Nguyễn Nam
(VNTB) – Làm báo ở Việt Nam sau tháng tư, 1975, nếu muốn thỏa mãn chừng mực nào đó nhu cầu đa chiều thông tin của bạn đọc, phóng viên ấy phải hiểu cần ‘viết’ để ‘lách’ ý tứ ra sao…
‘Tòm tem’ nên bị đâm?
Sáng 21-4, ông Tống Trân, Bí thư Thị ủy Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa xác nhận với báo chí là công an mới báo thông tin về việc ông Lê Bá Thuận, Bí thư phường Ninh Hiệp, bị đâm đã tử vong. Theo ông Trân, vụ việc xảy ra vào tối 20-4, khi ông Thuận đang làm việc riêng (“không phải việc cơ quan” – phóng viên nhấn mạnh) thì bị đối tượng đâm trọng thương.
Điều tra ban đầu xác định, ông Thuận bị đâm tại nhà riêng của vợ chồng Vũ Thành Công – Võ Thị Bích Thủy ở phường Ninh Hiệp, thị xã Ninh Hòa. Sau đó, Công và vợ đã đưa ông Thuận đi cấp cứu.
Tháng 5-2019, ông Lê Bá Thuận là Phó Chủ tịch UBND thị xã Ninh Hòa bị kỷ luật khiển trách. Cuối năm 2020, ông Thuận được điều động về làm Bí thư Đảng ủy Phường Ninh Hiệp.
Có ý kiến, Bí thư là đứng đầu Đảng, người ta phải đi sâu sát quần chúng để làm việc, dám lấy dao tấn công Bí thư, tức là tấn công vào sự sâu sát đó. Tức là dám chống lại chủ trương đường lối của Đảng.
Vì đó là quản trị của kinh tế định hướng?
Chính phủ vừa ban hành Nghị định 52/2021 gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2021. Tờ trình trước đó của Bộ Tài chính cho biết tổng số tiền dự kiến được hoãn, giãn nộp thuế đợt này ước khoảng 115.000 tỉ đồng.
Không trực tiếp khen – chê về chính sách ‘khoan thư sức dân’, báo chí ‘lách’ qua việc ghi nhận ý kiến đại diện doanh nghiệp, rằng, “đến nay các gói hỗ trợ hàng chục ngàn tỷ đồng của Chính phủ nghe lớn vậy, nhưng những doanh nghiệp sử dụng cả 2.000 lao động như chúng tôi vẫn không thể tiếp cận được vốn vay để xoay vòng vốn. Hiện tại, hạn mức tín dụng áp với tài sản thế chấp vay quá thấp, tài sản có 10 đồng, ngân hàng chỉ duyệt cho vay 5 đồng là tối đa, muốn vay thêm đủ trả tiền hàng là không thể”.
Vị doanh nhân này giải thích, “nếu không có tiền để đầu tư sản xuất, đơn hàng không có để kinh doanh thì cũng không phải đóng thuế”.
Ai đã ‘hủy diệt’ ham muốn tột bậc của lãnh tụ?
“Tôi tuyệt nhiên không ham công danh phú quý chút nào. Bây giờ phải gánh chức Chủ tịch là vì đồng bào ủy thác thì tôi phải gắng sức làm, cũng như một người lính vâng mệnh lệnh của quốc dân ra trước mặt trận. Bao giờ đồng bào cho tôi lui, thì tôi rất vui lòng lui.
Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành.
Riêng phần tôi thì làm một cái nhà nho nhỏ, nơi có non xanh nước biếc để câu cá, trồng hoa, sớm chiều làm bạn với các cụ già hái củi, em trẻ chăn trâu, không dính líu gì với vòng danh lợi” – trích báo Cứu Quốc ngày 21-1-1946, đăng ở sách “Hồ Chí Minh. Toàn tập”. Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, Hà Nội, Tập 4, trang 161-162.
Tin tức thời sự về giáo dục tại TP.HCM cho biết, theo bảng chỉ tiêu mà Sở Giáo dục và Đào tạo công bố, TP.HCM có 114 trường trung học phổ thông công lập với tổng chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10 là 67.989.
Nếu trừ đi số chỉ tiêu tuyển sinh chuyên và chỉ tiêu các lớp tích hợp, thì số chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10 thường năm học này là 65.329 (năm học 2020-2021, tổng chỉ tiêu lớp 10 thường là 66.520 chỉ tiêu).
Như vậy, sẽ có gần 30.000 học sinh sẽ rớt khỏi cuộc đua lớp 10 công lập năm nay.
Nếu 30 ngàn em này có một nửa là trong nhóm gia đình nghèo khó, thì các em không thể đến trường tư thục, và điều đó xem ra khiến ham muốn tột bậc của Bác Hồ thành mộng mị cổ tích ngay tại thành phố mang chính tên của ông.