Phương Nguyên
(VNTB) – Hai tháng liền, Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng ký lệnh “thanh tra ngay doanh nghiệp vàng, mua bán vàng miếng”.
Ngày 11-4-2024, Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo số 160/TB-VPCP kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại cuộc họp về các giải pháp quản lý thị trường vàng trong thời gian tới. Theo đó, yêu cầu các cơ quan chức năng tiếp tục thanh tra, kiểm tra thị trường vàng miếng trong nước.
Đến ngày 2-5-2024, Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp tục ban hành chỉ thị số 14 về triển khai nhiệm vụ điều hành chính sách tiền tệ năm 2024. Đối với thị trường vàng, Thủ tướng yêu cầu “thực hiện ngay công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động của các doanh nghiệp kinh doanh vàng. Đặc biệt là các cửa hàng, đại lý phân phối và mua bán vàng miếng, kiện toàn hệ thống thanh tra, kiểm tra bảo đảm thông suốt, gắn kết từ trung ương đến địa phương, hiệu lực, hiệu quả”.
“Không phải cứ có chuyện là kiểm tra mà cần phải có biện pháp căn cơ. Đó mới chính là bản lĩnh của người quản lý”, một ý kiến nhìn nhận như vậy từ ghi nhận thực tế có nhiều cửa hàng vàng đã chọn tạm đóng cửa để tránh “thanh tra, kiểm tra”.
Nhiều doanh nghiệp ngành vàng bạc, nữ trang nói rằng hoạt động thanh tra, kiểm tra với tần suất quá nhiều, cách thức thực hiện quá phiền hà như hiện nay đã và đang làm phát sinh chi phí cho doanh nghiệp.
Trong quá khứ, ngày 17-5-2017, khi ngỏ lời với cộng đồng doanh nhân trong hội nghị Thủ tướng gặp doanh nghiệp, khi ấy Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã giơ Chỉ thị 20 mà ông vừa ký và thông báo rằng: “Chỉ thị này quy định chỉ được thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp một lần/năm”.
“Các quy định không phù hợp thực tiễn, quá khắt khe đang tạo ra tình trạng lưỡng nan cho nhà kinh doanh. Nếu tuân thủ đúng thì không thể cạnh tranh và tồn tại được vì sự vi phạm quá phổ biến, thậm chí là công khai. Nếu không tuân thủ thì nguy cơ vi phạm pháp luật luôn lơ lửng trên đầu, họ như là con tin của nhiều công chức ‘nhiều quyền thiếu tâm’…” – Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhận xét.
Đứng từ góc độ doanh nghiệp, có ý kiến cho rằng, thanh tra giúp thúc đẩy môi trường kinh doanh lành mạnh, công bằng. Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, hoạt động thanh tra lại có thể gây nguy cơ gây phiền hà cho các đối tượng thanh tra, gây gánh nặng khi hoạt động thanh tra có thể bị trùng lặp.
Tuy nhiên đến nay Ngân hàng Nhà nước vẫn chưa thấy động tĩnh gì quanh yêu cầu sửa đổi chuyện độc quyền thị trường vàng miếng từ Nghị định 24/2012/NĐ-CP.
Thay vào đó lại là tăng cường việc dùng “thanh tra, kiểm tra” kéo dài đối với các doanh nghiệp ngành vàng có cửa hàng bán lẻ vàng và nữ trang chế tác. Mà theo Hội Mỹ nghệ kim hoàn đá quý TP.HCM thừa nhận, để tồn tại trước việc độc quyền đó, doanh nghiệp vàng phải mua vàng trôi nổi, nên khi thanh tra, kiểm tra sẽ bị vướng về mặt pháp lý, dẫn đến hàng loạt tiệm vàng tại TP.HCM chọn giải pháp tình thế là đành tạm đóng cửa.
Thực ra, chính quyền TP.HCM đã rõ điều này từ năm ngoái. Hồi tháng 11-2023, thực hiện Kế hoạch số 5511/KH-UBND ngày 7-11-2023 của UBND TP.HCM về việc tổ chức Hội nghị gặp gỡ, đối thoại giữa chính quyền Thành phố và doanh nghiệp năm 2023, Hiệp hội Doanh nghiệp Thành phố đã tổ chức lấy ý kiến, thu thập thông tin doanh nghiệp.
Sau đó, ngày 16-11-2023, Hiệp hội Doanh nghiệp Thành phố có Báo cáo số 666/HHDN-VP tổng hợp các khó khăn, kiến nghị của cả doanh nghiệp vàng bạc gửi thường trực UBND Thành phố cùng 25 sở, ngành và cơ quan liên quan, bao gồm cả Thanh tra, Công an TP.HCM.
Theo đó, đại diện Hội Mỹ nghệ kim hoàn đá quý TP.HCM thẳng thắn thừa nhận rằng: Hiện nay, đầu vào và đầu sản phẩm kim hoàn không minh bạch, doanh nghiệp muốn duy trì nghề chế tác kim hoàn buộc phải mua hàng trôi nổi. Điều này không chỉ gặp nhiều rủi ro, mà doanh nghiệp còn đối diện với việc làm không hợp pháp.
Trong khi đó, cơ quan chức năng quản lý vàng theo Nghị định số 24/2012/NĐ-CP ngày 3-4-2012. “Nghị định số 24/2012/NĐ-CP đã tồn tại 12 năm, có nhiều bất cập và không còn phù hợp. Hội Mỹ nghệ kim hoàn đá quý TP.HCM mong muốn chấp hành đúng pháp luật, đã nhiều lần kiến nghị, nhưng chưa có gì thay đổi. Khi các cơ quan chức năng vào cuộc thanh kiểm tra, hầu hết doanh nghiệp bị vướng về mặt pháp lý. Ngành này đóng góp ngân sách lớn, nhưng chưa được quan tâm”, đại diện Hội Mỹ nghệ kim hoàn đá quý TP.HCM phản ánh.
Từ thừa nhận của Hội Mỹ nghệ kim hoàn đá quý TP.HCM từ cuối năm 2023 cho thấy, thanh tra, kiểm tra chỉ là phần ngọn. Để giải quyết vấn đề tận gốc, cần giải pháp minh bạch, xóa độc quyền thị trường vàng, chống chệnh lệch giá vàng trong và ngoài nước.