Việt Nam Thời Báo

VNTB – Ngày xuân tảo mộ

Diệp Chi

 

(VNTB) – “Rồi anh sẽ dìu em tìm thăm/ Mộ bia kín trong nghĩa địa buồn/ Bạn anh đó đang say ngủ yên/ Xin cám ơn! Xin cám ơn! Người nằm xuống”…

 

Tựa như một thói quen, cứ mỗi độ Tết đến Xuân về, sau khi đưa ông Táo về trời, là nhiều người Việt bắt đầu sửa soạn nhang đèn, giấy tiền, thăm, dọn dẹp mồ mả.

Tảo mộ là phong tục để thể hiện sự thành kính, lòng biết ơn của con cháu đối với ông bà, tổ tiên vào dịp cuối năm.

Nét đẹp văn hóa này đã trở thành truyền thống của dân tộc. Cứ vào những ngày cuối năm, các gia đình lại chuẩn bị cùng nhau đi làm lễ tảo mộ.

Tảo mộ, hay còn được gọi là chạp mả, là việc dọn dẹp, sửa sang lại phần mộ của tổ tiên vào ngày trước Tết. Ngày tảo mộ không chỉ sửa sang lại phần mộ cho gọn gàng, sạch đẹp mà còn là dịp để gia đình, con cháu đoàn tụ, sum vầy, giãi bày với ông bà, tổ tiên những chuyện đã xảy ra trong một năm với gia đình, dòng họ.

“Có thể nói, đây là một hành động, tập tục đẹp của người Việt. Trên quan điểm của mình, nếu không có xưa thì sao có nay? Nếu không có ông bà, sao có cha mẹ; không có cha mẹ sao có mình? Hành động này thể hiện tính nhân văn, lòng tri ân của hậu hiền hay cho tổ tiên. Coi các tiền nhân đã khuất như vẫn đang hiện diện cùng mọi người, và cũng là cách nhắc nhở để mọi người không nên làm những việc phải hổ thẹn với gia tiên tiền tổ.

Ca dao cũng lan truyền: “Con người có tổ có tông. Như cây có cội, như sông có nguồn” cơ mà”, anh Minh, cựu sinh viên trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM chia sẻ.

“Do không có nhiều thời gian, có khi làm đến tận 30 Tết nên công đoạn giẫy mả tôi thường mướn người làm. Mọi việc sẽ xong xuôi trước 25 Tết. Năm nào cũng vậy, dù có bận bịu cỡ nào, tôi cũng cố gắng đúng ngày 25 Tết là đi tảo mộ. Trước là thăm ông bà, sau là chỉ cho con cháu mình biết ông cố, bà cố, ông nội, bà nội, rồi cô dì chú bác đang nằm ở đó. Để nó còn biết đến tổ tiên”, chị Ngọc, một cư dân ở Bình Dương chia sẻ.

Lễ vật “thăm ông bà” cũng không quá cầu kỳ. Thường đó là những bộ quần áo giấy, những xấp vải giấy, rồi tiền vàng, kèm theo nữa là nhang, đèn. Tùy thuộc vào hoàn cảnh kinh tế của mỗi gia đình, lễ vật sửa soạn cũng khác nhau.

“Nghĩa trang gia đình, nên mỗi cuối năm đi tảo mộ. Mình sẽ chuẩn bị cho tất cả “mọi người” đang nằm ở đó luôn. Một xấp vải giấy và ít giấy tiền vàng mã. Đốt nhang, chờ nhang và sau đó là đốt giấy. Đợi giấy cháy hết, tạt nước rồi mới về.

Mình hay nói đùa với con. Mua đầy đủ cho mọi người vậy, vui. Chứ người có người không, nói nào ngay, cũng kỳ cục”, chị Ngọc cười.

Cũng có người, vì thời điểm cận Tết, do bận bịu quá nhiều với nhịp sống của đô thị, của công việc, của học hành, nên đến tận mùng 1, sau khi cúng bàn thờ tổ tiên xong, họ mới bắt đầu tảo mộ thăm người đã khuất.

“Thông thường thì mình đi tảo mộ vào 25 Tết, sau khi đưa ông Táo về trời. Sau đó là về sửa soạn mâm cơm cúng ông bà, để đưa ông bà ngày 25. Cũng có lúc kẹt việc, mùng 1 mình mới ra được. Năm nào rảnh thì mình đi 25 lẫn mùng 1 luôn”, anh Minh chia sẻ tiếp.

Hôm nay, thắp lên một nén nhang cho người đã khuất. Xin được cầu mong bình an sẽ đến trong năm mới. Bất chợt, trong giây phút này, tại không gian đây, thoảng trong tiếng gió, lời ca tiếng hát của:

Rồi anh sẽ dìu em tìm thăm

Mộ bia kín trong nghĩa địa buồn

Bạn anh đó đang say ngủ yên

Xin cám ơn! Xin cám ơn! Người nằm xuống”…


 

Tin bài liên quan:

VNTB – Nếu Thảo Cầm Viên Sài Gòn đóng cửa vì lỗ?

Phan Thanh Hung

VNTB – Thời gian vàng đã qua rồi…

Phan Thanh Hung

VNTB – Vì sao bánh mì không thể là lương thực, thực phẩm?

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo