VNTB -Nguyên tắc ‘suy đoán vô tội’: tố tụng vẫn là buộc tội

VNTB -Nguyên tắc ‘suy đoán vô tội’: tố tụng vẫn là buộc tội

Triệu Vân (thực hiện)

(VNTB) – Mô hình tố tụng hiện này còn cho thấy nó chưa có sự phân biệt rõ ràng, rành mạch các chức năng của tố tụng là chức năng buộc tội, chức năng bào chữa và chức năng xét xử.

Ghi nhận ý kiến của ông Đinh Thế Hưng, Công ty Luật TNHH Tâm Anh, xoay quanh ý kiến vì sao nguyên tắc “suy đoán vô tội” hiện nay gần như chỉ dừng ở việc thể hiện trên hệ thống văn bản, chưa được áp dụng trong thực tiễn:

“Mô hình tố tụng của Việt Nam hiện nay là mô hình tố tụng xét hỏi có cài đặt những yếu tố tranh tụng. Với việc dồn toàn bộ gánh nặng chứng minh lên Nhà nước, cụ thể là các cơ quan thực hiện tố tụng. Tuy nhiên, đặc trưng của mô hình tố tụng Việt Nam hiện nay là sự mờ nhạt, thụ động của các chủ thể khác. Hạn chế này cho thấy nó không đảm bảo các nguyên tắc khác của tố tụng hình sự, trong đó có nguyên tắc suy đoán vô tội.

Bên cạnh đó, mô hình tố tụng hiện này còn cho thấy nó chưa có sự phân biệt rõ ràng, rành mạch các chức năng của tố tụng là chức năng buộc tội, chức năng bào chữa và chức năng xét xử.

Bộ Luật tố tụng hình sự cũng thiết kế không theo chức năng này, mà theo thẩm quyền của từng cơ quan trong quá trình tố tụng hình sự, được phân chia thành các giai đoạn. Chính vì không có sự rành mạch về chức năng, dẫn đến sự chồng lấn trong chức năng; ví dụ toà án có chức năng buộc tội như trả hồ sơ để điều tra bổ sung, khởi tố vụ án hình sự.

Bộ Luật tố tụng hình sự năm 2015 đã cho thấy những sửa đổi, bổ sung quan trọng nhưng nhìn chung chưa cho thấy sự thay đổi về mô hình tố tụng. Tố tụng của chúng ta vẫn là tố tụng xét hỏi có cài đặt yếu tố tranh tụng bằng việc quy định nguyên tắc tranh tụng, và bổ sung thêm các quy định nhằm tăng cường tranh tụng.

Tuy nhiên, nhiều quy định, đặc biệt là quy định các quyền tố tụng của các chủ thể có trong mô hình tranh tụng được bổ sung, nhưng thực tế cho thấy sự cài đặt này là không nhuần nhuyễn.

Những quyền tố tụng, ví dụ quyền bào chữa, tranh tụng chỉ phát huy hiệu quả cao khi và chỉ khi nó được đặt trong mô hình tố tụng tranh tụng  thực chất. Chính vì vậy tố tụng hình sự Việt Nam chứa đựng các yếu tố của tố tụng buộc tội. Quá trình tố tụng là quá trình buộc tội qua các giai đoạn, mức độ khác nhau và các chủ thể khác nhau để buộc tội”.

Theo ông Đinh Thế Hưng, cần tiếp cận tố tụng hình sự theo hướng tiếp cận quyền con người thay vì tư duy trấn áp tội phạm; phân định rành mạch các chức năng tố tụng, trong đó trả tòa án về đúng vị trí vai trò của nó là chức năng xét xử.

Theo đó, cần phân định rành mạch các chức năng tố tụng và tương ứng với mỗi chức năng có một cơ quan tư pháp đảm nhiệm. Theo đó, chức năng buộc tội thuộc về Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, chức năng gỡ tội thuộc về người bào chữa, người bị buộc tội, chức năng xét xử thuộc về toà án; đảm bảo cho các bên gỡ tội được bình đẳng với bên buộc tội, thể hiện ở việc có các quy định nhằm đảm bảo cho bên gỡ tội thực hiện chức năng này, đó là hệ thống quyền của họ cũng như cơ chế đảm bảo cho họ thực hiện đầy đủ những quyền ấy.

Thực tế lâu nay thì các vụ án nêu ở Chương XIII, “Các tội xâm phạm an ninh quốc gia” của Bộ Luật hình sự, phiên tòa luôn diễn ra trong phạm vi giới hạn người tham dự, và các tranh biện của giới luật sư hầu hết không làm thay đổi bất kỳ cáo buộc nào từ cả 3 cấp: cơ quan điều tra – viện kiểm sát – tòa án.

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)