt Nam nhìn thấy nhà giàn là an lòng, có nơi cứu hộ, cứu nạn và cung cấp các dịch vụ cần thiết khác.

Còn khách thăm? Chỉ đến thăm, là phải leo lên, là hơi khó rồi. Trong sổ tay về nhà giàn, có cả một đoạn hướng dẫn cách “tiếp cận”: phải căn cứ dòng nước, luồng chảy, hướng gió, chọn thời điểm, vị trí.

Tàu kiểm ngư lớn KN-290 vẫn phải đậu ngoài xa và ca nô (xuồng) đưa vào từng chuyến 8 người lên nhà giàn, cho đến hết cả đoàn gần 300 người.

Và tôi có một trải nghiệm mới lạ về độ khó có phần thách thức khi sóng lên cao 2 mét quật vào xuồng. Lúc leo lên (đã khó) và leo xuống (lại còn khó hơn) trong sóng biển nước văng tứ tung ướt nhèm chen với những khẩu lệnh như hét, bước lên, chân phải, nhanh, tay nắm chặt, buông, và cái xốc nách thật gọn của anh bộ đội (tôi không kịp nhìn mặt luôn) trả tôi ngay xuống nền nhà giàn; và khi leo xuống, nào, không nhìn đâu khác, chân bước, xoay người, nắm chặt thang, buông, sau khi hai cánh tay anh bộ đội nào không biết ôm chặt lưng và “ném” tôi cái ầm xuống lòng ca nô đang chồm lên, lắc mạnh, kèm theo câu hét, cô có sao không, thì tôi cũng kịp tự soát nhanh, thấy ổn, hét lại, cô ổn, cám ơn.

Sau một phút bất ngờ của “phim hành động” leo lên nhà giàn, tôi đặt chân lên những nấc đầu tiên của cái cầu thang thép cao chót vót là liền thấy vui, hào hứng như bắt đầu một cuộc “thám hiểm”.

Chầm chậm đi, một mình, chụp ảnh, ghi chép, tôi tự do đi xem, không sót chỗ nào trên cả 2 nhà giàn. Nhà giàn cũ, xây dựng năm 1995, nay là nơi đặt các thiết bị viễn thông và cũng là vườn rau nhiều tầng. Qua một cây cầu rất dài là nhà giàn mới. to hơn, xây dựng tháng 6/2011, có cả một hệ thống BTS Viettel, sân bay cho máy bay trực thăng. Tôi leo đến đỉnh nhà giàn cũ. Hình như từng xăng ti mét vuông đều được tận dụng cấy lên và phủ kín màu xanh. Một “thảm thực vật” tươi ngon không thiếu gì hết,rau lang, lá lốt, tần ô, rau răm, cải xanh, húng quế, dền rí… Theo hướng dẫn của anh lính trẻ, tôi lần mò vào được cái chuồng nhỏ đang nuôi hai chú heo béo ú.

Tôi cũng đi xem nhà vệ sinh (tinh tươm) và cuối cùng dừng chân ở nhà bếp (rất ngăn nắp, có mấy trái bí đỏ rõ to) và cũng liếc xem thực đơn công khai trong ngày. Chủ yếu là các loại thịt hộp, trái cây hộp. Chắc có nhiều rau tươi, nhưng là “của nhà trồng” nên không ghi (để tính chi phí tiền chợ?). Bất ngờ là ở đằng sau nhà bếp. Một vườn cây gia vị xanh tươi um tùm. Mấy cây chanh lá mướt, ớt nhiều trái đủ màu, có cả ớt chỉ thiên, và sả, và đinh lăng. Các chàng “anh nuôi” nào đã “cưng”, đã chăm thật siêng cụm cây gia vị này đến thế? Chu đáo đấy chứ vì lính ít được ăn tươi thì càng phải được tẩm ướp thật đúng và đậm vị.

Một lát, tôi quay về tầng 1. Một anh bộ đội trung niên rót chén trà  bốc khói mời khách phương xa. Có thể đây là lính kỹ thuật, một anh kỹ sư điện hay cơ khí? Ngụm trà nóng thoảng nhẹ vị đắng và chát của trà mạn, thơm ngon lạ lùng. Nước trà thật nóng sao lại làm dịu cả cơn khát cháy cổ giữa cái nóng cháy da, bỏng mắt, khô môi. Đã đội nón tai bèo che nắng, gió nhà giàn vù vù vẫn xé nát tóc tôi tơi tả.

Biển Bà Rịa- Vũng Tàu, địa danh sau 7 ngày lênh đênh, với tôi, thật gần gũi. Một ngày đầu tháng 9, ba năm trước, tôi và các con đã chọn vùng biển này để rải tro của người thân yêu nhất của tôi, đưa anh về với biển với trời lần cuối.

Khi anh bộ đội châm thêm trà vào chén trà của tôi, tôi thấy anh khẽ lật mặt chiếc điện thoại xem gì đó. Và tôi thoáng thấy hình như là ảnh một người phụ nữ ôm một cậu bé. Cả tuần qua, trò chuyện với lính đảo, tôi toàn nghe họ nói chiến sự, chưa từng nghe về nỗi nhớ nhà. Hình như đó là điều họ cố tránh nói tới? Vì cũng là nỗi nhớ thường xuyên nhất? Biển cả bao la vô tận. Bốn bề vắng lặng. Hiểm nguy chực chờ từng phút giây. Đất liền xa xôi, vời vợi, mịt mùng. Đó mới chính là sự hi sinh và thiệt thòi lớn lao nhất, khó nhận thấy nhất trong không khí tiếp đón khách rất nồng hậu hôm nay? Bao lâu rồi, họ bỏ lại sau lưng tất cả cuộc sống bình thường, thế giới nhân quần, gia đình, làng xóm. Ôi, đất liền. Tôi nói với anh lính trung niên. Chị ước gì được ở lại đây một đêm trăng, trải chiếu ở sân bay của nhà giàn, chị sẽ ca cho các bạn nghe bài vọng cổ ”Tình anh bán chiếu”. Anh bộ đội bật cười, tiếng cười khô khốc, khó lắm chị, ban đêm thì càng khó, đó là những giờ phút quan sát, chiến đấu căng thẳng nhất. Nhưng chỉ một giây, anh lính nói tiếp, nói vậy thôi, chứ thực sự là, không có món quà nào quí hơn là được đón khách đất liền ra thăm nhà giàn. Bất giác tôi nghĩ ngay đến câu nói của anh lính trẻ ở đảo chìm Cô Lin, cô ơi, gần một năm rồi, tụi con không thấy mặt người từ đất liền ra…

Tôi uống đến giọt cuối của chén trà, và hỏi, à, hình như chẳng có đảo nào có các cô bộ đội nữ nhỉ? Anh bộ đội lắc dầu, không, cơ cực lắm, giữ đảo không phải là chuyện của những người kém sức khỏe và các bạn nữ đâu ạ


 



Tin bài liên quan:

RFI – Biển Đông: Kế sách nào giúp Việt Nam đối phó với Trung Quốc?

Phan Thanh Hung

VNTB – Việt Nam đẩy nhanh xây dựng đảo ở Biển Đông

Do Van Tien

RFA – Việt Nam tiếp tục mở rộng đảo, xây dựng các cấu trúc quân sự ở Trường Sa

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo