VNTB – Nhân vụ Test Kit Việt Á: tìm hiểu nguyên nhân tham nhũng

VNTB – Nhân vụ Test Kit Việt Á: tìm hiểu nguyên nhân tham nhũng

Ngọc Vân

 

(VNTB) – Một hệ thống chính trị dân chủ, với đặc tính đa nguyên, đa đảng có nhiều ưu điểm giúp chống tham nhũng. 

 

Trong tuần qua, vụ án liên quan đến test kit của công ty Việt Á gây xôn xao dư luận Việt Nam. Báo Đảng cũng như Báo Dân có nhiều bài về sự kiện này. Trong đó, có một số bài bàn về nguyên nhân của tình trạng tham nhũng trầm trọng tại Việt Nam. Tất cả các ý kiến mà tôi đọc được đều không đưa ra được nguyên nhân gốc của vấn đề. Vì vậy, qua bài viết này, tôi muốn đề cập đến một nguyên nhân mà tôi chưa thấy tác giả nào đặt ra một cách cụ thể: chế độ càng độc tài, tham nhũng gia tăng.

Nhìn chung, muốn giải quyết một vấn đề gì cho tới nơi tới chốn thì phải tìm ra được nguyên nhân gốc. Ví dụ, một người mẹ có một người con nhỏ hay bị ho. Mỗi lần cháu bị, chị cho cháu đi bác sĩ. Bác sĩ cho thuốc ho, thuốc kháng sinh, v.v. Cháu hết bịnh nhưng sau đó một thời gian, cháu lại bị ho lại. Quyết tâm tìm nguyên nhân, chị theo dõi nhiệt độ trong phòng ngủ của cháu một thời gian, thấy cháu thường bị ho khi nhiệt độ phòng xuống thấp, thường là trong những ngày trời lạnh. Từ đó, chị mặc áo ấm cho cháu mỗi khi trời lạnh. Cũng từ đó, cháu hết ho.

Việc quản trị xã hội cũng vậy. Giải quyết vấn đề cũng phải loại trừ nhân gốc thì mới ngăn vấn đề xảy ra trở lại. Nếu chỉ giải quyết triệu chứng thì sớm muộn gì vấn đề cũng quay trở lại. Bỏ tù quan tham này thì quan tham khác lại xuất hiện thôi.

Trước hết, xin lược qua một số phân tích của các tác giả khác về nguyên nhân của tình trạng tham nhũng tại Việt Nam. Tác giả Nguyễn Quang Dy trong bài “Việt Á chỉ là phần nổi của tảng băng chìm,” (1) cho rằng: “Cải cách thể chế chậm sẽ tạo điều kiện cho các nhóm lợi ích thao túng chính sách và lũng đoạn thể chế.” Câu hỏi đặt ra ở đây là tại sao cải cách thể chế lại chậm? Cái gì làm cho cải cách thể chế chậm? Trong một bài khác, tác giả Dương Quốc Chính cho rằng quan lại hủ lậu là nguyên nhân của tình trạng tham nhũng chứ không phải doanh nghiệp (2). Câu hỏi mà tôi đặt ra cho tác giả này là: cái gì làm cho quan lại hủ lậu? Nhìn chung, tôi thấy tuy câu trả lời của hai tác giả trên không sai, nó chưa đi đến nguyên nhân gốc của vấn đề.

Theo tôi, chế độ càng độc tài, tình trạng tham nhũng càng trầm trọng. Để chứng minh cho lập luận này, trước hết, tôi xem xét mối tương quan giữa mức độ dân chủ và tình trạng tham nhũng. Trên thế giới, có nhiều tổ chức đánh giá mức độ dân chủ (hay độc tài) của các quốc gia trên thế giới. Trong đó, có thể kể đến Freedom House, có trụ sở tại Washington D.C., Hoa Kỳ (3), Polity IV được giáo sư Ted Rober Gurr khởi xướng và hiện được Monty G. Marshall quản lý (4).

