VNTB – Giẫy mả

VNTB – Giẫy mả

Khánh Xuân

 

(VNTB) – Ba nói giẫy cỏ mả là dọn dẹp sửa sang “nhà cửa” cho ông bà đón tết

 

Thuở còn bé, cứ đến qua cái rằm cuối cùng của năm, là ba tôi lại chuẩn bị sửa soạn, dọn dẹp nhà cửa. Trong đó, không thể thiếu, là giẫy cỏ mả, ba nói là dọn dẹp sửa sang “nhà cửa” cho ông bà đón tết.

Trời chưa sáng tỏ, hai ba con đã vác cuốc, chuẩn bị xô nước, khăn lau tiến lên gò mả của gia đình để chuẩn bị cho công tác dọn dẹp.

Nơi đây, do mỗi ngày được ba tôi chăm sóc liên tục, nên nói nào ngay, Tết đến, dọn dẹp cũng nhàn nhã. Cuốc cuốc vài ba cái, nhổ vài cọng cỏ là mọi thứ sạch trơn. Có những năm, kiểm tra, nếu thấy đất sụt lún, ba lại chạy u ra cửa hàng mua một ít cát đổ thêm vào. Nếu mồ mả nào gạch bị vỡ, ba mua gạch khác lấp vào.

Sau đó là việc của một đứa nhỏ như tôi, lấy khăn nhúng nước lau mồ mả của ông bà. Lau xong xuôi, tôi lau phòng chứa hũ cốt, nơi ông cố, bà sơ… của tôi đang yên nghỉ.

Thường thì mọi việc xong xuôi đều trước khi nắng gắt lên. Đứng nhìn thành quả hai cha con lui cui cả buổi sáng, chợt cảm thấy ấm lòng đến chi lạ.

Ba tôi “cưng” cái góc nhỏ này của ông lắm. Bên cạnh công việc thường nhật, ngày nào ông cũng dành thời gian “chăm bẵm” mộ ông bà tổ tiên. Ông lau lau, quét quét rồi nhổ cỏ, lấp những khoảnh đất bị con này con kia đào. Rồi ông trồng hoa xung quanh khuôn viên các mả, ông kéo ống lên tưới. Má hay nói với tôi rằng: “Ổng là con rể, lo cho ông bà còn hơn mấy bà chị của bả nữa”.

Tôi nhớ, ngày ấy, thường hay thắc mắc hỏi ba, “ủa ba ơi, sao ông ngoại, bà ngoại cũng có nhiều con, cũng làm ông này bà nọ, con cái họ cũng ăn học đàng hoàng. Mà sao đến Tết chẳng ai về giãy mả; chẳng ai về lau dọn mồ mả; chẳng ai về dọn dẹp cỏ hay bước chân lên đất mả để thắp cây nhang. Nếu hoạ chăng có, cũng chỉ là gửi vội một ít trái cây bị héo rồi ba chân bốn cẳng bỏ đi. Vậy mà đến khi họ muốn bán đi phần đất của ông bà tổ tiên, họ lại lấy lý do đất này ông bà để lại, tranh giành từng tấc đất. Họ làm vậy không sợ ông bà buồn hay sao ba?”.

Lúc đó, ba chỉ nhìn tôi bằng ánh mắt trìu mến, xoa nhẹ lên đầu và nói: “Đó là chuyện của họ, còn chuyện của mình, mình cứ làm. Ông bà là của họ và cũng là của mình. Phận làm con cháu, mình làm cho ông bà thôi. Không lẽ cần họ phải làm mình mới làm?”

Thú thật, lúc đó, tôi cũng không hiểu rõ lời của ba, luôn mang trong mình một ấm ức, năm nào mình cũng cực đủ điều, trong khi “người nhàn nhã” lại đi rao giảng đạo đức, đi dạy đời thiên hạ.

Đến khi chuẩn bị bước sang cái tuổi tứ tuần, dẫu biết rằng những va chạm của mình vẫn chỉ là “hạt cát giữa đại dương” nhưng những thứ tôi thấy, tôi nghe đã phần nào gián tiếp giải thích cho lời của ba nói khi xưa. Nhất là quê tôi được quy hoạch trở thành khu đô thị, giá đất tăng vùn vụt bỗng chốc làm bao thâm tình cạn dần.

Những trường hợp sẵn sàng bốc mộ ông bà lên để bán đất, lấy tiền đánh bài. Những đề án quy hoạch nghĩa trang, sẵn sàng san phẳng những ngôi mộ hàng trăm, hàng chục năm tuổi chỉ để xây lên nhà ở, khu vui chơi hoặc công viên…

Hôm nay, là 30 Tết, hoa, trái đã sửa soạn đầy đủ; lư đồng cũng đã được đánh sáng, nhìn di ảnh của ba trên bàn thờ, tôi thầm nhỏ nhẹ: “Ba ơi, cuối cùng con cũng hiểu được lời của ba nói khi xưa”.

Dường như, ba đang mỉm cười với tôi. Một năm mới đã đến…


CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)