Định Tường
(VNTB) – Chuyện doanh nghiệp “đối thoại” với cơ quan thuế, hải quan từng là hoạt động định kỳ của Trung tâm xúc tiến thương mại và đầu tư TP.HCM (ITDC).
Thế nhưng gần như “nói cho sướng miệng – nghe đã tai”, sau đó thì đâu lại vào đấy. Mặc dù vậy, từ năm 2014 đến nay (8 năm liên tiếp), Bộ Tài chính luôn được xếp trong nhóm 3 bộ đứng đầu về chỉ số cải cách hành chính (Par Index) do Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ công bố, trong đó các năm 2014, 2015, 2016, 2018, 2019, 2020 và 2021 Bộ Tài chính xếp thứ 2 trong nhóm các bộ, cơ quan ngang bộ, riêng năm 2017 xếp thứ 3.
Năm 2022 là năm thứ 17 Bộ Tài chính phối hợp với Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức Hội nghị đối thoại về chính sách và thủ tục hành chính thuế, hải quan với doanh nghiệp.
Hôm 25-11-2022 tại Nhà khách T78 tại TP.HCM (Văn phòng Trung ương Đảng) đã diễn ra buổi đối thoại năm thứ 17.
Đại diện Công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí miền Nam (Vũng Tàu) cho rằng: “Chính sách ưu đãi thuế đối với doanh nghiệp cần phải khuyến khích doanh nghiệp tích lũy đầu tư chứ không nên đẩy doanh nghiệp vào tình huống khốn khổ như vậy. Chính sách ưu đãi thuế thành ngược đãi”.
Ông Tomoki Kawasaki, giám đốc tài chính Công ty TNHH Điện lực Vân Phong (Khánh Hòa), cho biết việc chậm hoàn thuế VAT kéo dài đến nay đã hai năm khiến doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn. Theo ông Tomoki, nghị định số 49/2022 (có hiệu lực từ ngày 12-9) quy định rõ về hoàn thuế VAT đối với dự án đầu tư của cơ sở kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện.
Tuy nhiên, cơ quan thuế địa phương vẫn chưa giải quyết với lý do chờ thông tư hướng dẫn. Việc chậm hoàn thuế khiến doanh nghiệp phải huy động nguồn vốn để bù đắp lại khoản chưa được hoàn thuế VAT, phát sinh chi phí lãi vay cũng như thua lỗ vì chênh lệch tỉ giá.
“Chúng tôi kiến nghị Bộ Tài chính phải có hướng dẫn cụ thể để cơ quan thuế địa phương triển khai nhanh”, ông Tomoki lên tiếng trong tâm thế bức xúc.
Bà Trần Thị Mỹ Lệ, kế toán trưởng của Công ty cổ phần Cao su Đà Nẵng phản ánh, trường hợp doanh nghiệp đi hoàn thuế mới phát hiện hóa đơn điện tử bị bên bán sửa chữa nhưng không thông báo, khiến bên mua không hoàn thuế được. Doanh nghiệp đề nghị ngành thuế cần có giải pháp quản lý đối với hóa đơn điện tử.
Trò chuyện bên lề với báo chí tại buổi gặp gỡ kể trên, tư cách cá nhân, một đại diện doanh nghiệp kể rằng những quy định bất cập, lỗi thời của thuế thu nhập cá nhân đang khiến cuộc sống gia đình của bà bị ảnh hưởng nặng nề.
Bà kể, mẹ của bà năm nay 80 tuổi, mỗi tháng nhận lương hưu 4,2 triệu đồng (do nghỉ mất sức) nên không đủ trang trải vì ngoài sinh hoạt phí, khoản chi lớn nhất cho bà là tiền thuốc. Bao năm nay, anh em của bà Hà mỗi tháng đều gửi tiền hỗ trợ mẹ nhưng số tiền này không được tính giảm trừ gia cảnh.
“Quy định người có thu nhập trên 1 triệu đồng/tháng thì không được tính là người phụ thuộc, nhưng mẹ tôi lương hưu 4,2 triệu/tháng có đủ để trang trải đâu? Không hiểu với mức trên 1 triệu đồng/tháng trong thời buổi hiện nay, nhất là ở những thành phố có giá cả cao như TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng… thì làm sao có thể sống được nếu không có sự hỗ trợ từ người thân? Bất hợp lý ở chỗ, mức giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc hiện nay là 4,4 triệu đồng/tháng, cao hơn cả phần lương hưu 4,2 triệu đồng/tháng mà không được tính là người phụ thuộc”, bà Hà bức xúc.
Để thấy rõ sự lạc hậu của quy định thu nhập dưới 1 triệu đồng/tháng mới được xem xét là người phụ thuộc, hãy so sánh với một số quy định về thu nhập khác.
Đơn cử, quy định về hộ nghèo, cận nghèo hiện nay là có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ 1,5 triệu đồng trở xuống đối với khu vực nông thôn, còn khu vực thành thị là từ 2 triệu đồng trở xuống.
Chuẩn hộ có mức sống trung bình khu vực nông thôn, thu nhập bình quân đầu người/tháng từ 1,5 – 2,25 triệu đồng; khu vực thành thị là từ 2 – 3 triệu đồng. Chưa kể mức thu nhập trên 1 triệu đồng/tháng hiện cũng chỉ bằng khoảng 30% mức lương tối thiểu vùng thấp nhất mà Chính phủ quy định. Điều này có nghĩa với nhiều người dù thu nhập không đủ sống nhưng cũng không được người nộp thuế tính vào người phụ thuộc…
…Kết thúc cuộc ‘đối thoại’, người tham dự lại tiếp tục nghe những hứa hẹn hệt như 16 lần trước, theo đó, ông Cao Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Tài chính, cho biết “ngành thuế, hải quan luôn đồng hành, tháo gỡ mọi khó khăn cho doanh nghiệp, nên lãnh đạo ngành tài chính lắng nghe ý kiến đóng góp cả về vướng mắc lẫn góp ý chính sách.
Vướng mắc thuộc thẩm quyền sẽ tháo gỡ nhanh chóng cho doanh nghiệp, nếu liên quan đến các bộ ngành khác thì sẽ phối hợp giải quyết, còn vượt thẩm quyền sẽ báo cáo Chính phủ”.