Trong bài này, tôi chọn chỉ số Democracy Index do cơ quan nghiên cứu Economist Intelligence Unit (EIU), thuộc công ty Economist Group, có trụ sở tại Vương Quốc Anh báo cáo hàng năm (5). Đây là một công ty tư nhân, không có liên hệ với chính phủ Hoa Kỳ. Chỉ số này cho điểm quốc gia dân chủ hoàn hảo 10 điểm – Na Uy, là nước gần với tình trạng này nhất có điểm số 9,81 vào năm 2020 – và quốc gia độc tài tuyệt đối được 0 điểm. Theo báo cáo của EIU năm 2020, Bắc Hàn là nước tệ nhất, được 1,08 điểm (6).

Về đánh giá mức độ tham nhũng, tôi chọn chỉ số Transparency Index, do một tổ chức có tiếng trên thế giới trong lĩnh vực này, có trụ sở tại Âu Châu (7). Thang điểm của chỉ số này là từ 0 đến 100. Điểm càng cao, càng ít tham nhũng. Nước có thành tích tốt nhất trong năm 2020 là New Zealand, 88 điểm. Nước có thành tích tệ nhất là Somali, 12 điểm (8).

Để tiết kiệm thời gian, tôi lấy dữ liệu về chỉ số Democracy Index và Transparency Index của 10 quốc gia đứng đầu và 10 quốc gia đứng cuối bảng về tình trạng tham nhũng. Như biểu đồ 1 thể hiện, các quốc gia càng dân chủ, tình trạng tham nhũng càng ít nghiêm trọng hơn.

Câu hỏi được đặt ra ở đây là những yếu tố nào giúp cho các nền dân chủ ngăn chặn được tham nhũng. Theo tôi, có mấy nguyên nhân. Một mặt, lòng tham là cái mà nhiều người có, nếu không nói là hầu hết ai cũng có. Bạn đọc có thể tự xét mình qua ví dụ này. Nếu bạn đã từng ở Sài Gòn hay Hà Nội hay những thành phố có đèn giao thông và đã từng ra đường vào sáng sớm khi có rất ít xe đi lại và ở những giao lộ không có cảnh sát giao thông, bạn có bao giờ vượt đèn đỏ chưa? Nếu chưa, bạn là một trong số ít người có tính trung thực cao. Có lẽ bạn nên ra làm quan để dân được nhờ. Trong một nghiên cứu có tính hệ thống tại Hoa Kỳ, các tác giả Retting, Ferguson, và Hakkert cho thấy việc gắn camera tại các chốt giao thông giảm 40 đến 50% số vụ vi phạm (8). Đa số con người là vậy, thấy không bị phạt thì làm tới thôi. Đấy là chưa kể đến sự chênh lệch lợi ích cực kỳ lớn giữa hành vi vượt đèn đỏ và hành vi tham nhũng.

Mặt khác, nền dân chủ có tác động như những camera giao thông ở nhiều khía cạnh. Thứ nhất, khi nền chính trị có tính đa nguyên, đa đảng, trong các cơ quan của chính quyền có người ủng hộ các đảng khác nhau. Ví dụ, Hạ viện Hoa Kỳ, hiện có 221 dân biểu thuộc Đảng Dân Chủ, 213 thuộc Đảng Cộng Hòa (10); Thượng viện có 50 thượng nghị sĩ thuộc Đảng Cộng Hòa, 50 thuộc Đảng Dân Chủ (11). Ở nhánh tư pháp, có 5 quan tòa do các tổng thống thuộc Đảng Cộng Hòa bổ nhiệm, 4 do Đảng Dân Chủ bổ nhiệm. Do đó, muốn làm gì quá đáng cũng phải ngó trước ngó sau. Ngược lại, khi quyền lực tập trung vào một đảng, thì khó tránh được sai lầm. Chính sách đánh tư sản, tập thể hóa sản xuất được Đảng Cộng Sản Việt Nam tiến hành sau năm 1975 là một minh chứng.

