Vũ Kim Hạnh
(VNTB) – Mùa này là biển yên nhất trong năm, bốn ngày đầu, ca nô có lắc, nước ướt hết mình mẩy cũng là vui thôi. Đến nhà giàn mới biết đá biết vàng.
Thế gian có con vật nào không bao giờ ngủ? Ai đó, hình như là ông Alan Phan từng nói, đó là lãi suất. Mấy ngày nay, mình biết thêm, có một con vật nữa cũng không bao giờ ngủ, đó là con tàu Kiểm ngư KN-290. Đêm đầu tiên trên tàu, và suốt nhiều đêm nữa, mình nằm im nghe tiếng máy tàu bền bỉ nổ rì rầm, nhè nhẹ suốt đêm. Ngoạm trong lòng nó tới hơn 300 con người, ngày được phục vụ 4 bữa ăn và mọi nhu cầu sinh hoạt, ngủ, nghỉ, vệ sinh, tắm táp, vui chơi, thông tin, thể dục, giải trí…Tàu có đủ thứ, cả sân bay, cabin (đài) chỉ huy, phòng ngủ, phòng giặt, khu vệ sinh (dùng chung), nhà bếp, nhà ăn….Thông với nhau bằng những cánh cửa luôn khép chặt, mở rất nặng và có người đi qua, hồn nhiên buông tay khiến mình suýt bị kẹt tay, đập vào trán.
Tàu thường xuyên lắc lư, may mà nó lắc ngang nên ai nấy đi lại cứ va vào hai bên vai chứ không bị té ụp mặt. Hai ngày cuối nó đảo khiến các cô gái say sóng nằm dài bỏ ăn. Các bà say sóng, các ông say rượu, sóng biển thì thừa, sóng điện thoại leo lên boong kiếm hoài chẳng có. Các bà thường không say mà vẫn nằm, bận hát bài, biển một bên, còn XÔ một bên (để mà nôn)…..
Mình nói chuyến hải trình là “sống một đời sống khác”, đó là nói nghĩa đen, không văn hoa gì cả. Sống như bộ đội, làm gì cũng phải đúng giờ, lịch làm việc rất chặt, dù kỷ luật cũng hơi lỏng lẻo chút, vì “quân nhân” ở đây, ngoài lính và các sĩ quan chuyên nghiệp thì là đại biểu của đoàn thành phố Hồ Chí Minh, hầu hết là những người có “máu mặt”: ban giám đốc các Sở ngành, quận huyện, tư lệnh lực lượng công an, bộ đội TP, chủ tịch các Hội, cả báo chí, văn nghệ sĩ nên họ khá kỷ luật. Anh trưởng tàu khá trẻ, chỉ ba mươi tuổi và anh phó tàu là một cậu mới hăm bảy. Sáng sáng, trưởng tàu hùng hồn “Toàn đoàn báo thức, báo thức toàn đoàn”. Thế là làm ông bà gì cũng phải lồm cồm, lắc lư bò dậy, chạy đi vệ sinh, tập thể dục rồi đi ăn sáng. Mình mắc cái tật dậy sớm, 3g sáng mỗi ngày, giường tầng thì chật đến không thể ngồi hay lăn qua lại, nằm cứng khừ, ánh sáng không đủ để đọc, nên mình mong lời đánh thức ấy như mong mẹ đi chợ về. Mà trên tàu thì không có chợ, căn tin, mình thiếu gì, toàn lân la đến các chú bộ đội nhà bếp, cười cầu tài, xin.
Đặc biệt nhất là từ khi tàu ra cửa biển là tất cả sóng viễn thông đều tắt. Chỉ còn sóng biển, không có chút sóng nào cho điện thoại, càng không có wifi với mấy gờ. Ai xài Viettel thì thỉnh thoảng trộm được chút sóng khi tàu đi gần hay ngừng ở một hòn đảo, mà cũng chập chờn. Suốt bảy ngày, cái điện thoại chỉ còn dùng để chụp hình. Thẳng hoặc có người nghe nhạc, xem phim lưu sẵn. Coi giờ thì thỉnh thoảng nó tự động nhảy theo…giờ Trung quốc. Các chị còn dùng được thêm công dụng nữa là soi gương. Và hết. Làm gì có FB với zalo.
Con tàu sống động ngay sau tiếng loa báo thức toàn đoàn. Mình nhanh chóng chạy lên boong tàu, đã thấy thấp thoáng một hòn đảo mà tàu chuẩn bị cặp bến. Thăm 6 đảo, trong đó có 3 đảo có dân, tất cả, trừ đảo Trường Sa lớn tàu lớn cặp sát cầu tàu của đảo, 5 đảo kia đều phải đi bằng ca nô (xuồng) từ tàu lớn, cặp lên đảo. Nhà giàn thì lên xuống gay go hơn. Cứ vậy, hàng đêm, khi mọi người ngủ thì tàu chuyên cần chạy đến điểm mới. Mấy chục anh bộ đội thức suốt đêm điều khiển tàu, canh phòng và bắt đầu nấu bữa ăn sáng từ giữa đêm.
Mùa này là biển yên nhất trong năm, bốn ngày đầu, ca nô có lắc, nước ướt hết mình mẩy cũng là vui thôi. Đến nhà giàn mới biết đá biết vàng.
Mỗi đảo mình đến đều có câu chuyện hay riêng. Đảo Cô Lin gần đảo Gạc Ma nhất (đã bị Tàu chiếm) là đảo chìm không dân, vắng vẻ, có câu chuyện lập “cột mốc sống” rất anh hùng. Đảo Sinh Tồn vừa cặp bến đã nghe “báo động toàn đảo cấp 1” và mình bị “sửa lưng” một cú đáng đời. Đảo An Bang nghe nói “phải tiết kiệm từng giọt nước ngọt” lại xanh mượt bóng cây và đón khách bằng 3 chậu nước trong vắt cho khách rửa tay. Đảo Đá Tây A trù phú, có cửa hàng DVHC và có những câu khẩu hiệu viết tắt rất rõ nghĩa.
Yêu nhất là rau xanh trên các đảo, được trồng thật cưng, thật nâng niu với đất trồng được mang ra từ trong đất liền. Đảo Đá Tây A còn trồng được dưa hấu, trái to vật như chú heo con. Bạn Tạ Bích Loan nằn nì, chị Hạnh tìm cách làm thương hiệu cho dưa hấu Đá Tây A đi. Mình cười ha ha, vậy phải nhanh nha, có chừng chục trái thì dùng làm kiểu chụp hình, xong làm nhanh “hệ thống nhận diện”, chứ không, bị ăn hết, lấy gì còn thương hiệu? Nghĩ lại, vì thương quá mà “long trọng hóa”, cũng như mình thương quá mà phải đi lùng sục, tìm cho ra hai chú heo nuôi trên đỉnh nhà giàn !
Còn hoa, chao ơi, nó đẹp, nó rực và tươi tắn mà hầu như chỉ có một thứ hoa thật là…hoa giấy, thứ hoa không cần nước tưới. Cây thì chỉ có bàng vuông, với cây phong ba và bảo táp. Mình tìm mãi mới ra chú bộ đội chỉ cách phân biệt phong ba với bão táp. Hiếm hoi thấy được cây bách táng tùng…3 đảo có chùa. To nhất có lẽ là chùa trên đảo Sinh Tồn. Còn Nhà Giàn thì leo lên khá là khó, và ngược cái sự đời là sao leo xuống còn khó hơn, mình đi cùng khắp hai khu nhà của Nhà Giàn DK1-14 không sót chỗ nào (có lẽ là người hiếm hoi đi xem từng cây gia vị quí hiếm với nhiều cảm xúc nhất)
Mình sẽ kể chuyện từng đảo ở các bài sau…