Hoài Nguyễn – Thới Bình
(VNTB) – Gây thiệt hại 45 triệu đồng, một giám đốc Trung tâm Giáo dục thường xuyên lãnh án 5 năm tù.
Một bản án hết sức nặng nề
Ngày 24/4/2023, Tòa án nhân dân huyện Hưng Nguyên (Nghệ An) kết thúc phiên xử sơ thẩm, tuyên án 5 năm tù đối với bà Lê Thị Dung, nguyên Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên huyện Hưng Nguyên về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.
Theo hồ sơ vụ án, trong quá trình làm Bí thư chi bộ, Giám đốc Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện Hưng Nguyên, bà Lê Thị Dung đã chủ trì xây dựng quy chế chi tiêu nội bộ, trong đó có một số khoản chi không đúng quy định pháp luật.
Quá trình điều tra xác định đối với bà Lê Thị Dung có một số khoản thanh toán 2 lần cho một nội dung như đã nhận được phụ cấp cấp ủy nhưng vẫn được tính 3 tiết/tuần cho chức danh Bí thư chi bộ; đã được hỗ trợ khi đi học cao học nhưng vẫn được tính 2 tiết/tuần để thanh toán. Tổng số tiền gây thiệt hại cho ngân sách theo cáo trạng là hơn 48 triệu đồng, sau đó tại phiên tòa, Viện Kiểm sát đã rút xuống còn chưa đến 45 triệu đồng.
Do bà Dung thực hiện thanh toán nhiều lần trong nhiều năm, nên rơi vào trường hợp “phạm tội nhiều lần” và bị truy tố ở khung hình phạt 5 – 10 năm tù.
Trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử, bà Lê Thị Dung không nhận tội vì cho rằng, quy chế chi tiêu nội bộ đã được xây dựng công khai, minh bạch, đã gửi cho Phòng Tài chính và và Kho bạc Nhà nước huyện Hưng Nguyên để kiểm soát chi.
Quá trình thực hiện thanh toán công khai, đúng quy chế chi tiêu nội bộ, không có cơ quan có thẩm quyền khẳng định quy chế chi tiêu nội bộ của Trung tâm là sai.
Đấu đá nội bộ?
Tháng 10/2019, nhiều tòa soạn báo chí nhận đơn kêu cứu của bà Lê Thị Dung – Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên huyện Hưng Nguyên (Nghệ An) phản ánh về những kết luận vi phạm đối với bà tại quyết định 494/QĐ – UBND của Chủ tịch UBND huyện Hưng Nguyên là không đúng pháp luật, thiếu khách quan.
Trước đó, từ đơn khiếu nại của bà Dung về quyết định kỷ luật của Chủ tịch huyện, từ ngày 23/5/2019, UBND huyện Hưng Nguyên đã ra QĐ số 569/QĐ thành lập đoàn xác minh nội dung khiếu nại của bà Dung.
Tiếp đó, đến ngày 12/9/2019, UBND huyện Hưng Nguyên có văn bản số 193/KL-UBND kết luận sửa đổi, bổ sung một số nội dung KL số 11/KL – UBND ngày 14/1/2019 và KL 62/KL – UBND ngày 9/4/2019 của Chủ tịch UBND huyện về việc tố cáo đối với bà Lê Thị Dung. Tại KL số 193/KL-UBND này cũng chỉ rõ những tố cáo đối với bà Dung là có đúng, có sai.
“Tôi khẳng định rằng tôi chưa làm bất cứ điều gì trái pháp luật, còn trong công việc do có những đặc thù của giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên sau khi sáp nhập thì tôi thừa nhận có những sơ suất nhưng không gây ra hậu quả.
Tôi cho rằng ở lĩnh vực giáo dục thường xuyên thì việc tuyển dụng được nhiều học sinh đến trung tâm là điều đáng mừng vì đã thể hiện được vai trò của Trung tâm và đáp ứng được nhu cầu của mọi người”, bà Dung nói và cho rằng “liệu những sơ suất này có đến mức bị kỷ luật”.
“Tôi thấy UBND huyện làm việc thiếu trách nhiệm, kỷ luật không khách quan. Ngoài ra những người nằm trong hội đồng kiểm điểm và kỷ luật đã xúc phạm đến giáo viên và xúc phạm tôi. Tôi nhất quyết phản đối quyết định này”, bà Dung viết trong đơn.
Đòn thù của chính quyền?
Vào ngày 1/10/2012, ông Lê Văn Ngọ – Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Nghệ An – ký quyết định số 969 tuyển dụng cô Nguyễn Thị P.T – giáo viên hợp đồng môn Ngữ văn – vào biên chế, đến làm việc tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện Hưng Nguyên.
