Thiên Điểu
(VNTB) – Việc tiến hành tuần tra trên Biển Đông đúng vào dịp Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng qua Mỹ và dự kiến sẽ được đón tiếp với nghi lễ nguyên thủ có thể xem là thông điệp thiện chí cao nhất của chính quyền Mỹ với chính quyền Việt Nam.
Ngay sau khi đưa ra thông báo “dự định tiến hành tuần tra ở Biển Đông” bởi đề xuất của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter vài ngày, chiến hạm Mỹ đã lập tức xuất hiện ở vùng hải phận quốc tế quanh khu vực Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam trên Biển Đông.
Động thái “nói làm ngay” của Mỹ trong việc đưa quân tuần tra lần này có thể nói là bước đi đột phá đặc biệt quan trọng trong cả chính trị lẫn hiệu quả của chiến lược xoay trục mà Tổng thống Mỹ Obama tiến hành mấy năm nay.
Không ồn ào như nước cờ giàn khoan 981 của Trung Quốc vào Biển Đông hồi tháng 5/2014 nhằm đe nẹt Việt Nam trước thềm Hội nghị TW 10, gián tiếp dằn mặt Mỹ về ý định can thiệp vào mưu đồ độc chiếm Biển Đông theo bản đồ đường lưỡi bò, động thái của Mỹ thật sự khiến mọi tính toán của chính quyền Việt Nam lẫn Trung Quốc đảo chiều.
Ai cũng biết Việt Nam có lợi lớn nhất trong động thái này. Nhưng nó cũng không hẳn là lựa chọn mà các lãnh đạo Việt Nam mong muốn – ít nhất là vào lúc này.
Thiện chí cao nhất
Sau những loay hoay, bế tắc bởi các hoạt động và tuyên bố thuần túy ngoại giao, việc Mỹ cho Hải quân tuần tra ở Biển Đông là câu trả lời rõ ràng và mạnh mẽ nhất của chính sách Mỹ với khu vực đang nóng và nhạy cảm bậc nhất thế giới. Có thể nói đây cũng là nước cờ cao tay chúng tỏ bản lĩnh siêu cường và sức mạnh Mỹ. Mọi cam kết, thông điệp ngoại giao đã được thể hiện bằng hành động.
Bằng nước đi dứt khoát, không có vẻ gì là có chuẩn bị đầy đủ từ trước – chỉ ra thông báo “dự định” nhưng lập tức hành động – Mỹ đã đặt cả Việt Nam lẫn Trung Quốc là hai nước có quan hệ mật thiết nhất đến tình hình căng thẳng ở Biển Đông vào những lựa chọn bắt buộc và không ít khó khăn trong đối sách của mình.
Phía Trung Quốc, việc Cục hải sư ra tuyên bố sẽ đưa giàn khoan 981 trở lại rõ ràng là thông điệp đối phó nhằm phản ứng với hành động của Mỹ vì thời điểm hiện tại, Trung Quốc không có lý do nào cần thiết để gây sức ép lên chính quyền Việt Nam vào thời điểm này. Phản ứng gay gắt của Trung Quốc qua các tuyên bố ngoại giao cho thấy sự tức giận thế nào. Nhưng hành động đưa giàn khoan 981 vào Biển Đông lần này chắc chắn không mang lại hiệu quả như mong muốn mà Trung Quốc cần có đối với Mỹ. Ở vị trí hiện tại của Trung Quốc, mọi hành động ngông cuồng, áp đặt trên Biển Đông như đã từng làm với Việt Nam năm 2014 chắc chắn không thể xảy ra với Hải quân Mỹ dù ở mức độ thấp hơn rất nhiều.
Sau thất bại về chính trị khi áp đặt lên Hồng Kông và Đài Loan mấy năm qua, thất bại trong việc ngăn chặn Hải quân Mỹ tuần tra Biển Đông sẽ buộc Trung Quốc phải chấp nhận quay về vị trí thứ hai hoặc song hành với Mỹ đúng như các cam kết đã đưa ra chứ không thể đi tiếp các nước cờ mang tính đe nẹt như trước đây.
Về phía Việt Nam, việc tiến hành tuần tra trên Biển Đông đúng vào dịp Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng qua Mỹ và dự kiến sẽ được đón tiếp với nghi lễ nguyên thủ có thể xem là thông điệp thiện chí cao nhất của chính quyền Mỹ với chính quyền Việt Nam. Nhưng những hoạt động xung quanh khác liên quan Việt Nam cũng ngầm ra thêm một thông điệp khác buộc chính quyền Việt Nam phải minh bạch, rõ ràng hơn trong quan hệ với Mỹ. Bao gồm cả những vấn đề về nhân quyền liên quan đàm phán TPP đang còn tồn tại giữa hai bên.
