Dân Trần
(VNTB) – Chủ tịch huyện nói rác do sóng biển cuốn vào chứ không phải do dân xả ra!
Với đường bờ biển dài hàng ngàn cây số và những bãi biển đẹp nên thơ, bờ cát trắng trải dài, đúng ra Việt Nam đã trở thành thiên đường du lịch, nếu không có rác và được đầu tư hiệu quả. Nhân dịp nghỉ dài ngày đợt nắng nóng, người dân khắp nơi đua nhau ra các bờ biển vui chơi, giải nhiệt. Nhưng thứ mà người dân tắm ở nhiều nơi lại không phải là nước biển, mà là rác…
Những hình ảnh rác thải tràn ngập trên bờ biển hoà vào dòng người vô tư nô đùa khiến dư luận dậy sóng về ý thức con người, về môi trường và trách nhiệm của cơ quan chức năng. Nổi bật nhất là hình ảnh hàng ngàn du khách hòa vào biển rác tại bãi biển khu vực bờ kè khu du lịch sinh thái Rạng Đông, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định vừa qua.
Rác không phải là câu chuyện mới. Mỗi năm, hàng triệu tấn rác thải nhựa và các loại vật liệu không thể tự phân huỷ khác đổ vào biển, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường và đời sống của hàng tỉ dân trên toàn thế giới. Từ những bãi biển hoang sơ đến những vùng biển đông dân cư, không gian đẹp tự nhiên này đều chìm trong rác thải. Những hình ảnh biển cạn trắng với lớp rác bồng bềnh trở thành điều không còn xa lạ nữa.
Nguyên nhân chính của tình trạng này là sự lãng phí và thiếu ý thức của con người. Rất nhiều loại rác thải, đặc biệt là các sản phẩm nhựa chỉ dùng một lần rồi được xả ra từ đất liền hoặc từ các tàu thuyền, đổ thẳng ra biển mà không có biện pháp xử lý nào.
Thế nhưng, lãnh đạo cộng sản lại đổ thừa rác là do biển tràn vô chứ không phải do con người đổ ra. Theo Hoàng Trọng Nghĩa – Chủ tịch UBND huyện Nghĩa Hưng (Nam Định) nói: “Khu vực này có rác thải không phải là do người dân, hay các ki ốt bán hàng xả rác bừa bãi. Rác ở đây từ nhiều nơi bị sóng biển cuốn trôi dạt vào, tùy từng thời điểm khác nhau mà lượng rác sẽ nhiều hay ít”.
Đây rõ ràng là ngụy biện, đổ lỗi cho thiên nhiên thay vì nhận lỗi để có biện pháp khắc phục hậu quả. Nhà chức trách cần phải coi lại cách xử lý rác tại địa phương, với lực lượng đảng viên, cán bộ, công an dày đặc như hiện nay thì chuyện quản lý rác thải không phải là khó đối với nhà cầm quyền. Chuyện dễ làm nhất là cho người đi gom rác để làm sạch bãi biển ngay trước mắt nhưng mà chính quyền Nam Định vẫn không thể thực hiện thì nói gì tới chuyện phân loại, xử lý rác theo đúng quy trình. Nên có lẽ xả thải ra biển thì đỡ tốn kinh phí hơn là xử lý rác trên cạn, lại còn có thêm cơ hội tham nhũng ngân sách.
Nhưng câu chuyện không chỉ là rác mà còn là ý thức của người dân trước những nguy hiểm trên bờ biển. Thấy rõ ràng là biển không sạch nhưng vẫn nhào xuống tắm, bất chấp nguy cơ bị bệnh về da, nhiễm khuẩn, bệnh đường ruột … Ngoài ra nhà chức trách đã có cắm hàng loạt biển cấm tắm tại khu vực này, hưng, vẫn có rất nhiều du khách bất chấp nguy hiểm, dẫn cả gia đình lớn nhỏ xuống biển vui chơi.
Những khu vực có cắm biển cấm tắm tức là có những dòng nước ngầm, hoặc nước sâu nguy hiểm. Hàng năm có hàng chục ngàn người gặp tai nạn khi tắm ở những khu vực biển nguy hiểm, hoặc đánh giá sai về khả năng bơi lội của bản thân. Ngoài ra với rác tràn lan trên bãi biển, thì sẽ ẩn chứa nhiều vật nhọn, kim tiêm, hoặc hóa chất độc hại. Vô tình đạp phải hoặc uống phải nước biển ô nhiễm vào người thì vô cùng nguy hại cho sức khỏe, thậm chí là tính mạng.
Rác, ô nhiễm môi trường đã là một vấn nạn lớn, nhưng việc chấp nhận tắm chung với rác và chấp nhận sống trong môi trường ô nhiễm lại càng là một nguy cơ đáng báo động về nhận thức của người dân. Khi mà người dân biết dơ, nhưng vẫn chấp nhận, thì làm sao biết đòi hỏi cái sạch, cái đẹp thì việc mong muốn cải cách xã hội có lẽ đã quá xa vời. Nhà nước cộng sản đã thuần hóa người dân chỉ biết cúi đầu chấp nhận thì khó lòng kỳ vọng về một xã hội văn minh, tốt đẹp, dân chủ…
______________
Tham khảo:
1 comment
Sống chung với lũ, tắm chung với rác, kính trọng trí thức đảng viên, phẫn nộ vì đảng viên 56 tuổi Đảng bị thiệt mạng, gia đình 3 đời có công với Cách Mạng, đáng kính trọng vì có thành tích, huy chương chống Mỹ …
Phàn nàn cái gì hổng bít nữa