VNTB – Chưa như kỳ vọng nhưng để không đến nỗi thất vọng…

VNTB – Chưa như kỳ vọng nhưng để không đến nỗi thất vọng…

Hiền Vương

(VNTB) – Phải nhanh chóng thay đổi hệ thống quản trị của mình, toàn diện hơn, minh bạch hơn… để có thể không đạt kỳ vọng nhưng không đến nỗi thất vọng.

Ông Hồ Quốc Lực – cựu chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), có ý chia sẻ như trên dịp dầu năm mới 2020.

Ông Lực nói rằng hiệu ứng chiến tranh Mỹ – Trung khiến lượng cá thịt trắng rô phi của Việt Nam xuất qua Mỹ bị thuế ngăn chặn. Người tiêu dùng Trung Quốc có nguồn cung tại chỗ. Song song, họ đã âm thầm nuôi cá tra với sản lượng không nhỏ. Trong khi đó, người nuôi cá của Việt Nam âm thầm thả giống, sản lượng không kiểm soát hết. Cung tăng khá mạnh, giá đi xuống. Bài học rút ra là thông tin không kịp thời và xử lý càng chậm trễ.

Trách nhiệm tìm kiếm thông tin ở đây, nếu truy tận gốc, đó là sự tắc trách của những tùy viên thương mại ở cả 5 văn phòng Đại sứ quán/ Lãnh sự quán Việt Nam tại Trung Quốc.

Tương tự, con tôm, dù các cường quốc tôm đều hô hào tăng sản lượng nuôi, nhưng thực chất lại không như vậy. Nguyên nhân giữa vụ, tôm nuôi bị dịch bệnh tấn công khá mạnh. Nhất là tôm nuôi Ấn Độ và kế tiếp là Việt Nam. Dịch bệnh khiến cỡ tôm bị nhỏ lại, vì tôm chậm lớn; đồng thời sản lượng cũng không tăng mạnh vì một phần bị thiệt hại do dịch bệnh. Giá tôm cỡ nhỏ tiêu thụ không tăng nhưng cỡ lớn tăng khá mạnh, nhất là lúc cuối vụ.

Mặt khác, do nguồn cung trong nước giảm, giá tôm nói chung trong nước đã tăng cao khiến nhiều hợp đồng đã ký kết bị thiệt hại không nhỏ nếu giao đúng hạn. Bài học rút ra là thiếu thông tin hoặc có thông tin chậm, hoặc không đầy đủ.

Trách nhiệm ở đây đương nhiên là ‘tiên trách kỷ’, song sẽ đỡ cực cho doanh nghiệp hơn trong tìm kiếm tin tức, nếu như ở Việt Nam có được báo chí tư nhân; khi ấy những tin tức chuyên ngành kiểu ‘tình báo kinh tế’ như vậy ắt hẳn sẽ là một mảng ‘hot’ mà kênh báo chí ‘ngoài quốc doanh’ sẽ đầu tư khai thác, chứ không phải chỉ ‘cúc cúc tận tụy’ theo ‘định hướng’ của cơ quan tuyên giáo đảng.

Và do chưa có báo chí tư nhân nên tin tức đa chiều liên quan đến hô hào đổi mới nền kinh tế, dường chừng vẫn dừng ở sắc hồng tươi tắn hay gam màu đỏ lấp lánh.

Mới đây trong báo cáo cập nhật về kinh tế Việt Nam 2019 của Ngân hàng Thế giới có viết: Dù Việt Nam có thứ hạng khá tốt so với các quốc gia khác có cùng mức thu nhập trung bình theo đầu người, nhưng vẫn đứng sau các nền kinh tế phát triển ở Đông Nam Á. Việt Nam cũng chưa đạt được nhiều tiến triển trong những năm qua, thậm chí còn tụt một bậc…

