Việt Nam Thời Báo

VNTB – Năm nào nghề đánh cá ở Nghệ An cũng gặp cảnh thua lỗ

Huỳnh Liên

(VNTB) – Ra khơi là thua lỗ, chuyến sau không bù được chuyến trước, nên chẳng mấy ai mặn mà ra khơi…

 

Dọc cảng Lạch Quèn, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An những ngày này, tàu cá neo đậu chật kín hai bên bờ. Ngư dân Nguyễn Văn Hải, trú xã An Hòa, huyện Quỳnh Lưu, kể sau những chuyến ra khơi “lấy lộc” đầu năm, phần lớn ngư dân đều đã neo tàu, tạm dừng hoạt động.

“Thời tiết mấy hôm nay không thuận lợi, nhưng cái chính vẫn là ra khơi thua lỗ, chuyến sau không bù được chuyến trước, nên chẳng mấy ai mặn mà ra khơi” – ngư dân Hải nói và chỉ tay về phía những con tàu neo đậu kín lạch sông. Theo ông Hải, nhiều tàu nằm bờ từ tháng này qua tháng khác. Một số tàu đã được chủ tháo và mang hết đồ đạc, dụng cụ về nhà, chỉ còn con tàu trống.

Giá dầu liên tục tăng cao khiến ngư dân phải neo bờ cũng là lấy do được nhắc đến trong bối cảnh sản lượng đánh bắt đang sụt giảm liên tục nhiều năm liền.

Ông Nguyễn Tử Cương, Trưởng ban phát triển thủy sản bền vững Hội Nghề cá Việt Nam cho biết, trong cơ cấu chi phí hoạt động đánh bắt thủy sản của ngư dân, giá dầu chiếm gần một nửa. Việc giá dầu tăng chóng mặt đang ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động đánh bắt của ngư dân, giờ họ cứ ra khơi là lỗ nên rất cần sớm có chính sách hỗ trợ.

Ông Nguyễn Việt Thắng, Chủ tịch Hội nghề cá Việt Nam cho rằng, so với các hoạt động khác, việc đánh bắt cá của ngư dân còn có ý nghĩa khẳng định chủ quyền an ninh biển đảo. “Trước đây, Chính phủ có Nghị quyết 48 hỗ trợ ngư dân đánh bắt xa bờ, trong đó có hỗ trợ dầu theo chuyến. Trong bối cảnh giá dầu tăng và dịch bệnh khó khăn, Chính phủ cần có chính sách hỗ trợ ngư dân, nhằm đảm bảo hoạt động bám biển diễn ra ổn định”, ông Thắng kiến nghị.

Câu chuyện không mới.

Năm 2020, do giá nhiên liệu tăng, trong khi sản lượng hải sản thu được quá thấp, thu không đủ chi, ngư dân Nghệ An lỗ 30 – 50 triệu đồng/chuyến biển.

Ghi nhận trong một báo cáo của Hội Nghề cá Việt Nam, cho biết đầu năm 2020 tại xã Diễn Bích (Diễn Châu, Nghệ An) có hơn 100 tàu, tức chiếm hơn nửa số tàu đánh bắt xa bờ đều không ra khơi, đến tháng 7-2020, sản lượng đánh bắt của ngư dân Diễn Bích chỉ đạt 2.500 tấn, bằng 25% kế hoạch năm.

Đã có 7 chiếc tàu công suất 400 CV được ngư dân trong xã bán. Ngư dân Nguyễn Hằng ở xã Quyết Thành đóng con tàu 400 CV cách đó hai năm, trị giá 1,5 tỷ đồng, nhưng rồi làm ăn thua lỗ vì giá dầu tăng cao, nhân công khó khăn, nợ ngân hàng đến kỳ chưa xoay xở được, để tránh tàu hư hỏng do nằm bờ dài ngày, bà Hằng đã phải đắp bạt cho con tàu, rao bán.

Báo cáo của Hội Nghề cá Việt Nam cho biết, nhiều tàu của ngư dân Diễn Bích cập bến với những chồng khay để không, hoặc chỉ là một ít cá nhỏ, các loại hải sản truyền thống trong vụ nam có giá trị cao thì cũng vắng bóng, đa phần là các loại cá tạp, giá trị thấp.

Diễn Bích nằm sát biển, hơn 12.000 người sống chen chúc trên diện tích chưa đầy 3 km2, không có tấc ruộng nào. Từ nhiều đời nay, người dân ở đây sống bằng nghề bám biển, đánh giã cào, đánh trong lộng rồi vươn ra khơi.

Số liệu thống kê cho biết trong nửa đầu năm 2020, toàn huyện Diễn Châu đã có 60 tàu lớn nhỏ của ngư dân bị bán đi. Khó đánh bắt nên nhiều chủ tàu buộc phải thay đổi phương thức khai thác, từ xa bờ chuyển sang gần bờ để tiết kiệm nhiên liệu, ngày công nhưng lại vi phạm đánh bắt trái tuyến.

Trong đợt tăng giá xăng dầu hôm 1-3-2022, ngư dân Nguyễn Văn Thương (53 tuổi, trú xã An Hòa, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An) đã quyết định tạm dừng ra khơi với lý do: “Chi phí mỗi chuyến đi biển hết ít nhất 35 triệu đồng, trong đó dầu đèn đã chiếm 2/3. Nếu chuyến đi may mắn trúng luồng cá còn có tiền trang trải, còn không thì chịu lỗ nặng, xem như đi tìm ngư trường”.

Ông Thương cho biết số tiền thu được trong hai chuyến biển sau Tết Nguyên đán vừa qua không đủ trả hết các chi phí như lương bạn thuyền, xăng dầu, gas, đá lạnh…

Bi quan hơn, “Qua Đài Loan cũng đi biển, đi từng ngày về nhưng mỗi tháng còn kiếm được 20-30 triệu đồng, còn ở nhà đi từ đầu năm đến cuối năm cũng chỉ vài chục triệu, sao mà sống nổi. Cả làng giờ thanh niên đều làm hồ sơ đi xuất khẩu cả, người không đi được cũng bỏ tàu, kiếm nghề khác” – bạn biển Thái Văn Vương (24 tuổi) nói và cho biết đang làm thủ tục để đi lại nước ngoài vì thu nhập từ việc đi biển ở nhà không đủ trang trải cuộc sống.


Tin bài liên quan:

VNTB – Bàn làm việc giản dị của Tổng bí thư?!

Phan Thanh Hung

Tổng kể năm 2020 – Tôi đã vỡ lẽ về sự thất bại tất yếu của đổi mới giáo dục như thế nào?

Phan Thanh Hung

VNTB – Ngư dân lại tiếp tục ngồi trên đống lửa

Do Van Tien

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo