VNTB – Mua điện áp mái giá 0 đồng: phiên bản từ mua ngân hàng 0 đồng?

VNTB – Mua điện áp mái giá 0 đồng: phiên bản từ mua ngân hàng 0 đồng?

Trường Sơn

 

(VNTB) – Sở dĩ có những ngân hàng “0 đồng”, mua điện “0 đồng” vì đây là nền kinh tế thị trường có định hướng xã hội chủ nghĩa (!?).

 

EVN là công ty đại diện cho Nhà nước đứng ra mua điện. Trong khi Nhà nước cam kết phát thải ròng = 0 vào năm 2050. Nếu cứ mua điện mái nhà với giá = 0 và không khuyến khích điện mặt trời như hiện nay thì liệu cam kết 2050 có thành hiện thực?

Lúc còn đương chức, sáng hôm 24-10-2023, phát biểu thảo luận về tình hình kinh tế – xã hội ở Tổ tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội Khóa XV, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng cho rằng, “10 năm qua vẫn chưa giải quyết được ngân hàng 0 đồng nào, thậm chí đã có chủ trương cơ cấu lại các ngân hàng 0 không đồng nhưng đến giờ, chúng ta cũng chưa xử lý dứt điểm được cái nào”.

Từ thời điểm bị đưa vào kiểm soát đặc biệt năm 2015, trải qua gần 1 thập kỷ, DongABank và các ngân hàng mua giá “0 đồng” OceanBank, CBBank, GPBank không còn công khai báo cáo tài chính.

Trong quá trình chờ chuyển giao bắt buộc, hồi tháng 3 năm ngoái, trên website ngân hàng DongABank từng tiết lộ huy động vốn từ khách hàng của ngân hàng đạt 98% kế hoạch năm 2022, trong đó riêng tiền gửi tiết kiệm tăng 11% so với đầu năm 2022. Theo đó, yếu tố giúp DongABank duy trì kinh doanh là nguồn tiền gửi trung, dài hạn tiếp tục được duy trì với tỉ lệ gần 42%. Năm 2022, dư nợ cho vay đạt 102% kế hoạch năm.

Còn tại Oceanbank, đầu năm 2023, tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ kinh doanh năm, Chủ tịch hội đồng quản trị OceanBank cho biết với sự hỗ trợ tích cực của MB và VietinBank, OceanBank đã hoàn thành các chỉ tiêu tài chính cơ bản năm 2022. Theo đó, tổng tài sản đạt 104,7% so với kế hoạch được giao, tăng 15,1% so với năm 2021. Dư nợ tín dụng tăng 12% so với năm 2021; Xử lý nợ đạt trên 900 tỷ đồng, đạt 110% kế hoạch năm. Lợi nhuận hoàn thành 307% chỉ tiêu kế hoạch Ngân hàng Nhà nước giao.

Ghi nhận tại CBBank, các thông tin trên website chính thức của ngân hàng cho hay, năm 2022 là năm đầu tiên kể từ khi tái cơ cấu, CBBank chính thức được Ngân hàng Nhà nước phê duyệt kế hoạch kinh doanh và cũng hoàn thành 100% các chỉ tiêu. Trong số này, tổng số dư huy động đạt hơn 20.000 tỷ đồng; tăng ròng tín dụng khách hàng doanh nghiệp và bán lẻ đều đạt trên 5.000 tỷ đồng.

Ở các nước trên thế giới, khi một ngân hàng phá sản, người gửi tiền, mua trái phiếu… của ngân hàng sẽ phải chịu thiệt hại, mất vốn. Thế nhưng, tại Việt Nam, Nhà nước cam kết một cách chắc chắn rằng người gửi tiền vào bất kỳ ngân hàng nào cũng đều được Nhà nước đảm bảo. Do vậy nên mới có ngân hàng “0 đồng” của một kiểu “sống mòn”.

Nay thì có thêm “phiên bản” 0 đồng trong chuyện mua điện mặt trời.

Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên đã nhiều lần khẳng định: “Không mua bán điện mặt trời mái nhà”. Bộ trưởng một mực cho rằng nếu cho phép được thực hiện mua bán thì sẽ gây ra tình trạng phát triển ồ ạt, khó kiểm soát công suất nguồn, đặc biệt sẽ dẫn tới tình trạng mất cân đối nguồn điện, gây áp lực lên hệ thống truyền tải điện quốc gia, mất an toàn lưới điện.

Câu hỏi đặt ra là ở tầm Bộ trưởng, tại sao ông Nguyễn Hồng Diên không yêu cầu Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) – đơn vị độc quyền bán lẻ điện hiện nay, cần nâng cấp hệ thống điều động điện của mình để phù hợp với tình hình sản xuất năng lượng mới, theo kịp xu hướng thế giới?.

Theo đó, một giải pháp hiện bắt đầu được sự quan tâm trên thế giới là cho thuê hạ tầng. Nhà phân phối điện sẽ xây một số trạm pin để dự trữ năng lượng trong dân. Như vậy, năng lượng điện mặt trời mái nhà không bán vào lưới tổng mà được dự trữ cục bộ ở các trạm này. Người dân muốn bán điện thì trả tiền thuê hạ tầng theo tháng.

Có một giải thích: sở dĩ có những ngân hàng “0 đồng”, mua điện “0 đồng” vì đây là nền kinh tế thị trường có định hướng xã hội chủ nghĩa (!?).

 


 

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)