VNTB – Giá vàng miếng xấp xỉ 80 triệu đồng/ lượng

VNTB – Giá vàng miếng xấp xỉ 80 triệu đồng/ lượng

Hàn Lam

 

(VNTB) – Từ khi có nghị định về độc quyền sản xuất vàng miếng, chênh lệch giá giữa vàng SJC và vàng thế giới ngày càng cao

 

Ghi nhận trong chiều mở bán vàng miếng SJC đầu tiên theo giá mà Ngân hàng Nhà nước ấn định, đến khoảng 16 giờ ngày 3-6-2024, nhiều điểm bán ở TP.HCM đã treo bảng hết vàng và thông báo ngừng nhận khách.

Giá bán mà Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phê duyệt là 78.980.000 đồng/ 1 lượng. Từ khung giá ấn định đó, Vietcombank thông báo giá bán lẻ theo đơn vị 1 lượng vàng miếng SJC là 7.998.000 đồng. Agribank, VietinBank, BIDV và Công ty SJC cùng treo bảng bán giá mỗi lượng vàng SJC là 79.980.000 đồng.

Cùng thời điểm, giá vàng thế giới trưa 3-6-2024 ở mức 2.329 USD/ounce. Quy đổi theo tỷ giá niêm yết tại ngân hàng, giá vàng thế giới tương đương 71,53 triệu đồng/1 lượng. Như vậy giá bán vàng trực tiếp của Ngân hàng Nhà nước cao hơn giá vàng thế giới quy đổi 8,45 triệu đồng/ 1 lượng. Đến lượt mình, phía ngân hàng bán lẻ tăng thêm mỗi lượng là 1 triệu đồng. Mức chênh này đã giảm một nửa so với một tuần trước, và ngang với trước thời điểm Ngân hàng Nhà nước đấu thầu vàng.

Ở đây có một lưu ý về tỷ suất lợi nhuận, thị trường vàng trong nước được quản lý bằng Nghị định 24/2012/NĐ-CP, theo đó, vàng miếng do Ngân hàng Nhà nước độc quyền sản xuất, và đây cũng là đơn vị được pháp ủy quyền giao cho tổ chức sản xuất vàng miếng. Ngân hàng Nhà nước đã chọn vàng miếng thương hiệu SJC làm thương hiệu vàng miếng quốc gia. Ngân hàng Nhà nước đã độc quyền tổ chức thực hiện việc nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng, cấp giấy phép nhập khẩu vàng nguyên liệu cho doanh nghiệp được ủy quyền sản xuất này.

Như vậy, về nguyên tắc thì vàng miếng không được phép nhập khẩu trực tiếp vào thị trường Việt Nam, mà chỉ được nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng. Từ ngày 15-3-2014, vàng nguyên liệu xuất khẩu, nhập khẩu của Ngân hàng Nhà nước được miễn thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng.

Để công bằng cạnh tranh và tạo nguồn thu ngân sách từ thuế, nhiều ý kiến cho rằng Ngân hàng Nhà nước cần mạnh dạn thay đổi chính sách độc quyền. Yếu tố đầu tiên là cái gọi “thương hiệu vàng quốc gia SJC” cần được hủy bỏ, để cho tất cả sản phẩm vàng trên thị trường được cạnh tranh công bằng với nhau.

Thêm vào đó là Ngân hàng Nhà nước nên trao vai trò được nhập khẩu vàng cho các nhà kinh doanh vàng. Cuối cùng là nên thành lập sàn vàng để các giao dịch vàng được minh bạch.

Trước năm 2012, Việt Nam có nhiều thương hiệu vàng miếng như SJC, PNJ, DOJI, Sacombank, ACB,… bên cạnh đó là vàng lá Kim Thành nổi tiếng của miền Nam từ trước năm 1975. Miền Bắc trăm năm trước có vàng lá Sư Tử cũng thuộc loại vang danh. Do có nhiều đơn vị cùng tham gia nên thị trường vàng giàu tính cạnh tranh, nhu cầu ổn định, không làm cho giá vàng miếng tăng quá cao so với giá vàng thế giới. Tuy nhiên kể từ khi có nghị định về độc quyền sản xuất vàng miếng, phong thương hiệu SJC là “vàng quốc gia” thì chênh lệch giá giữa vàng SJC và vàng thế giới ngày càng cao, có lúc lên tới 20 triệu đồng/lượng.

Theo lời kể của các bậc cao niên, vàng lá Kim Thành là nhãn hiệu vàng thương phẩm nổi tiếng tại vùng Đông Nam Á vào thời kỳ trước và trong chiến tranh Việt Nam, được dùng làm phương tiện trao đổi và cất giữ tài sản. Vàng lá Kim Thành có độ tinh khiết được cầu chứng là 999,9. Một lượng vàng lá Kim Thành có cân nặng đúng 37,5 g (khoảng 1,2 troy ounce), gồm 3 lá: 2 lá nặng 15 g mỗi lá và 1 lá nặng 7,5 g. Các lá này được bọc chung trong lớp giấy dầu mang nhãn hiệu của nhà sản xuất. Kim Thành là nhà buôn bán và tinh chế vàng vào lúc đó, với trụ sở tại Sài Gòn và chi nhánh tại Hà Nội, Hồng Kông và Phnôm Pênh.

Sinh thời, ông Lữ Minh Châu (29/9/1929 – 27/2/2016), từng là trưởng ban quân quản các ngân hàng Sài Gòn – Gia Định và nguyên tổng giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, kể rằng: “Khi kiểm tra các kho quỹ ngân hàng Sài Gòn hoạt động trước năm 1975, tôi thấy có nhiều vàng lá Kim Thành và các loại vàng nữ trang như nhẫn, vòng, kiềng, lắc được doanh nhân và cả người dân bình thường gửi vào ngân hàng cất giữ. Chúng được đựng cả trong những bao lớn như bao đựng gạo, cột dây niêm phong ở miệng bao. Một hình ảnh rất đặc biệt mà các ngân hàng miền Bắc ở thời điểm đó không có…”.

 


 

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)