Không chỉ chững lại, mà cải cách chậm dần và không đồng đều giữa các lĩnh vực. Đây là một phát hiện được chỉ ra trong Báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết 02 năm 2019 và Nghị quyết 35 năm 2016 của Chính phủ – Góc nhìn từ doanh nghiệp do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thực hiện, với sự trợ giúp của Chương trình Australia hỗ trợ cải cách kinh tế Việt Nam (Aus4Reform). Báo cáo cho biết, có cơ quan rất nỗ lực cải cách thực chất, nhưng cũng có những cơ quan thực hiện một cách đối phó, hình thức. Một số lĩnh vực liên tục có sự chuyển biến tích cực cả về xây dựng chính sách lẫn thực thi, nhưng một số lĩnh vực khác lại chưa có những cải thiện đáng kể trong nhiều năm qua.

Tốc độ cải cách chững lại thể hiện rõ ở 13 báo cáo Doing Business. Trong 13 báo cáo này từ 2009 đến 2020, tổng cộng Việt Nam có 33 cải cách được ghi nhận. Trong đó có những năm cải cách mạnh mẽ, với 5 cải cách được ghi nhận. Nhưng đến Doing Business 2019 chỉ còn 3 cải cách, và tới Doing Business 2020 số cải cách được ghi nhận chỉ còn hai là Tiếp cận tín dụng và Nộp thuế. Còn nhiều lĩnh vực hầu như không có cải thiện trong nhiều năm qua, điển hình là đăng ký đất đai suốt 13 năm qua không có cải cách nào.

“Phải tạo sức ép, liên tục tạo áp lực buộc phải thay đổi, nếu không khả năng có được thay đổi là rất khó” – ông Nguyễn Đình Cung, cựu Viện trưởng Viện nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương, tiếp ý của ông Hồ Quốc Lực trong một chia sẻ dịp đầu năm mới 2020.

Tạo sức ép qua những bài viết trên báo chí về áp lực buộc phải thay đổi là điều mà giới báo chí ở Sài Gòn đã làm bằng cách này hay cách khác từ lâu rồi. Những bài viết như 30 năm của “nhóm thứ sáu” (https://tuoitre.vn/30-nam-cua-nhom-thu-sau-560942.htm), Nhóm Thứ Sáu và lần đầu gặp ông Sáu Dân (https://doanhnhansaigon.vn/di-nghi-viet/nhom-thu-sau-va-lan-dau-gap-ong-sau-dan-1011881.html), Dấu ấn từ những đề xuất đột phá (https://www.sggp.org.vn/dau-an-tu-nhung-de-xuat-dot-pha-289160.html), Đổi mới thể chế: đừng khoanh tay chờ (https://tuoitre.vn/doi-moi-the-che-dung-khoanh-tay-cho-589764.htm),… đã cho thấy ngay cả những người trong cuộc của “Nhóm Thứ Sáu” cũng khốn đốn, và về sau này khi ông Võ Văn Kiệt rời chính trường, “Nhóm Thứ Sáu” trở thành cái gai cần nhổ bỏ trong mắt nhiều lãnh đạo.

Ngay cả việc kiên trì tạo sức ép, liên tục tạo áp lực buộc phải thay đổi qua các bài viết trên báo chí như ông Phạm Chí Dũng miệt mài suốt thời gian dài vừa qua, cũng đã không được nhà chức trách trân trọng ghi nhận, mà còn cho rằng đây là ‘lời trái tai’, cần bị ra đòn roi trừng phạt.

“Những ngày cuối năm 2019 đã định dạng rõ ràng kết quả hoạt động năm, chưa như kỳ vọng nhưng không nên nói là thất vọng. Chỉ tin rằng những điều chưa hài lòng sẽ là bài học tốt, song song đó nâng cao tính linh hoạt trong chính sách sản phấm, thị trường… nhằm cải thiện hiệu quả sản xuất kinh doanh… Tất cả để thêm lần kỳ vọng năm 2020 sẽ là một năm có sự tiến bộ mọi mặt”. Ông Hồ Quốc Lực đã kết luận đầy ‘khách sáo’ như vậy trong dịp chia sẻ đầu năm mới ‘Tết Tây’ 2020.

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)