Theo kết quả xác minh, đó là quyết định tuyển dụng “chui”, do thực hiện không đúng quy trình, không có chỉ tiêu biên chế được phê duyệt, không thông qua hội đồng xét tuyển, phân công về cơ sở không có nhu cầu và hàng loạt vi phạm khác. Tuy nhiên, sau khi có đơn phản ánh, vào năm 2020, tỉnh Nghệ An đã không yêu cầu thu hồi quyết định tuyển dụng nói trên và đối tượng ký quyết định tuyển dụng chỉ bị yêu cầu “rút kinh nghiệm”.
Tuy nhiên, chuyện này đã dẫn đến sự việc bà Lê Thị Dung – Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên bị tố cáo và bị kỷ luật.
Cụ thể, vào năm 2018, bà Lê Thị Dung bị tố cáo 3 hành vi: Không chỉ đạo tổng hợp thực hiện các nội dung đã theo dõi tại sổ trực của ban giám hiệu và giáo viên trực, một số tháng không công khai minh bạch kết quả thi đua; cố tình phân công thời gian, tiết dạy cho một số giáo viên, tính số tiết kiêm nhiệm, số tiết thừa giờ cho một số cán bộ, giáo viên không đúng quy định; tuyển sinh lớp 10 năm học 2018 – 2019 vượt chỉ tiêu nhưng không không trình cấp có thẩm quyền bổ sung, điều chỉnh.
Bà Lê Thị Dung đã giải trình, khẳng định không vi phạm.
Cụ thể, ngành giáo dục không có quy định phải công khai kết quả theo dõi thi đua hàng tháng, tuy nhiên trong thực tế trung tâm vẫn công khai đầy đủ. Việc phân công giờ dạy cho giáo viên được thực hiện từ tổ chuyên môn, phó giám đốc phụ trách chuyên môn, giám đốc chỉ là người phê duyệt. Việc tính toán tiết kiêm nhiệm cho cán bộ, giáo viên trong thực tế chưa thanh toán.
Việc tuyển sinh thực hiện theo chức năng nhiệm vụ của Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên, danh sách tuyển sinh đã được Sở Giáo dục và Đào tạo phê duyệt. Trong thực tế, việc tuyển sinh vượt chỉ tiêu đối với các Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên là tốt, đáp ứng nhu cầu học tập suốt đời của con em trên địa bàn (như đã nói ở phần trên).
Mặc dù không chứng minh được tính chất vụ lợi, cố ý làm trái của các hành vi nói trên, cũng như không chứng minh được hậu quả trong các nội dung đơn thư tố cáo bà Lê Thị Dung, nhưng UBND huyện Hưng Nguyên vẫn ban hành quyết định kỷ luật khiển trách đối với bà Lê Thị Dung.
Trong đó, có việc bà Lê Thị Dung phải “gánh” hậu quả từ việc tuyển dụng sai trái của Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An. Do tuyển dụng không có chỉ tiêu dẫn đến bộ môn Ngữ văn có 2 giáo viên, trong khi 4 môn khác không có giáo viên nên trung tâm không thể bố trí đủ tiết dạy theo định mức.
Vì vậy, bà Dung bị tố cáo là “cố ý phân công thiếu giờ dạy cho một giáo viên Ngữ văn”, nhưng qua xác minh nội dung này không có căn cứ.
Bà Lê Thị Dung khiếu nại, UBND tỉnh Nghệ An xác định nhiều nội dung khiếu nại có căn cứ, quá trình xử lý của huyện Hưng Nguyên có nhiều sai sót. Cụ thể: “Chủ tịch UBND huyện Hưng Nguyên còn một số sai sót về thực hiện nguyên tắc trong xử lý kỷ luật; áp dụng hình thức kỷ luật; tính chất, mức độ của hành vi vi phạm pháp luật. Những sai sót này có ảnh hưởng đến việc xử lý kỷ luật bà Lê Thị Dung”.
Tỉnh Nghệ An yêu cầu kiểm điểm đối với các cá nhân tham mưu quyết định kỷ luật, tuy nhiên không thu hồi, hủy bỏ quyết định kỷ luật đối với bà Lê Thị Dung, mà lại giao quyền quyết định cho UBND huyện Hưng Nguyên.
Cụ thể, tại quyết định số 639 ngày 6.3.2020, UBND tỉnh Nghệ An giao huyện Hưng Nguyên có thể tùy ý “thay đổi hình thức kỷ luật” hoặc “không thay đổi hình thức kỷ luật” đối với bà Lê Thị Dung.
…Và như những gì vừa diễn ra, bà Lê Thị Dung đã nhận bản án 5 năm tù ở phiên sơ thẩm, về “Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn khi thi hành công vụ”.
1 comment
ở xứ đông lào đừng nói đến pháp luật và công lý, có quan chức tham nhũng hàng triệu đô la vẫn hưởng án treo kìa