(VNTB) – “Học phí cao, chi phí sinh hoạt cao, đào tạo thiếu thực tế so với yêu cầu cần tuyển, ra trường tỷ lệ thất nghiệp làm trái ngành cao…”
Trong nhiều năm trước, giáo dục đại học tại Việt Nam luôn được xem là con đường duy nhất và quan trọng nhất để đạt được thành công trong cuộc sống. Tuy nhiên, theo số liệu từ Bộ Giáo dục và Đào tạo, năm 2024 có hơn 122.000 thí sinh trong tổng số khoảng 673.600 thí sinh đã đỗ đại học nhưng từ chối nhập đại học, chiếm trên 18% tổng thí sinh trúng tuyển. (1) Con số này cho thấy nhiều vấn đề về sức hút của các trường đại học trong nước cũng như nhận thức của giới trẻ về giá trị của một tấm bằng đại học.
Với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ và thị trường lao động, những kiến thức lý thuyết hàn lâm mà các trường đại học trong nước đang giảng dạy đã không còn phù hợp với nhu cầu thực tế của xã hội. Nhiều chương trình đào tạo vẫn giữ nguyên những giáo trình cũ kỹ, thiếu tính cập nhật, và không theo kịp sự phát triển của ngành nghề. Điều này dẫn đến việc các bạn trẻ cảm thấy hứng thú với các phương pháp học tập thực tế hơn, có thể đem lại kiến thức và kỹ năng ngay lập tức để áp dụng vào công việc.
Không chỉ dừng lại ở chất lượng đào tạo, cách tổ chức và quản lý của nhiều trường đại học cũng đang trở thành vấn đề lớn. Việc thi cử, xét tuyển, tổ chức lớp học, và cả các thủ tục hành chính đều phức tạp, gây ra nhiều khó khăn và bất tiện cho sinh viên. Điều này tạo ra một môi trường học tập không lý tưởng, thậm chí làm mất đi động lực học tập của nhiều sinh viên.
Trong khi giáo dục đại học trong nước đang mất dần sức hút, các lựa chọn khác đang trở nên phổ biến và hấp dẫn hơn với giới trẻ. Những gia đình có điều kiện kinh tế tốt thường chọn cho con em mình con đường du học. Việc du học không chỉ mang lại kiến thức và bằng cấp quốc tế mà còn mở ra cơ hội trải nghiệm, phát triển bản thân trong môi trường đa văn hóa. Du học sinh sau khi tốt nghiệp có thể dễ dàng tìm kiếm việc làm trong các công ty đa quốc gia hoặc tự khởi nghiệp với vốn hiểu biết và mối quan hệ quốc tế.
Đối với những bạn trẻ không có điều kiện du học, họ cũng có nhiều lựa chọn khác như tham gia các khóa học nghề, học trực tuyến, hoặc thậm chí tự học thông qua các nền tảng học tập mở. Những khóa học này thường ngắn hạn, tập trung vào kỹ năng thực tiễn và có chi phí thấp hơn rất nhiều so với đại học. Nhiều bạn trẻ nhận ra rằng, để thành công trong sự nghiệp, việc có được kỹ năng cần thiết và khả năng thích ứng với môi trường làm việc quan trọng hơn nhiều so với việc sở hữu một tấm bằng đại học.
“Học phí cao, chi phí sinh hoạt cao, đào tạo thiếu thực tế so với yêu cầu cần tuyển, ra trường tỷ lệ thất nghiệp làm trái ngành cao. Giờ các cháu tôi thi đại học, tôi toàn nói học giỏi ngoại ngữ tiếng anh hoặc nhật, hàn, trung, đức, pháp,… Sau đó tìm đường xuất khẩu lao động, vừa được học nghề, vừa đi làm, vừa có tiền. Đi xuất khẩu lao động 5 năm nếu có về Việt Nam thì với vốn kinh nghiệm và ngoại ngữ tốt thì lương cao hơn đồng nghiệp là cái chắc. Tóm lại do chương trình giáo dục kém thực tế và tổng chi phí (phí học cao và phí sinh hoạt cao). Các học sinh nào nhà kinh tế trung bình tốt nhất là đi xuất khẩu lao động hoặc du học học nghề“, anh N.V.N nhận định với VNTB.
Một yếu tố không thể bỏ qua khi nói đến sự thờ ơ của các thí sinh đối với đại học trong nước là vấn đề chi phí. Học phí tại các trường đại học, đặc biệt là các trường có tiếng, ngày càng tăng cao, vượt quá khả năng tài chính của nhiều gia đình. Bên cạnh học phí, các chi phí sinh hoạt, ăn ở, đi lại cũng là gánh nặng lớn đối với sinh viên và gia đình. Nhiều sinh viên đỗ vào các trường đại học nhưng không đủ điều kiện tài chính để theo học, phải chấp nhận bỏ qua cơ hội này để tìm kiếm các lựa chọn khác.
Chị N.T.B ở TP.HCM cho biết: “Học 4 năm đại học chi phí cho một đứa con khoảng gần 500tr, nhà giàu thì được chứ nhà bình thường rất dễ vỡ nợ nếu sau khi ra trường con không tìm được công việc tốt. Nhưng việc tốt thì chỉ dành cho con ông cháu cha, nếu không thì phải có tiền lót đường.”
Việc theo học đại học không còn là con đường duy nhất dẫn đến thành công. Thay vì tiếp tục theo đuổi một nền giáo dục đại học được cho là lỗi thời và không đáp ứng được nhu cầu thực tế, nhiều bạn trẻ đã chọn con đường khác, mang tính thực tiễn và hiệu quả hơn. Điều này đòi hỏi các trường đại học phải thay đổi, nâng cao chất lượng đào tạo và cải thiện cách tổ chức để đáp ứng nhu cầu của xã hội và thu hút sinh viên quay trở lại.
Sự thay đổi trong tư duy của giới trẻ về giá trị của một tấm bằng đại học là một hiện tượng đáng chú ý. Điều đó cho thấy rằng, nếu các trường đại học không cải thiện chất lượng giáo dục và cách thức tổ chức, tình trạng thờ ơ với giáo dục đại học trong nước sẽ còn tiếp diễn. Các trường đại học cần phải xem đây là một cơ hội để đổi mới và tạo ra một môi trường học tập hấp dẫn hơn, không chỉ để giữ chân sinh viên mà còn để nâng cao vị thế của nền giáo dục Việt Nam trên trường quốc tế.
____________________
Tham khảo: