Việt Nam Thời Báo

VNTB – Hình sự hóa giao dịch dân sự trong vụ án Alibaba?

Hà Nguyên

 

(VNTB) – Vì sao để sự việc xảy ra kéo dài, trải rộng ở nhiều địa phương?

Bị cáo đầu vụ vụ án “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “rửa tiền” xảy ra tại Công ty cổ phần địa ốc Alibaba (Công ty Alibaba) bị đề nghị mức án chung thân.

Bào chữa cho bản thân sau mức án đề nghị đến chung thân, bị cáo Nguyễn Thái Luyện (chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Alibaba) nói rằng, “bị cáo không lừa đảo chiếm đoạt tài sản, công ty đang có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và trong quá trình kinh doanh, khách hàng được kiểm tra thường xuyên. Nếu tòa đồng ý xử lý theo vụ án dân sự thì hợp đồng nào khách hàng muốn tiếp tục vẫn đảm bảo, khách không muốn tiếp tục thì công ty sẽ thanh lý, trả lại tiền theo cam kết”.

Về phần dân sự trong vụ án tại Công ty Alibaba, Viện Kiểm sát đề nghị Hội đồng xét xử tiếp tục tạm giữ tài sản mà cơ quan điều tra đã tạm giữ, kê biên; buộc bị cáo Nguyễn Thái Luyện và Võ Thị Thanh Mai bồi thường hơn 2.400 tỷ đồng cho 4.550 người bị hại. Viện Kiểm sát cũng đề nghị Hội đồng xét xử buộc bị cáo Võ Thị Thanh Mai (vợ bị cáo Luyện) nộp lại 13 tỷ đồng đã lấy từ hành vi “rửa tiền”.

Ở đây có một về vấn đề pháp lý đặt ra từ đề nghị của Viện Kiểm sát.

Về nguyên tắc thì vật chứng trong vụ án hình sự là vật mang dấu vết của tội phạm, vật dùng để chứng minh hành vi phạm tội và các tình tiết khác trong vụ án – ở đây là “tiếp tục tạm giữ tài sản mà cơ quan điều tra đã tạm giữ, kê biên”.

Trong một vụ án hình sự, cơ quan điều tra thu thập rất nhiều tài liệu, đồ vật khác nhau. Tuy nhiên, không phải tài liệu, đồ vật nào cũng là vật chứng trong vụ án. Nếu tài liệu, đồ vật thu thập trong vụ án không phải là vật chứng và không thuộc trường hợp cấm lưu hành, thì đương nhiên phải trả lại.

Còn nếu tài liệu, đồ vật là vật chứng, thì phải xem xét tịch thu nộp ngân sách Nhà nước, tịch thu tiêu hủy hoặc trả lại cho chủ sở hữu. Do vậy, cần phải xác định rõ tài liệu, đồ vật nào là vật chứng, tài liệu, đồ vật nào không phải là vật chứng để có cơ sở xem xét, xử lý chứ không nên chung chung đề nghị “tiếp tục tạm giữ tài sản mà cơ quan điều tra đã tạm giữ, kê biên”.

Thông thường để giải quyết triệt để tài liệu, đồ vật trong một vụ án hình sự, có 4 trường hợp xử lý như sau: Vật chứng thuộc quyền sở hữu của bị cáo: Xử lý bằng cách bị tịch thu tiêu hủy hoặc tịch thu nộp ngân sách nhà nước.

Vật chứng thuộc quyền sở hữu, quản lý hợp pháp của người khác: Về nguyên tắc là phải trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp; nếu chủ sở hữu có lỗi trong việc quản lý tài sản, thì có thể bị tịch thu nộp ngân sách nhà nước. Vật không phải vật chứng thuộc quyền sở hữu của bị cáo: Trả lại cho bị cáo. Vật không phải vật chứng thuộc quyền sở hữu, quản lý hợp pháp của người khác: Trả lại cho chủ sở hữu.

Về thẩm quyền xử lý vật chứng, nguyên tắc, vụ án kết thúc ở giai đoạn nào, thì cơ quan đó có trách nhiệm ra quyết định xử lý vật chứng. Ví dụ: Vụ án đình chỉ ở giai đoạn điều tra, thì cơ quan điều tra sẽ xử lý, vụ án đình chỉ ở giai đoạn truy tố, thì Viện kiểm sát xử lý, vụ án đình chỉ ở giai đoạn chuẩn bị xét xử, thì Chánh án ra quyết định xử lý, nếu tại phiên tòa, thì Hội đồng xét xử xử lý.

Từ góc nhìn pháp lý trên, ở cụ thể vụ án Công ty Alibaba, cho thấy về hành vi của Nguyễn Thái Luyện xảy ra trong vụ án này, đúng như bào chữa của luật sư, rằng các thửa đất mà Nguyễn Thái Luyện chỉ đạo các nhân viên và người thân đứng tên mua được làm mặt bằng, làm đường, phân lô, thậm chí còn từng bị tỉnh Đồng Nai xử phạt vi phạm hành chính, thể hiện Nguyễn Thái Luyện chỉ vi phạm về lĩnh vực sử dụng đất đai, chứ không phải lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Do đó, phía luật sư bào chữa cho bị cáo Nguyễn Thái Luyện đề nghị hội đồng xét xử đổi tội danh cho bị cáo Luyện thành tội vi phạm quy định về sử dụng đất.

Ngoài ra các hành vi của bị cáo Luyện và liên quan đến hành vi của bị cáo Mai và Lực chỉ thỏa mãn với tội lừa dối khách hàng bởi các bị cáo đã quảng cáo sai sự thật để bán hàng; tức là một quan hệ dân sự. Do đó, phía luật sư bào chữa đề nghị hội đồng xét xử trả hồ sơ điều tra các bị cáo tội lừa dối khách hàng và vi phạm quy định về sử dụng đất.

Trong số hàng ngàn người bị hại đã đến làm việc với Tòa án nhân dân TP.HCM để yêu cầu Hội đồng xét xử vụ án tuyên buộc các bị cáo bồi thường lại số tiền đã chiếm đoạt, có người chỉ xin phần gốc, có người yêu cầu tính lãi. Thế nhưng, cũng có không ít người yêu cầu trả đất như trong thỏa thuận của hợp đồng.

Và nhìn tổng thể, nếu đã hình sự hóa các hợp đồng mua bán đất đai, cho thấy cần làm rõ trách nhiệm của cơ quan quản lý chuyên trách vì sao đã để xảy ra sự việc kéo dài, trải rộng ở nhiều địa phương, vì pháp luật về đất đai đã khẳng định rằng “đất đai thuộc sở hữu toàn dân do nhà nước đại diện chủ sở hữu. Nhà nước đại diện giao đất cho hộ gia đình, cá nhân, tổ chức sử dụng đất ổn định, lâu dài”.

Xem thêm: https://vietnamthoibao.org/vntb-dat-dai-co-phai-la-hang-hoa-ban-mua-hay-khong


Tin bài liên quan:

VNTB – “Quyền về lập hội” không nên tiếp tục là một “quyền treo”

Phan Thanh Hung

VNTB – Chính quyền cần phương cách giúp người dân không vi phạm pháp luật

Phan Thanh Hung

VNTB – Clip có đúng hay không để mà mang Luật an ninh mạng ra để dọa nhau?

Baraju T. Ogelefecejo

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.