Trần Dzạ Dzũng
(VNTB) – Nhất định sẽ lập nên những kỳ tích phát triển mới.
Ông Nguyễn Phú Trọng ‘đã đọc’ như vậy trong phần trình bày Báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về các Văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng.
“Với một đảng cách mạng chân chính, trong sạch, vững mạnh, có đủ bản lĩnh, trí tuệ, kinh nghiệm, uy tín lãnh đạo như Đảng ta, được nhân dân hết lòng tin yêu, ủng hộ, chúng ta sẽ có một sức mạnh to lớn, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, không thế lực nào ngăn cản nổi dân tộc ta đi lên, lập nên những kỳ tích mới trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước” – Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh.
“Lập nên những kỳ tích mới trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước” như khẳng định của ông Nguyễn Phú Trọng, sẽ được bắt đầu từ địa phương nào: Hà Nội, Sài Gòn/ TP.HCM, Đà Nẵng, hay Quảng Ninh?…
Theo bài báo đăng trên tờ VnExpress ngày 26-1, thì ông Nguyễn Thành Phong – chủ tịch UBND TP.HCM, đã chia sẻ với báo chí về phương hướng, mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội của TP.HCM trong nhiệm kỳ sắp tới, là: “TP.HCM sẽ giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế”.
Nghị quyết 129/2020/QH14 về phân bổ ngân sách trung ương năm 2021 tiếp tục xác định tỉ lệ % được giữ lại của 63 tỉnh thành, cho biết tỉ lệ điều tiết giữ lại của Hà Nội là 35%, và của TP.HCM là 18% – đây là tỉ lệ thấp nhất thế giới. Như vậy nếu Việt Nam có được những kỳ tích mới như lời cam kết của ông Nguyễn Phú Trọng, thì đó phải là “Kỳ tích sông Sài Gòn – cú chuyển mình của nền kinh tế thị trường có định hướng xã hội chủ nghĩa”.
Thuật ngữ này được sử dụng theo cách mà người ta đã gọi “Kỳ tích sông Hán” (còn gọi là “Kỳ tích sông Hàn”), một thuật ngữ chỉ sự phát triển thần kỳ của kinh tế Hàn Quốc những năm 1960 – 1970. Một số tài liệu cho rằng “Kỳ tích sông Hán” xảy ra từ sau Chiến tranh Triều Tiên đầu những năm 1950 đến trước cuộc khủng hoảng tài chính năm 1998.
“Kỳ tích sông Hán” bắt nguồn từ cụm từ “Kỳ tích của sông Rhine”. “Kỳ tích của sông Rhine” chỉ việc Tây Đức phục hồi nhanh chóng sau Thế chiến II. Nội các Hàn Quốc lúc bấy giờ sử dụng cụm từ “Kỳ tích sông Hán” để nhấn mạnh sự phục hồi thần kỳ của đất nước sau chiến tranh. Và Hàn Quốc trở thành một cường quốc kinh tế, một trong bốn “con rồng” kinh tế châu Á đầu thập niên 1990.
Kế hoạch kinh tế hiệu quả xuất phát từ nhu cầu thị trường kinh tế thế giới. Chỉ trong 10 năm, Hàn Quốc đã đạt được lượng xuất khẩu hàng hóa đủ để trả nợ nước ngoài. Những năm 1960, Seoul trở thành trung tâm sản xuất của Hàn Quốc. Chỉ trong một thời gian ngắn, Hàn Quốc đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hằng năm 7,6%, liên tục trong 40 năm.
Giai đoạn giữa những năm 1980, tổng doanh thu từ 5 tập đoàn kinh tế lớn chiếm gần 66% GNP. Samsung và Huyndai lọt top 50 doanh nghiệp lớn nhất thế giới. Giai đoạn năm 1973 – 1996, tăng trưởng kinh tế hằng năm đạt 11,2%.
Cuối năm 1995, Hàn Quốc đứng thứ 11 trong nhóm các nền kinh tế lớn trên thế giới. Cuối năm 2011, GDP của một người Hàn cao hơn cả mức trung bình của EU. Hiện nay, Hàn Quốc là nền kinh tế lớn thứ 4 châu Á và thứ 11 trên thế giới. Và dẫn đầu về các ngành công nghiệp đóng tàu, sản xuất chất bán dẫn.
Nhiều thương hiệu Hàn Quốc như Samsung, LG, Hyundai, Daewoo,… đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế Hàn Quốc và trong ngành công nghiệp thế giới.
Cái khác biệt giữa Việt Nam – Hàn Quốc – Tây Đức, là chỉ mỗi Việt Nam được ‘gắn’ thêm phần “định hướng xã hội chủ nghĩa” vào kinh tế thị trường.
Một điểm khác biệt nữa là Việt Nam đơn nguyên chính trị, nên không có động lực trong cạnh tranh về quyền quản trị. Do đó chỉ cần một trong những định đề mà ông Nguyễn Phú Trọng đặt ra bị ‘vướng’ về yêu cầu “phải luôn”, thì coi như kỳ tích sẽ vẫn chưa biết diện mạo thế nào.
Các định đề đó là “đảng cách mạng phải luôn chân chính, phải luôn trong sạch, phải luôn vững mạnh, phải luôn có đủ bản lĩnh, phải luôn trí tuệ, phải luôn kinh nghiệm, phải luôn uy tín lãnh đạo như Đảng”.
Tất cả là một thách thức quản trị quốc gia ở khóa 13 của Đảng cộng sản Việt Nam. Thách thức này nếu so với Hàn Quốc, thì đúng là một nan đề, khi mà sau khi thoát khỏi chiến tranh, người Hàn Quốc đã bị thôi thúc bởi quan niệm rằng “Ta đang bị chậm trễ”. Họ tin mình phải nỗ lực để bắt kịp các nước khác trên thế giới.
Còn Việt Nam, thì khác hẳn, đó là với sự anh minh của Đảng, dứt khoát sẽ lập nên kỳ tích…