Hà Nguyên
(VNTB) – Bạn có đang bị đối xử bất công vì tham gia vào công đoàn hoặc các tổ chức đại diện cho người lao động, mà đó không phải là ‘công đoàn của nhà nước’?
Công ước số 98 của ILO (Tổ chức Lao động quốc tế) về “Quyền Tổ chức và Thương lượng tập thể” đã quy định rõ những hành vi cụ thể được coi là phân biệt đối xử với người lao động, theo đó khi những hành vi này diễn ra, người lao động cần phải được áp dụng biện pháp bảo vệ đặc biệt để đảm bảo quyền lợi.
Tin tức cho biết, sáng 25-8, gần 1.000 công nhân Công ty TNHH Nidec Servo, 100% vốn Nhật Bản, đóng tại Khu công nghệ cao, thành phố Thủ Đức, đã ngừng việc để kiến nghị tăng lương.
Trước đó, các công nhân đã có đơn kiến nghị tăng lương theo bậc gửi ban giám đốc công ty. Theo đơn, công nhân đã nhận được email về quyết định tăng lương đồng loạt cho tất cả các cấp bậc lương là 260.000 đồng. Trước đó, Công đoàn công ty đã tổ chức hội nghị lấy ý kiến của toàn thể công nhân, 100% công nhân không đồng ý với mức tăng 260.000 đồng đều cho các bậc lương như trên.
“Đã 3 năm liền, chúng tôi không được lên lương nhưng chúng tôi rất hiểu vì đại dịch Covid-19. Còn bây giờ, nếu chỉ tăng được mức 260.000 đồng, thử hỏi ăn gì, uống gì, nuôi con kiểu gì ? Lương và phúc lợi công nhân không được cải tiến. Mong Ban giám đốc công ty hiểu rằng đời sống công nhân đến thời điểm hiện tại là cực kỳ khó khăn chứ không ai muốn ngừng sản xuất cả ” – hầu hết công nhân đều chung ý kiến như vậy.
Trước đó có vụ việc tương tự, khi khoảng 500 công nhân Công ty TNHH DaeYun Việt Nam ngừng việc, yêu cầu công ty tăng lương 200.000 đồng cho mỗi lao động và đồng thời hàng năm công ty tăng lương 5% không phụ thuộc vào việc tăng lương tối thiểu vùng theo quy định của Hội đồng Tiền lương quốc gia.
Trong hai vụ việc kể trên, tính cho đến hiện tại thì mới chỉ có duy nhất tổ chức công đoàn của nhà nước là đại diện cho quyền lợi người lao động.
Giả dụ như có nhiều tổ chức công đoàn nữa được thành lập để người lao động lựa chọn tham gia, thì rất có thể các nguyện vọng trên không dẫn đến mức căng thẳng của “ngừng việc tập thể”, khiến đôi bên đều thiệt hại, khi việc sản xuất của doanh nghiệp gián đoạn, ít nhiều ảnh hưởng đến tiến độ hợp đồng.
“Chúng tôi cảm thông với những khó khăn ảnh hưởng của công ty nhưng việc nâng lương cào bằng là không hợp lý” – một nữ công nhân Công ty TNHH Nidec Servo nêu khi đối thoại cùng ban giám đốc công ty vào sáng 25-8.
Thế nhưng ở đây phía doanh nghiệp trong chuyện điều chỉnh về chính sách tiền lương, nếu căn cứ vào các quy định pháp luật lao động hiện hành, bao gồm cả tiền lương tối thiểu, thì họ chưa thấy có dấu hiệu vi phạm.
Như vậy vấn đề đặt ra là bên cạnh chuyện tiền lương tối thiểu dường như không mấy thực tế, khi phần trả lương tối thiểu mà hội đồng này đặt ra, lâu nay hầu hết các doanh nghiệp ở Sài Gòn đã trả cao hơn mức đó, nên khi giới chủ quyết định không điều chỉnh tăng theo quy định mới của Hội đồng tiền lương quốc gia, thì lại dễ đưa đến so bì của người lao động.
Việc so bì này cũng không sai, vì đời sống ở đô thị đắt đỏ, bao gồm giá cả thuê nhà trọ của người lao động. Trong mối chằng chịt đó của giá lương tiền, xem ra việc đối thoại mang tính “lobby” chính sách là cần thiết, và “vận động hành lang” này cần được hiểu là với cả nhà nước quản lý chuyên trách, cho đến giới chủ doanh nghiệp.
Các tổ chức công đoàn độc lập nếu được hình thành, có lẽ sẽ thuận tiện hơn khi thực hiện các yêu cầu của “lobby” ấy, vì ở đây không chỉ là chuyện tiền lương, mà còn là các khoản đóng bảo hiểm xã hội, các chế độ an sinh… mà ngay cả giới chủ doanh nghiệp cũng muốn được lên tiếng sòng phẳng.
Sòng phẳng, bởi tổng quỹ lương của doanh nghiệp có đến vài chục phần trăm đóng cho các quỹ của bảo hiểm xã hội. Trong chuyện “lương không đủ sống”, còn có phần trách nhiệm khó thoái thác của quản lý nhà nước.
“Tôi tin nếu mai đây có tổ chức công đoàn độc lập đi nữa, thì đó cũng chỉ là giả trang mà thôi, vì đảng luôn định kiến với những tổ chức xã hội dân sự với lo sợ ‘thoát ly’ sự lãnh đạo của đảng. Rất dễ bị chụp mũ chính trị nếu người lao động sử dụng quyền tự do công đoàn. Đây chính là vòng kim cô mang tính giai cấp mà đảng thích vào vai Đường Tam Tạng…” – luật sư T.T., ý kiến.