Đông Đô
(VNTB) – Bộ Quốc phòng mới đây có tờ trình Chính phủ về dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của nghị định quy định quân hiệu, cấp hiệu, phù hiệu và trang phục của Quân đội nhân dân Việt Nam.
Theo đó, Bộ Quốc phòng cho rằng mẫu cho quân nhân nam hiện nay chưa đảm bảo trang trọng, với nữ còn gò bó, chưa phù hợp nhiệm vụ. Do đó phía Tổng cục Hậu cần đã được giao thực hiện “Nghiên cứu, đề xuất mẫu lễ phục mới phục vụ Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhận dân Việt Nam” (22/12/1944 – 22/12/2024).
Cục Quân nhu đã tham mưu với Thủ trưởng Tổng cục Hậu cần trong xây dựng kế hoạch nghiên cứu, thiết kế, chế thử, thử nghiệm lễ phục mới của sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp trong Quân đội nhận dân Việt Nam; thành lập Ban Chỉ đạo, Ban Nghiên cứu, Tổ Giúp việc nghiên cứu lễ phục mới; triển khai sưu tầm, tìm hiểu tài liệu liên quan về lễ phục của Quân đội Việt Nam qua các thời kỳ; tham khảo trang phục của các lực lượng khác ngoài Quân đội. Đồng thời, đề nghị Tổng cục II, Cục Đối ngoại/Bộ Quốc phòng cung cấp tài liệu, hình ảnh về lễ phục của Quân đội một số quốc gia trên thế giới để tiến hành nghiên cứu, xây dựng ý tưởng thiết kế về chủng loại, mẫu mã, màu sắc của lễ phục mới thông qua bộ mẫu ảnh và phim về lễ phục mới.
Lễ phục K08 hiện tại theo đánh giá là cơ bản giống quân phục thường dùng, đặc biệt là lễ phục mùa đông cấp tá, cấp úy, chưa phân biệt được rõ ràng. Lễ phục mùa hè nam thiết kế áo ngắn tay, cổ mở sâu, khi mang mặc tham dự các buổi lễ, sự kiện và làm nhiệm vụ đối ngoại quốc phòng chưa bảo đảm lịch sự, trang trọng.
Lễ phục mùa hè nữ sử dụng váy, đi ghệt cao cổ tạo cảm giác gò bó, không thuận tiện khi sử dụng hàng ngày, tham gia sự kiện và thực hành động tác điều lệnh đội ngũ của quân nhân. Bên cạnh đó, nữ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp đội mũ mềm chưa thống nhất giữa nam và nữ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp trong quân đội.
Để khắc phục, Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo thiết kế, thử nghiệm mẫu lễ phục K24 mới. Mẫu mới giữ nguyên màu sắc, đảm bảo tính truyền thống của quân đội, tạo thuận lợi mua sắm, sản xuất, tiết kiệm ngân sách.
Về kiểu dáng, lễ phục mới được thiết kế gồm 2 loại lễ phục có lót và lễ phục không có lót, mục đích đáp ứng nhu cầu sử dụng của bộ đội trong các điều kiện thời tiết khác nhau ở các vùng miền. Bộ lễ phục mới được cho là thiết kế kiểu áo dài tay và quần dài; nữ sỹ quan, quân nhân chuyên nghiệp đội mũ kê-pi, sử dụng quần dài thay cho váy, đi giày thay cho ghệt cao cổ để đảm bảo tính lịch sự, thống nhất trong mang mặc; tạo sự tự tin, thuận tiện trong sử dụng, tham gia các sự kiện, các buổi lễ.
Lễ phục mới điều chỉnh thiết kế túi áo chìm có nắp, cài cúc; tay áo bổ sung lô-gô và viền bác-tay. Riêng viền bác-tay thiết kế kiểu dáng thống nhất giữa các quân chủng, binh chủng và phân biệt giữa sỹ quan cấp tướng (hình cành tùng) và sỹ quan, quân nhân chuyên nghiệp cấp tá, úy (hình bông lúa), tạo sự khác biệt nổi trội, sang trọng hơn so với lễ phục K08 trước đây.
