Ngọc Vân
(VNTB) – Có khoảng gần ba triệu cháu bị bỏ lại quê, thường dưới sự chăm sóc của ông bà hay họ hàng, khi cả cha lẫn mẹ đi làm xa
Lễ Thanh Minh là dịp để các gia đình thăm viếng mộ phần của người quá cố để tỏ lòng tôn kính và thương tiếc. Với những công nhân xa quê, họ có những mối quan hệ gia đình hiện tại là những niềm đau khôn xiết. Trong số đó, có vợ chồng anh Cần, quê ở một xã miền núi huyện Thanh Hóa. Khi con gái anh chị, cháu Tâm, mới 6 tháng tuổi, chị buộc phải để con cho ông bà trông để quay trở vào Nam tiếp tục công việc ở một xưởng may ở Bình Dương sáu năm về trước.
Kể từ đó, Tâm chỉ ở cùng bố mẹ khoảng chừng 60 ngày. Đối với cháu, những ngày sum họp gia đình trong những dịp lễ nghỉ là dịp ở chung những người xa lạ.
Theo một ước lượng, có khoảng gần ba triệu cháu bị bỏ lại quê, thường dưới sự chăm sóc của ông bà hay họ hàng, khi cả cha lẫn mẹ đi làm xa. Một làn sóng di cư vĩ đại bên trong Việt Nam – liên quan đến khoảng 20 triệu người đã từ các vùng quê chuyển đến làm việc tại các khu công nghiệp trong hơn ba mươi năm qua – đã vùi dập nhiều gia đình. Theo ước lượng của UNICEF, Tổ chức Nhi Đồng Liên Hiệp Quốc, vào năm 2015, chỉ riêng ngành dệt may và da giày Việt Nam đã có khoảng 3,5 triệu nữ công nhân; khoảng 15 – 20% trong số đó để con ở lại quê (1).
Một trong những lý do của tình trạng trẻ em bị bỏ lại phía sau là hệ thống HỘ KHẨU. Vì không có hộ khẩu thường trú, các công nhân nhập cư gặp nhiều bất lợi trong việc xin cho con vào các nhà trẻ, trường học, hoặc sử dụng các dịch vụ y tế. Vì vậy, họ buộc phải để con lại quê cho ông bà hay họ hàng chăm nom.
Đêm đầu tiên xa mẹ, Tâm khóc không ai dỗ được, bà ngoại cháu, một người nông dân trồng lúa, kể. Dần dà, cháu bớt khóc đi. Sau một thời gian thì cháu không khóc nữa. Bây giờ, cháu không chịu nói chuyện với bố mẹ mỗi khi anh chị Cần gọi về. Cháu co rúm người lại mỗi khi mẹ ôm cháu trong những lần viếng thăm ngắn ngủi, thưa thớt.
Những cha mẹ ở nông thôn tin rằng sự có mặt của họ là tối quan trọng khi con họ bắt đầu đi học. Vì vậy, họ thường đi làm xa khi con còn nhỏ. Do đó, rất nhiều cháu bị cha mẹ bỏ lại khi còn nhỏ. Nhiều cháu không được bú mẹ, mất đi một điều tốt cho sức khỏe cả đời của các cháu.
Khi các cháu này lớn lên, chúng phải đối diện với nhiều chấn thương khác. Một nghiên cứu cho thấy tỷ lệ mắc bệnh trầm cảm trong nhóm trẻ bị bỏ lại phía sau cao hơn nhiều so với nhóm trẻ còn lại. Nhiều cháu bị hành hạ về thể xác, tinh thần. Nhiều cháu, thậm chí, còn bị lạm dụng tình dục.
Những vụ lạm dụng như vậy thường rất khó bị phát hiện. Tình trạng xa cha mẹ lâu ngày làm cho các cháu ít muốn chia sẻ các vấn đề của mình cho người khác. Một luật sư đã từng làm việc với nhiều trường hợp như vậy kể về một vụ mà trong đó, họ hàng của cháu bé phát hiện ra những gì đã xảy ra chỉ sau khi họ tình cờ đọc được lá thư của nạn nhân tự gửi cho chính mình. Trong thư, cháu kể bị thầy giáo hiếp.
Nhiều em bị bỏ lại phía sau học hành kém vì thiếu sự quan tâm, chăm sóc của cha mẹ. Xuân, quê ở Trà Vinh, có ba má đi làm xa nhiều năm. Cháu học càng ngày càng đuối. Đến hết lớp chín thì bỏ học vì không đủ điểm vào phổ thông trung học. Đầu năm nay, gia đình buộc phải cưới vợ cho cháu khi cháu mới được 17 tuổi vì cháu lỡ làm bạn gái cùng xóm có thai. Cả Xuân và Mai, vợ mới cưới của Xuân, đều không có nghề nghiệp gì.
Không biết tương lai hai cháu Mai – Xuân sẽ như thế nào?
Giới chủ và quan chức ngày càng giàu có. Siêu xe này đến biệt phủ kia. Họ giàu lên được chính từ mồ hôi nước mắt của những công nhân nhập cư này. Họ có nhìn thấy hoàn cảnh của hàng triệu cháu bị bỏ lại phía sau không? Nếu có, họ đã làm gì? Cả đến báo cáo nghiên cứu về trẻ bị phía sau cũng do UNICEF thực hiện với sự tài trợ của DISNEY, một công ty Hoa Kỳ.
___________
Ghi chú:
(1) https://www.unicef.org/vietnam/reports/apparel-and-footwear-sector-and-children-viet-nam