Hiền Vương
(VNTB) – “Mày tưởng tao chết, định móc mắt tao. Nay tao bắt được mày, tao giết mày chết”
Truyện cổ tích Việt Nam kể, xưa có một thằng đi ở đợ có tính cờ bạc, thành ra mắc nợ nhiều lắm. Một buổi sớm mai, nó đem trâu ra cày, bị các chủ nợ bắt mất trâu. Không dám về nhà vì sợ chủ đánh, buồn bã nó lên bờ ruộng nằm giả chết.
Một chốc có con quạ bay qua, ngỡ là xác người chết, sà xuống định móc mắt ăn. Nó giơ tay ra, vớ ngay được con quạ, mắng rằng: “Mày tưởng tao chết, định móc mắt tao. Nay tao bắt được mày, tao giết mày chết” …
Có một so sánh khác liên quan tích truyện bên Tàu: Tử Gia Cát năng tẩu sinh Trọng Đạt. Theo tác giả La Quán Trung, trước khi qua đời, Gia Cát Lượng viết tờ di biểu dâng lên hậu chủ, xong xuôi lại dặn dò Dương Nghi rằng:
“Sau khi ta chết không thể làm đám tang, phất cờ đánh trống, các ngươi hãy làm một cái bàn thờ lớn, để thi thể của ta ngồi ở trên, trong miệng ngậm bảy hạt gạo, dưới chân đặt một ngọn đèn sáng, trong quân cứ giữ vẻ yên ổn như thường, không được than khóc buồn bã. Như vậy thì sao Tướng Tinh mới không rơi xuống, âm hồn ta tự khắc cũng nhấc lên được. Tư Mã Ý thấy sao Tướng Tinh không sa, tất nhiên sẽ không dám khinh cử vọng động, quân ta mới có thể âm thầm từng nhóm từng nhóm chậm rãi rút lui.
Nếu như Tư Mã Ý đuổi theo, ngươi nên dàn thành trận thế, quay cờ đánh trống trở lại, rồi đẩy xe có tượng gỗ của ta ra phía trước quân, lệnh cho tất cả tướng sĩ đứng dàn hai bên trái phải, Tư Mã Ý nhìn thấy, tất sẽ sợ hãi bỏ chạy”.
Các tướng trung thành của Gia Cát Lượng là Dương Nghĩa, Khương Duy theo sự sắp xếp của Gia Cát Lượng, sau khi Lượng chết không phát tang ngay mà chỉnh đốn binh mã, rút quân về Hán Trung thật thần tốc nhưng phải trật tự, không để quân Tư Mã Ý phát hiện.
Nhưng không ngoài dự liệu của Khổng Minh, Tư Mã Ý quan sát thiên văn thấy một ngôi sao lớn màu đỏ, tia sáng toả ra bốn phía có góc, từ phía đông bắc chạy về hướng tây nam, sau đó đến thẳng Thục doanh. Ba lần sa xuống, lại ba lần vụt lên, tiếng chuyển ầm ầm.
Tư Mã Ý vui mừng la lớn: “Khổng Minh chết rồi!”. Lập tức truyền lệnh khởi binh đuổi đánh, nhưng vừa ra khỏi cửa trại lại nổi tâm đa nghi: “Khổng Minh có tài phù phép, có thể sai khiến thần Lục Đinh, Lục Giáp. Nay thấy ta không ra đánh, cho nên làm ra thuật này để dụ ta đây, nếu ta đuổi theo, tất sẽ trúng kế”.
Nghĩ thế rồi quay ngựa trở vào, không đi nữa, chỉ sai Hạ Hầu Bá dẫn vài chục quân binh âm thầm đến gò Ngũ Trượng do thám tình hình…
Trở lại chuyện hổm rày: việc ông Tổng bí thư vắng mặt thời gian dài trên chính trường, trong cả những nghi thức tiếp đoàn ngoại giao kể cả đoàn khách cấp cao của Đảng Cộng sản đến từ Trung Quốc, thì đó là “giả chết bắt quạ” hay “Tử Gia Cát năng tẩu sinh Trọng Đạt”?
Đối thủ chính trị ngay trong nội bộ Đảng của ông Nguyễn Phú Trọng là những thế lực nào khiến ông ấy phải bày binh – bố trận kiểu cách hư – ảo đến như vậy? Hay thực ra đây chỉ thuần là chuyện của đời người “sinh – lão – bệnh – tử” thường tình?
Giang hồ đồn đãi những cựu thù trên bước đường chính trị của ông Nguyễn Phú Trọng, thật ra không khó để xướng tên: đó là các cựu thường trực Ban Bí thư Đinh Thế Huynh, Trần Quốc Vượng, cựu Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Tô Huy Rứa, cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng…Thậm chí khi mới đây Tổng bí thư hăm he kỷ luật Trưởng Ban kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh, xem chừng đã tạo thêm ‘tân thù’ là cựu Chủ tịch nước Trần Đức Lương.
Nếu chiêu thức “giả chết bắt quạ” là có cơ sở, vậy thì con quạ đó phải chăng là… tướng Tô Lâm – chính khách được nhắc tên là ứng cử viên sáng giá bậc nhất thời điểm hiện tại mà mạng xã hội đang đồn đãi?
1 comment
“Liệu sẽ có Tổng bí thư thứ ba trong lịch sử từ trần khi đương nhiệm?”
Tiếng vỗ cánh của bầy quạ đen