Thứ hai, ngay cả khi ở trong cùng một đảng, vì các chính trị gia được bầu vào các chức vụ dân cử có thể tự ứng cử và do cử tri chọn, nên không phải khi nào họ cũng làm theo ý đảng của họ. Trong một trường hợp gần đây nhất, thượng nghị sĩ Joe Manchin, thuộc Đảng Dân Chủ, kiên quyết không ủng hộ dự luật Build Back Better dù Tổng Thống Biden chịu nhiều sức ép từ phía hành pháp, các dân biểu, và thượng nghị sĩ cùng đảng (12). Ngược lại, ở các quốc gia độc tài, đảng viên thường chịu sức ép của lãnh đạo đảng. Ví dụ, với hệ thống đảng cử, dân bầu như ở Việt Nam, việc không bỏ phiếu theo ý lãnh đạo đảng có thể dẫn đến mất chức hoặc thất cử trong lần bầu cử tới. Ta có thể thấy điều này qua kết quả bỏ phiếu của Quốc hội Việt Nam, thường là trên 90%.

Thứ ba, hệ thống chính trị đa nguyên dẫn đến tình trạng tam quyền phân lập thực sự. Ví dụ, ở Hoa Kỳ, Tổng thống thường bị Quốc Hội hay Tòa Án Tối Cao kiềm chế nên không thể làm gì quá đáng. Vào tháng 1 năm 2021, Thượng Viện, do phe Cộng Hòa kiểm soát đã bỏ phiếu vô hiệu hóa quyết định phủ quyết Dự Luật Quốc Phòng của Tổng Thống Donald Trump, cùng đảng (13). Tháng 8 vừa qua, Tòa Án Tối cao đã vô hiệu hóa quyết định cấm đuổi người thuê nhà không trả tiền thuê của Tổng Tống Biden (14). Trong khi đó, quyền lực chính trị tập trung vào một đảng, một nhóm, hay một cá nhân trong các chế độ độc tài. Do đó, khó chống tham nhũng hơn. Ví dụ, có lần Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng nói: “Chống tham nhũng khó vì ta tự đánh ta” (15). Ông ấy nói thật đấy. Tại Việt Nam chúng ta có thể thấy điều này qua việc tiếp tục đầu tư vào các tập đoàn kinh tế nhà nước dù đa số làm ăn không có lãi, dù ở trong tình trạng độc quyền hay gần như độc quyền (16).

Tóm lại, một hệ thống chính trị dân chủ, với đặc tính đa nguyên, đa đảng có nhiều ưu điểm giúp chống tham nhũng. Vấn đề làm thế nào để có được dân chủ.

_____________

Tài liệu tham khảo

  1. Vit Á ch là phn ni ca tng băng chìm | VNTB (Vietnamthoibao.org)
  2. Thy gì qua v Vit Á? | Tiếng Dân (baotiengdan.com)
  3. Freedom House | Expanding freedom and democracy
  4. Polity IV Project: Country Reports 2010 (systemicpeace.org)
  5. Democracy Index 2020 – Economist Intelligence Unit (eiu.com)
  6. Democracy Index 2020 – Economist Intelligence Unit (eiu.com)
  7. Our organisation – Transparency.org
  8. Corruption Perceptions Index 2020 for New Zealand – Transparency.org
  9. Effects of Red Light Cameras on Violations and Crashes: A Review of the International Literature: Traffic Injury Prevention: Vol 4, No 1 (tandfonline.com)
  10. Party Breakdown | House Press Gallery
  11. U.S. Senate: Senators
  12. Joe Manchin dashes Biden’s Build Back Better dreams. Here’s why he did it. (nbcnews.com)
  13. Supreme Court strikes down Biden administration’s eviction moratorium | Fox Business
  14. US Congress overrides Trump veto for first time – BBC News
  15. Tng bí thư: Chng tham nhũng khó vì ta t đánh ta – VietNamNet
  16. Năm 2020: Đa s doanh nghip thua l (daidoanket.vn)

 

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)