Chính quyền Việt Nam thừa hiểu hành động của Mỹ sẽ làm gia tăng các sức ép từ Trung Quốc lên Việt Nam. Nhưng chắc chắn cũng hiểu rằng không có nhiều cơ hội cho lựa chọn đối sách “đu dây” nhùng nhằng như trước đây.
Câu hỏi đặt ra với các bên trong thời gian tới là gì?
Mũi tên đã rời cung không thể quay lại
Mỹ chắc chắn không dừng hoạt động tuần tra đã triển khai vì nó sẽ là thông điệp “Mỹ sợ Trung Quốc”, không phải chỉ với Việt Nam mà cả Philippines và Nhật, Hàn… – các nước đã có Hiệp ước liên minh quân sự toàn diện với Mỹ từ trước. Lý do đơn giản là vì các nước này cũng có chung nhiều quan ngại trực tiếp trước yếu tố Trung Quốc với nước họ và cả trong khu vực. Như vậy: Các mâu thuẫn và rắc rối (nếu có) mà Mỹ đặt ra không thể không xuất hiện, vấn đề bắt buộc là các bên phải đưa ra giải pháp thế nào.
Một thông điệp rất Mỹ và rất hiệu quả!
Hải quân Mỹ tuần tra trên Biển Đông sẽ nhanh chóng tiếp theo là tuần tra chung với sự góp mặt ít nhất là của Philippines, Hàn Quốc và Nhật Bản (đã ra thông báo). Một nước đi thiếu kiềm chế, khôn ngoan từ Trung Quốc sẽ châm ngòi cho một cuộc chiến không tránh khỏi với Mỹ và liên minh của Mỹ. Trung Quốc chắc chắn không dám mạo hiểm với những tính toán tiềm ẩn rủi ro trong kịch bản này.
Động thái mạnh mẽ nhất mà Trung Quốc có thể thực hiện là dùng các quan hệ có sẵn với chính quyền và hệ thống kinh tế hiện đang bị Trung Quốc chi phối ở Việt Nam hòng ngăn chặn Việt Nam ngả hẳn qua Mỹ. Qua đó có thể tính toán các biện pháp ép chính quyền Việt Nam làm thay họ những thông điệp với Mỹ mà họ cần có. Đây cũng là thủ đoạn thường dùng mà các chính khách Trung Quốc vẫn áp dụng lâu nay. Nhưng với hành động của Mỹ theo kiểu “việc đã rồi” thì các tính toán kiểu này cũng bị giảm đi đáng kể khả năng thành công.
Dù chỉ là khả năng rất nhỏ có thể xảy ra, chính quyền Việt Nam cũng không thể không cân nhắc đến các tình huống xấu nhất giữa Mỹ-Trung liên quan Biển Đông.
Một viễn cảnh tồi tệ về kinh tế trước sức ép của Trung Quốc là điều khó tránh khỏi. Lưỡi hái “phụ liệu công nghiệp” có lẽ sẽ là ngón đòn quan trọng đầu tiên mà Trung Quốc sẽ ra tay với Việt Nam khi mà hiện tại nguồn cung cho Việt Nam đang lệ thuộc gần như 100% từ Trung Quốc. Kế tiếp sẽ là khai khoáng. Trong bối cảnh giá khoáng sản thế giới sụt giảm nặng thì ngành khai khoáng Việt Nam khó đứng ngoài vòng hệ lụy khi thị trường chính – dù với giá rẻ mạt – cũng chủ yếu là xuất cho Trung Quốc để trả nợ.
Vũng lầy suy thoái chưa có đường ra cộng với những âm mưu, chiêu trò của thương nhân được chính quyền Trung Quốc chống lưng đối với ngành nông nghiệp Việt Nam suốt bao năm qua sẽ dồn chính quyền đến chân tường nếu không có một chỗ dựa vững chắc từ bên ngoài. Phải chăng cuộc gặp của ông Nguyễn Phú Trọng với Tổng thống Obama là động thái tìm kiếm mục tiêu này? Nếu vậy thì với năng lực đã thể hiện của mình lâu nay, việc trông cậy vào ông Tổng bí thư không khác gì một cú đặt cược cầu may hay trò chơi xổ số (!)