Về nguyên liệu, vải chính may lễ phục sử dụng vải Gabadin len 60/40 (60% xơ polyester và 40% xơ len) đảm bảo độ bền, chống nhăn, chống nhàu, giữ được phom dáng khi mang mặc. Áo sơ mi trắng mặc trong sử dụng vải dệt từ xơ Bamboo (sợi tre) thân thiện với môi trường, mềm mại, thoáng mát; hạn chế nhăn, nhàu, ố vàng theo thời gian.
Bộ lễ phục mới sử dụng áo dài tay và quần dài cho nam (không có áo ngắn tay). Nữ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp sử dụng quần dài, đi giày thay cho váy và ghệt cao cổ. Lễ phục mới đều có mũ kê-pi đảm bảo tính thống nhất trong mang mặc, tạo sự tự tin, thuận tiện trong sử dụng và thực hành các động tác điều lệnh đội ngũ.
Ngoài ra, lễ phục K24 điều chỉnh thiết kế túi áo chìm, bổ sung logo và viền bác tay áo, nổi trội, sang trọng hơn so với mẫu cũ.
Một số tình tiết khác như áo thường dùng mùa hè vẫn dùng kiểu cổ đứng, chỉnh sửa lại để ve cổ áo cứng hơn, nhìn rõ hình phù hiệu. Thay việc gắn hình quân, binh chủng trực tiếp trên ve áo bằng gắn hình quân chủng, binh chủng trên nền phù hiệu như trước đây.
Hình phù hiệu chất liệu bằng đồng mạ màu vàng (không dùng loại nhôm trắng). Mẫu cấp hiệu cấp tướng sẽ điều chỉnh kích thước cho cân đối, mỏng và nhẹ hơn (theo mẫu đã cải tiến của Cục Quân nhu), bảo đảm độ phẳng tốt. Cấp úy, cấp tá dùng chung loại sao chân cài, khi sản xuất sẽ đồng bộ, gắn sẵn, bao gói theo từng cấp bậc.
Mũ kê-pi cũng sẽ có thay đổi. Mũ sĩ quan cấp tướng có hình bông lúa to hơn. Mũ của sĩ quan cấp úy sẽ giống như mũ của sĩ quan cấp tá (mũ thử nghiệm không có hình bông lúa gắn ở lưỡi trai). Dây lưng cấp tá, cấp úy luồn ra ngoài, bảo đảm khóa hãm tốt hơn, chất lượng được nâng cao. Vải may nguyên liệu phải ổn định màu sắc, chất lượng, được xây dựng tiêu chuẩn kỹ thuật chặt chẽ. Kỹ thuật đo may phải được thường xuyên rút kinh nghiệm bảo đảm thuận tiện, dễ sử dụng.
Quân phục may hàng loạt thì tổ chức mặc thử để kiểm tra hệ thống cỡ số trước khi sản xuất. Quân phục sĩ quan nữ, kể cả váy cần điều chỉnh lại một vài chỉ số để tạo dáng cho đẹp và hợp lý…
…Như vậy về mặt nguyên tắc thì vẻ ngoài sắp tới đây của bộ đội cụ Hồ sẽ… “đỏm dáng hơn – mốt hơn”, còn về tính “hiện đại hơn – chuyên nghiệp hơn” lại là lãnh vực khác, vì dẫu sao ít nhiều thì đây cũng thuộc… “cái áo không làm nên nhà tu” (!?).
1 comment
“Kinh phí Quốc phòng năm 2024 sẽ tăng vì… lễ phục”
Theo Phạm Đoan Trang, rất ôn hòa & có học . Tiên học lễ cũng nên áp dụng cho quân đội