Khối Liên Âu cần cân nhắc lại về Đối thoại Nhân quyền, vận dụng các biện pháp khác
(Brussels) – Hôm nay, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền phát biểu rằng Liên Minh Châu Âu cần cân nhắc lại cuộc đối thoại nhân quyền song phương của mình với Việt Nam và áp dụng các biện pháp hiệu quả hơn để đối phó với tình trạng đàn áp đang gia tăng của chính quyền Việt Nam, căn cứ theo tờ trình của HRW gửi EU. Vòng Đối thoại Nhân quyền EU – Việt Nam này sẽ diễn ra vào ngày mồng 4 tháng Bảy ở Brussels.
Liên minh Châu Âu – EU và Việt Nam đã xúc tiến trao đổi về nhân quyền từ thập niên 1990. Trong nhiều năm, chính quyền Việt Nam đạt được rất ít tiến bộ về nhiều vấn đề đã được giới chức EU nêu ra, và trong mấy năm gần đây chính sách đàn áp đã gia tăng đáng kể.
“Các cuộc đối thoại nhân quyền của EU với Việt Nam trước đây có rất ít tác động tới chính sách đàn áp của Hà Nội,” ông Claudio Francavilla, Phó Giám đốc Vận động Khối EU của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền nói. “Lặp lại vết cũ sẽ chẳng mang lại kết quả mới. EU cần có cách tiếp cận hiệu quả hơn để giải quyết tình trạng Hà Nội đàn áp các quyền tự do cơ bản.”
Hiện có hơn 160 người đang bị giam giữ ở Việt Nam vì lên tiếng phê phán chính quyền, là một tội hình sự được ghi trong bộ luật hình sự. Các nhà hoạt động môi trường càng ngày càng dễ trở thành đối tượng bị nhà cầm quyền đặt vào vòng ngắm, ngay từ khi EU và Việt Nam vừa ký kết thỏa thuận hơn 500 triệu Euro (537 triệu đô la Mỹ) tài trợ cho Việt Nam chuyển đổi sang sử dụng nguồn nhiên liệu tái tạo. Đảng Cộng sản Việt Nam kiểm soát tất cả báo chí và truyền thông trong nước và Việt Nam đang đứng thứ ba thế giới về số lượng nhà báo bị giam giữ. Ngày mồng 1 tháng Sáu, công an Việt Nam bắt giữ nhà báo nổi tiếng Huy Đức và luật sư Trần Đình Triển vì đăng những bài viết ủng hộ dân chủ trên Facebook. Cả hai người đều bị cáo buộc tội “lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích nhà nước” theo điều 331 của bộ luật hình sự Việt Nam.
Chính quyền giám sát mạng internet gắt gao, và hành vi đăng hoặc chia sẻ các ý kiến phê phán chính quyền trên mạng có thể dẫn tới án tù dài hạn.
Một số vi phạm của chính quyền Việt Nam có liên quan tới Hiệp ước Thương mại Tự do EU – Việt Nam, bắt đầu có hiệu lực từ tháng Tám năm 2020. Đáng lưu ý là các nhà hoạt động Mai Phan Lợi và Đặng Đình Bách bị bắt khi đang nỗ lực tham gia Nhóm Tư vấn Trong nước (DAG) có vai trò giám sát thực thi hiệp định nói trên. Sau đó, Mai Phan Lợi đã được phóng thích vào tháng Chín năm 2023 nhưng Đặng Đình Bách vẫn đang phải thụ án năm năm tù giam. Nhà hoạt động Phạm Chí Dũngvẫn đang bị giam cầm sau song sắt, phải thi hành bản án 15 năm tù vì năm 2019 ông đã ôn hòa vận động EU tranh thủ nguyện vọng ký hiệp định thương mại của Việt Nam làm đòn bẩy để đạt được những tiến bộ nhân quyền trong nước – một ý kiến đã được Tổ chức Theo dõi Nhân quyền và nhiều nhóm nhân quyền khác đồng tình.
Chính phủ Việt Nam vẫn chưa ký kết Công ước Số 87 của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) về Quyền Tự do Lập hội và Bảo vệ Quyền được Tổ chức, cho dù trước khi Nghị Viện EU bỏ phiếu về Hiệp định EVFTA hồi tháng Hai năm 2020, Việt Nam đã cam kết cụ thể sẽ thực hiện việc này trong năm 2023.
Những việc nêu trên và nhiều diễn tiến khác như đã được toàn thể các quốc gia thành viên EU, các đại biểu Nghị viện Liên Âu và các thành viên Châu Âu của Nhóm Tư vấn Trong nước ghi nhận, là hoàn toàn trái ngược với các cam kết của Việt Nam, kể cả các cam kết đã hứa trong hiệp định thương mại với EU. Hội đồng Liên Âu đã tuyên bố rằng hiệp định đó “có sự gắn kết pháp lý và định chế với Hiệp ước Hợp tác và Đối tác EU – Việt Nam, cho phép có cách hành động thích hợp trong trường hợp vi phạm nhân quyền nghiêm trọng,” nhưng cho đến giờ vẫn chưa có hành động nào. Một số tổ chức phi chính phủ đã kêu gọi đình chỉ thi hành hiệp định đó vì có các khiếu tố về vi phạm quyền lao động.
Tổ chức Theo dõi Nhân quyền cho rằng EU không nên lặp lại các cuộc đối thoại nhân quyền không mang lại kết quả gì ngoài ảo tưởng đã chỉ tên được các vi phạm nhân quyền của Việt Nam. EU cần cân nhắc các công cụ hữu hiệu hơn để gây sức ép, buộc chính quyền Việt Nam chấm dứt vi phạm. Cụ thể là EU cần đánh giá lại việc thực hiện các cam kết của Việt Nam về nhân quyền theo các hiệp ước và hiệp định song phương về thương mại cũng như chính trị, và đặt ra các hậu quả nếu Việt Nam tiếp tục tái diễn tình trạng không thực hiện cam kết. Ngoài ra, EU cũng nên cân nhắc khả năng áp dụng các lệnh trừng phạt có mục tiêu nhằm vào các cá nhân và tổ chức của Việt Nam phải chịu trách nhiệm về đàn áp nhân quyền một cách có hệ thống ở trong nước, kể cả các lãnh đạo nhà nước, và đi tiên phong trong các diễn đàn quốc tế để giành quyền giám sát và công bố độc lập về hồ sơ nhân quyền của Việt Nam.
“Chỉ bằng cách đặt ra các lệnh trừng phạt có mục tiêu và các hậu quả cụ thể về quan hệ thương mại và chính trị mới thể hiện được thông điệp rõ ràng tới Hà Nội rằng EU coi nhân quyền là vấn đề nghiêm túc,” ông Francavilla nói. “Nếu các cuộc đối thoại nhân quyền không trở thành cơ hội để đặt ra các hậu quả nêu trên và các mốc làm điều kiện để tránh các hậu quả đó, thì vẫn chỉ là một bài diễn tập lấy lệ mà thôi.”
Nguồn: HRW
1 comment
Cái liên minh EU và tổ chức human right chỉ là cái công cụ bố láo lấy tư cách gì mà chỉ trích nhân quyên tại VN ? một lũ tay sai cho Mỹ.