Hiền Lương
(VNTB) – Người đứng đầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nhìn nhận nếu lại xuất hiện chuyện “rút tiền hàng loạt”, thì… vẫn chưa cụ thể hướng xử trí vì thiếu luật.
“Luật cho vay đặc biệt nhưng không quy định có tài sản đảm bảo hay không đảm bảo. Khi ngân hàng yếu kém, bắt họ có tài sản đảm bảo để chi trả cho người dân thì không thể thực hiện được” – Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, bà Nguyễn Thị Hồng đã nhìn nhận như vậy ở hội thảo lấy ý kiến về dự thảo luật các tổ chức tín dụng (sửa đổi), tổ chức tại TP.HCM hôm đầu tháng 8-2023.
Làm thế nào để huy động được nguồn lực xã hội để xử lý nợ xấu? Việc quản trị, tổ chức điều hành tổ chức tín dụng cần những quy định chặt chẽ hơn để ngăn chặn tình trạng thao túng thị trường, ngăn chặn tình trạng sở hữu chéo… là những vấn đề được đặt ra tại hội thảo.
Bàn luận liên quan đến những quy định về can thiệp sớm, kiểm soát đặc biệt đối với các tổ chức tín dụng, xử lý nợ xấu, tài sản đảm bảo từ nợ xấu… nhiều đại biểu là các luật sư, chuyên gia pháp lý tại các ngân hàng thương mại đều cho rằng dự thảo luật các tổ chức tín dụng (sửa đổi) đã bám sát tình hình thực tế để luật hóa các quy định pháp lý liên quan.
Tuy nhiên, cần chỉnh lý theo hướng thu hẹp và làm rõ các trường hợp được vay đặc biệt phục vụ xử lý các tổ chức tín dụng bị kiểm soát. Các quy định về thu giữ tài sản đảm bảo, xử lý tài sản đảm bảo cần có quy định chi tiết hơn về quyền lợi của bên mua tài sản đảm bảo của các khoản nợ xấu và có hướng dẫn chi tiết để các ngân hàng thương mại và bên mua nợ xấu, tài sản đảm bảo của nợ xấu có thể triển khai được trên thực tế…
Góp ý kiến tại hội thảo, luật sư Trần Đình Đức – Đoàn Luật sư TP.HCM, kể cách đây mấy năm, có một nhà đầu tư nước ngoài đến Việt Nam nhờ ông tư vấn về vấn đề mua nợ xấu.
Sau khi thẩm định, rà soát rất kỹ hồ sơ 1.000 món nợ xấu, trong đó có những khoản nợ kéo dài từ 3 năm đến 5 năm mà ngân hàng gần như không còn hy vọng thu hồi, nhà đầu tư quyết định rút lui.
Theo luật sư Trần Đình Đức, nguyên nhân là bởi nhà đầu tư không biết liệu mình có quyền được kế thừa tất cả các quyền của bên bán nợ hay không? liệu bên mua nợ có được thu giữ tài sản đảm bảo không?…
“Không chỉ một mà rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tìm hiểu việc mua bán nợ xấu nhưng đều có một kết cục chung là rút lui. Đây là một thiệt thòi rất lớn của chúng ta” – luật sư Trần Đình Đức nhấn mạnh và cho rằng, hiện nay hệ thống pháp lý của Việt Nam quá phức tạp, việc xử lý tài sản đảm bảo rất khó khăn, mất nhiều thời gian, thậm chí không thể xử lý được.
Do vậy, quyền xử lý tài sản đảm bảo của các tổ chức tín dụng cần phải đưa vào luật và phải được quy định rõ ràng. Đối với các giao dịch mua bán nợ xấu của nhà đầu tư nước ngoài nếu thấy còn băn khoăn thì cần có cơ chế kiểm soát, có như vậy mới thu hút được nguồn lực xã hội, nguồn lực quốc tế vào xử lý nợ xấu.
Phản hồi các ý kiến trên, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nói rằng đối với các vấn đề cảnh báo, xử lý kiểm soát các tổ chức tín dụng yếu kém, nhận diện các rủi ro sở hữu chéo tại các doanh nghiệp, tổ chức tín dụng,…, thì ở đây là trách nhiệm chung của các bộ, ngành, địa phương trong yêu cầu tiếp tục hỗ trợ, phối hợp với ngành ngân hàng xây dựng các giải pháp tra cứu, nhận diện khách hàng trong quá trình tiếp cận tín dụng.
Trong đó, việc chia sẻ thông tin, dữ liệu sẽ giúp các tổ chức tín dụng kiểm soát tốt hơn hoạt động cho vay, giảm/ tránh các trường hợp tập trung vốn vào nhóm khách hàng có nhiều rủi ro.