VNTB – Điều luật hình sự 331 được đưa vào trường học: gieo rắc nỗi sợ hãi

VNTB – Điều luật hình sự 331 được đưa vào trường học: gieo rắc nỗi sợ hãi

Cát Tường

 

(VNTB) – Thành dùng Facebook cá nhân phát tán những hình ảnh, bài viết kèm theo những lời chú thích mang tính chất công kích, kích động, bôi nhọ lãnh đạo nhiều cấp …

 

Học sinh trường Thủ Thiêm ở thành phố Thủ Đức vừa bị hăm he bằng phiên tòa giả định về hình luật theo điều 331 “lợi dụng các quyền tự do dân chủ, xâm phạm lợi ích Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”.

Theo hồ sơ của vụ án giả định, vào đầu năm 2022, Trương Đình Thành (sinh năm 1992, ngụ tại thành phố Thủ Đức) có hành vi phát tán nhiều bài viết, hình ảnh bôi nhọ các lãnh đạo Đảng, Nhà nước trên các nhóm Facebook công khai như: “Hội người Việt Nam tại Đài Loan – TaiWan”; “Những người bạn của Đảng Dân chủ Tự do”;…

Các bài viết nêu trên thu hút hàng ngàn lượt tương tác, bình luận với những câu chữ hết sức thô tục.

Ngày 10-5-2022, Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM có công văn gửi Công an thành phố Thủ Đức về việc phát hiện đối tượng Trương Đình Thành liên quan đến hành vi tán phát nhiều bài viết, hình ảnh bôi nhọ lãnh đạo Đảng, Nhà nước trên các hội nhóm Facebook, thu hút hàng ngàn lượt tương tác, bình luận với những câu chữ thô tục.

Ngày 24-5-2022, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an thành phố Thủ Đức đã phối hợp với Viện kiểm sát cùng cấp và Cục An ninh mạng – Bộ Công an tiến hành kiểm tra, khám xét khẩn cấp nơi ở của Thành tại thành phố Thủ Đức.

Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM sau đó đã giám định các tài liệu do cơ quan công an cung cấp và xác định các bài viết đều sai sự thật, có nội dung xuyên tạc, chống phá Nhà nước…; đã vi phạm các Luật An ninh mạng, Luật Báo chí, Luật Xuất bản…

Cáo trạng đọc tại phiên tòa có đoạn vào năm 2021, Thành bắt đầu tiếp cận và theo dõi các trang mạng phản động, chống phá Đảng của các thế lực thù địch. Đồng thời nghiên cứu các lời bình luận, bài viết, hình ảnh kèm những nội dung, luận điệu xuyên tạc về lãnh đạo của Đảng, Nhà nước.

Do thường xuyên theo dõi, tiếp cận, nghiên cứu những bài viết trên nên tư tưởng của bị cáo bắt đầu bị tiêm nhiễm và bị cáo cho rằng những luận điệu, bài viết này là đúng. Bị cáo đã tải các bài viết, hình ảnh có nội dung xấu, bôi nhọ, xúc phạm lãnh đạo các cấp về điện thoại.

Tiếp đó, Thành dùng Facebook cá nhân phát tán những hình ảnh, bài viết kèm theo những lời chú thích mang tính chất công kích, kích động, bôi nhọ lãnh đạo nhiều cấp cũng như các chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước lên các hội nhóm…

Tại phiên tòa, bị cáo thừa nhận toàn bộ hành vi của mình, lời khai của bị cáo phù hợp với biên bản bắt người phạm tội quả tang và tang vật thu giữ cùng các tài liệu, chứng cứ kèm theo.

Hội đồng xét xử nhận định hành vi của bị cáo là nguy hiểm, xâm phạm các lợi ích về chính trị, lợi ích về kinh tế, lợi ích về văn hóa tư tưởng của Nhà nước đã được Hiến pháp, pháp luật ghi nhận và bảo vệ.

“Bị cáo có khả năng nhận thức và điều khiển hành vi, đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự, biết rõ hành vi của mình là vi phạm pháp luật nhưng có nhận thức lệch lạc nên đã cố ý thực hiện hành vi lặp đi lặp lại nhiều lần, kéo dài trong nhiều năm, gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội” – chủ tọa nói.

Quá trình điều tra và tại phiên tòa, bị cáo thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải; bị cáo phạm tội lần đầu, hiện đang nuôi con nhỏ, hoàn cảnh gia đình khó khăn, là lao động chính trong gia đình nên được hội đồng xét xử áp dụng các tình tiết giảm nhẹ.

Hội đồng xét xử quyết định tuyên phạt bị cáo mức án hai năm sáu tháng tù về tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

Phiên tòa giả định kể trên cho thấy đã gieo một nỗi sợ hãi về tù tội của trẻ vị thành niên trước quyền bày tỏ chính kiến được hiến định.


CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)