VNTB – Nỗi buồn đêm giỗ Quốc Tổ

VNTB – Nỗi buồn đêm giỗ Quốc Tổ

Lynn Huỳnh

 

(VNTB) – Đêm thứ Bảy giữa trung tâm Sài Gòn, muốn tìm nghe một câu vọng cổ, coi một lớp tuồng mà rọi đuốc kiếm không ra!

 

Có một người đàn bà đã ôm mộng hào hoa. Có một người đàn bà vừa trẻ con vừa dày dặn, vừa hoang dại vừa thượng lưu, vừa đắm đuối vừa bất cần. Có một người đàn bà mơ ước được làm đàn bà. Hồng nhan ấy xem ra không dễ vẽ chân dung. Đó là nhà báo – MC Trác Thúy Miêu.

Vậy mà người đàn bà ấy đã thất thần trong đêm giỗ Quốc Tổ mồng 10 tháng ba.

“Nếu cơ quan chuyên trách mới chịu rục rịch vận động linh hoạt hơn, có lẽ, đêm nay gánh Phụng Hoàng Ban đang diễn xả giàn chiêu đãi khán giả nhân giỗ Quốc Tổ” – bà chủ gánh Trác Thúy Miêu than thở.

Miêu tự hỏi, nói là con dân Việt, chớ mấy ai tự vấn trong bao nhiêu đời Hùng Vương, thì vị nào đang được làm lễ giỗ? Rồi cội nguồn cắc cớ giữa huyền thoại Lạc Long Âu Cơ và tỉ lệ phần trăm của lịch sử nòi giống dân Việt có bao nhiêu phần liên quan?

“Tính hàm dụ của người xưa trong biểu tượng 100 đứa trẻ cùng một bào thai là gì? Bộ nhạc khí gốc của xứ ta có phải từ tranh từ sáo? Hay thực chân âm nhạc ta vốn gốc thuộc về bộ gõ? Mỹ nghệ nước ta có thật gốc là hoa văn uyển chuyển vân mây, hay thực chất nguyên bản là những nét chân phương khỏe mạnh của hoa văn họa tiết kỷ hà?

Ta yêu nước như một lối tự ái tự ti cục bộ chung chung như việc cổ động một trận túc cầu? Hay ta yêu trong từng hơi thở, tấm áo ta mặc, nếp sống ta rèn, hay từ mảnh rác ta lượm nhặt bên đường?

Ta không là đại sứ trong một tác vụ ngoại giao, thì một dân Việt có còn phản xạ đứng thẳng lưng xuôi tay sát bên mình nghiêm túc khi nghe tấu Quốc Ca?

Chuyện lớn, chuyện nhỏ, xen lẫn đờn ca hát xướng, trích lục huyền sử kiêu hùng qua tuồng qua tích…

Vậy là trục trặc cơ chế mới, gánh hát ngậm ngùi khép màn trả từng chiếc vé, đêm lễ Quốc Tổ như dự định cũng đành hẹn lại năm sau.

Thôi đành, dẫu buồn, xót tiếc mồ hôi nước mắt tiền bạc, thì sự cũng đã rồi. Giam mình trong nhà chẳng muốn đi đâu, thắp nén trầm cầu suôn sẻ an bằng, cầu cho san hà chỉ 2 tiếng Đàng Hoàng là đủ, và xin cho đêm hoa lệ chóng vánh tái ngộ mà thôi” – Miêu tự nói với mình như vậy trong đêm giỗ Quốc Tổ.

Bè bạn trong giới báo chí ở Sài Gòn nhận xét, khi rửa hết son phấn đi, còn lại một Trác Thúy Miêu nhìn trẻ hơn, giản dị hơn, dễ gần hơn. Và trên hết, thật ra, Miêu rất đàn bà!

Đó, là một người đàn bà có thể ngồi hút thuốc và văng tục vài câu khi bất bình – như ở đêm giỗ Quốc Tổ mà gánh Phụng Hoàng Ban không được phép xả giàn chiêu đãi khán giả – người đàn bà ấy có những phân tích xã hội lẫn nghệ thuật sâu sắc, thẳng thắn. Và người đàn bà thú thật là “tôi rất muốn làm đàn bà”, nào là với cái bếp xinh xinh, với cửa sổ nhìn ra khu vườn, với hạnh phúc thật bình dị…

Vài bận, bè bạn nghe Miêu kể điều mà có lẽ sẽ không bao giờ trở lại: “Thúy nhớ hoài một đêm thứ Bảy đang bát phố lòng vòng Sài gòn Chợ lớn, anh bạn Thúy bỗng thốt lên “Giá mà giờ rủ nhau chui vô rạp coi cải lương thì mới đã đời!”

Câu nói vu vơ khiến Thúy cũng thốt chùng lòng: đêm thứ Bảy giữa trung tâm Sài Gòn, muốn tìm nghe một câu vọng cổ, coi một lớp tuồng mà rọi đuốc kiếm không ra!”

Ừ thì đúng là tìm không ra, ngay cả khi bà bầu Trác Thúy Miêu lập gánh Phụng Hoàng Ban, để rồi muốn hát một đêm xả giàn để cúng Quốc Tổ, để chiêu đãi khách mộ điệu…, nhưng rồi…


CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)