VNTB – Phan Quốc Việt mua hàng triệu Đô la tiền mặt để hối lộ

VNTB – Phan Quốc Việt mua hàng triệu Đô la tiền mặt để hối lộ

Hàn Lam

 

(VNTB) – Phan Quốc Việt, Tổng giám đốc Công ty Việt Á, khai đã phải mượn tiền bạn bè rồi đổi sang tiền USD để hối lộ, “cảm ơn” 2 cựu bộ trưởng Nguyễn Thanh Long, Chu Ngọc Anh cùng nhiều quan chức khác.

 

Bị cáo Việt khai 2 lần đưa tiền với tổng cộng 350.000 USD cho Trịnh Thanh Hùng vì bị cáo này đã “rất trách nhiệm giúp Công ty Việt Á” nên “chia sẻ với nhau theo tinh thần Á Đông”. Bị cáo Việt còn đưa cho Nguyễn Văn Trịnh 200.000 USD, Nguyễn Nam Liên, cựu vụ trưởng Vụ kế hoạch, tài chính (thuộc Bộ Y tế), 100.000 USD. Ngoài ra, Việt khai đã chi tiền cho Chu Ngọc Anh 200.000 USD và Phạm Công Tạc, cựu thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ 50.000 USD; Phạm Xuân Thăng, cựu bí thư Hải Dương 100.000 USD.

Cựu bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long bị cáo buộc nhận hối lộ tới 2,25 triệu USD để tạo điều kiện cho Công ty Việt Á trong quá trình cấp phép lưu hành, bán kit xét nghiệm.

Trên thực tế thì thủ tục hành chính cho việc mua ngoại tệ hợp pháp ở Việt Nam không hề dễ dàng. Theo đó phía cần mua ngoại tệ buộc phải có các thủ tục như sau: Giấy đề nghị/Hợp đồng mua bán ngoại tệ (theo mẫu của ngân hàng cụ thể giao dịch) – Hồ sơ chứng minh mục đích sử dụng ngoại tệ – Chứng từ cần thiết khác theo quy định của Ngân hàng Nhà nước để đảm bảo rằng tiền ngoại tệ sẽ được sử dụng cho các mục đích hợp pháp.

Nếu Việt Á cần mua ngoại tệ để thanh toán hợp đồng ngoại thì các giao dịch sẽ là chuyển khoản, không có việc giao dịch tiền mặt ngoại tệ.

Mẫu “Giấy đề nghị” thường có các câu sau: Chúng tôi cam đoan sử dụng số ngoại tệ trên đúng mục đích và tuân thủ quy chế quản lý ngoại hối của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Trong trường hợp đến hạn thanh toán cho nước ngoài mà chưa mua được ngoại tệ từ nguồn giao ngay, chúng tôi cam kết chủ động lo nguồn ngoại tệ để thanh toán. Trong trường hợp chuyển tiền trước khi nhận hàng, chúng tôi cam kết chuyển trả ngân hàng bộ chứng từ và tờ khai hải quan đầy đủ, khớp đúng ngay sau khi nhận hàng.

Lưu ý: Giao dịch chỉ có giá trị khi có chữ ký của đại diện cả Ngân hàng và Doanh nghiệp.

Ngay cả việc mua ngoại tệ để đi du lịch cũng bị hạn chế là ở mức 100 USD/1 người/1 ngày hoặc các loại ngoại tệ khác có giá trị tương đương trong khoảng thời gian lưu trú ở nước ngoài là 10 (mười) ngày. Hạn mức ngoại tệ này cũng được áp dụng đối với trẻ em chung hộ chiếu với cha hoặc mẹ.

Trở lại với vụ án Công ty Việt Á.

Nếu thật sự có các khoản ngoại tệ được mua – bán cho chuyện “cảm ơn” như hồ sơ cáo trạng, vậy thì cần xem xét cả trách nhiệm từ phía ngân hàng đã bán ngoại tệ có tuân thủ đúng các quy định hiện hành hay chưa? Chứng từ tài chính ‘sao kê’ ở ngân hàng ghi nhận thực tế ra sao về những khoản ngoại tệ mà Phan Quốc Việt đã khai?

Từ góc nhìn thuần chuyên môn, khi để xảy ra chuyện hối lộ bằng ngoại tệ kể trên thì phía quản lý ngân hàng nhà nước không thể coi là vô can. Theo đó tại điều 10 “chế độ báo cáo” của Thông tư 24/2018/TT-NHNN, thì, “Tổ chức tín dụng được phép thực hiện báo cáo tình hình mua, bán ngoại tệ tiền mặt với cá nhân theo quy định của Ngân hàng Nhà nước về chế độ báo cáo thống kê áp dụng đối với các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài”.

Như vậy về nguyên tắc thì Vụ Ngoại hối của Ngân hàng Nhà nước phải có trách nhiệm giám sát việc mua – bán ngoại tệ từ chế độ báo cáo thống kê, qua đó tin chắc rằng sẽ phát hiện ra về giao dịch bất thường kiểu như đến 2,25 triệu USD mà Phan Quốc Việt đã ‘gửi’ cho Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long.


 

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)