VNTB – Hồ sơ: Hội thánh truyền giáo ở Sài Gòn

VNTB – Hồ sơ: Hội thánh truyền giáo ở Sài Gòn

Loan Thảo

 

(VNTB) – Từ khóa “Hội thánh truyền giáo Phục Hưng” đang được sự quan tâm vào loại bậc nhất, vì ‘trụ sở’ của tổ chức tôn giáo này khả năng là ổ dịch nguy hiểm nhất hiện nay đối với cư dân Sài Gòn.

 

“Hội thánh truyền giáo Phục Hưng” có nghi thức sinh hoạt tôn giáo ra sao khiến cho công chúng nghĩ rằng đây là “tội đồ” ở hiện tại?

Nhà chức trách Việt Nam cho biết, Hội thánh truyền giáo Phục Hưng thuộc tổ chức hệ phái Tin Lành, nhưng sinh hoạt độc lập tại nhà riêng của vợ chồng mục sư Phương Văn Tân – Võ Xuân Loan ở phường 3, quận Gò Vấp, TP.HCM. Đăng ký sinh hoạt tôn giáo của Hội thánh là 60 người, với các nội dung sinh hoạt tôn giáo: Cầu nguyện, thờ phụng, học kinh thánh, thông công, cúng các ngày lễ Tết, Phục sinh, Giáng sinh, Thương khó.

Lịch sinh hoạt tôn giáo của Hội thánh này: Cầu nguyện và học kinh thánh từ thứ 2 đến thứ 7, cầu nguyện và thờ phụng vào sáng và tối chủ nhật hằng tuần.

Ban Tôn giáo thuộc Sở Nội vụ TP.HCM cho biết trên địa bàn TP.HCM có 145 điểm, nhóm sinh hoạt giống như Hội thánh truyền giáo Phục Hưng – nghĩa là hoạt động theo giấy phép được chính quyền cấp xã, phường cấp.

Hiện tại thì trang web của Tổng Liên Hội – Hội Thánh Tin Lành Việt Nam, không thấy ý kiến ra sao về vụ việc lây lan dịch Covid của Hội thánh truyền giáo Phục Hưng. Ghi nhận trên trang web này thì hiện tại chỉ có 21 điểm nhóm tại TP.HCM, và trong danh sách không có Hội thánh truyền giáo Phục Hưng.

Chuyên mục “Hội Nhánh” ghi nhận tại TP.HCM có 7 hội nhánh, và cũng không có tên Hội thánh truyền giáo Phục Hưng.

Trong phần “Mục sư truyền đạo hưu trí”, không ghi nhận tên của vị mục sư nào liên quan đến thủ tục đăng ký Hội thánh truyền giáo Phục Hưng. Trong phần “Nữ truyền đạo” cũng không thấy ghi tên mục sư Võ Xuân Loan như ở thủ tục giấy phép hoạt động mà chính quyền quận Gò Vấp đã cấp cho Hội thánh truyền giáo Phục Hưng.

Ghi nhận trên trang web của “Mạng Lưới Tin Lành Việt Nam Toàn Cầu”, hiện tìm thấy một tin tức liên quan đến Hội thánh truyền giáo Phục Hưng, đó là bản tin “Hội Thánh Truyền Giáo Phục Hưng Truyền Giảng Giáng Sinh”, ghi ngày xuất bản là 23-12-2011.

Trở lại với thông tin được ông Nguyễn Duy Tân – Trưởng ban Tôn giáo TP.HCM, cho biết là “tổ chức tôn giáo này là điểm sinh hoạt tôn giáo theo điều 16 Luật tín ngưỡng tôn giáo cho phép. TP.HCM có 145 điểm như vậy. Hội thánh truyền giáo Phục Hưng được UBND phường 3, quận Gò Vấp, TP.HCM cho phép hoạt động từ năm 2006”.

Như tựa của bài “Hội thánh truyền giáo ở Sài Gòn”, người viết cho rằng các tổ chức tôn giáo như Hòa Hảo, Cao Đài vẫn có thể nhận được giấy phép hoạt động tương tự.

Một dẫn chứng, theo Cổng thông tin điện tử thành phố Đà Nẵng, trong bài “Hội thánh truyền giáo Cao đài Đà Nẵng” có viết rằng: Đạo Cao Đài ra đời năm 1926, có nguồn gốc từ Tây Ninh. Tại thành phố Đà Nẵng, Đạo Cao Đài có hai hệ phái: hệ phái Cao Đài Truyền Giáo và hệ phái Cao Đài Tây Ninh.

Từ năm 1934 đạo truyền ra miền Trung, của nhóm Tứ linh Đồng tử (Thanh Long, Bạch Hổ, Kim Quy, Xích Long) do Trần Công Ban làm trưởng đoàn. Đến năm 1956, một nhóm tứ linh đồng tử cùng các tín đồ xây dựng đền Thánh Trung Hưng Bửu Tòa và thành lập Trung ương Hội thánh truyền giáo Cao Đài, đặt trụ sở tại 63 Hải Phòng, thành phố Đà Nẵng.

Theo bài viết thì chính quyền thành phố Đà Nẵng cấp phép hoạt động cho cả hai hệ phái Cao Đài.

Tài liệu của Ban Tôn giáo Chính phủ cho biết, nhà nước Việt Nam đã công nhận 19 tổ chức, giáo hội Cao Đài như những pháp nhân độc lập. Như vậy thì tại sao không căn cứ về pháp lý tương tự Hội thánh truyền giáo Phục Hưng, để cấp phép về mặt thủ tục hành chánh đối với Nhóm tín hữu Cao Đài chơn truyền tại Thánh thất Cao Đài Phú Lâm (Phú Yên), và một số Thánh thất Cao Đài độc lập khác.

Tình hình tương tự cũng xảy ra với tôn giáo Hòa Hảo.

Riêng Phật giáo, thì tổ chức Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất về mặt quản lý hành chánh nhà nước tuy chưa được cấp phép hoạt động, song các tự viện thuộc hệ thống Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất vẫn sinh hoạt tôn giáo bình thường, không gặp trở ngại gì trong thu hút tín đồ cũng như hoạt động dân sự khác bên ngoài tự viện.

Có lẽ Quốc hội Việt Nam ở khóa mới, cần thể hiện chức trách lập pháp chuyên nghiệp hơn, hiệu quả hơn, tránh việc ‘nợ luật’/ lạc hậu luật quá lâu, khiến cụm từ “Nhà nước pháp quyền” luôn bị ngờ vực về tính hiệu quả trong quản trị quốc gia.


CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)