Nguyễn Huyền
(VNTB) – Tổng bí thư “phân công” đảng viên đang bị kỷ luật đảng Phùng Xuân Nhạ sang làm Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương
Chỉ một đảng duy nhất cầm quyền thì nên hiểu thế nào về cái gọi là “lợi ích nhóm”?
Nếu tán thành ý kiến rằng người đứng đầu Bộ Giáo dục và Đào tạo thời kỳ 2014 – 2018 là không thể vô can khi để xảy ra “lợi ích nhóm” trong in ấn, phát hành sách giáo khoa, thì về nguyên tắc quản trị, người đứng đầu đảng cầm quyền cũng không thể vô can khi đã để xảy ra “lợi ích nhóm” trong nội bộ đảng do mình quản lý.
Kết luận của Thanh tra Chính phủ mới đây về hàng loạt sai phạm liên quan sách giáo khoa đã ghi nhận “có dấu hiệu lợi ích nhóm giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo là cơ quan quản lý nhà nước với Công ty TNHH một thành viên nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam”.
Kết luận thanh tra chỉ rõ nguyên nhân dẫn đến những lùm xùm về sản xuất, phân phối sách giáo khoa là do “lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường”. Cần cấp bách rà soát, đánh giá, đổi mới hoạt động của những doanh nghiệp đang giữ thế độc quyền “một mình một chợ” – như Công ty TNHH một thành viên nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam.
Việc công bố kết luận thanh tra nêu trên không cho biết có xảy ra “lợi ích nhóm” giữa những người có thẩm quyền ở Bộ Giáo dục và Đào tạo và nhà xuất bản hay không?
Câu trả lời ở đây là “chắc chắn có” và “lợi ích nhóm” này rất có thể còn dắt dây đến tận Bộ Chính trị.
Xin dẫn chứng. Tin tức công khai trên báo chí tường thuật hôm 24-10-2022, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì họp Ban Bí thư để xem xét, thi hành kỷ luật Ban cán sự đảng Bộ Giáo dục và Đào tạo nhiệm kỳ 2016 – 2021.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng kết luận rằng Ban cán sự đảng Bộ Giáo dục và Đào tạo nhiệm kỳ 2016 – 2021 đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ và quy chế làm việc; thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo để Bộ Giáo dục và Đào tạo và một số tập thể, cá nhân vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong công tác tổ chức cán bộ; xây dựng, ban hành thể chế, chính sách; thực hiện một số dự án đầu tư công; xây dựng chương trình, biên soạn, thẩm định, xuất bản, phát hành sách giáo khoa; tổ chức kỳ thi trung học phổ thông quốc gia năm 2018 và kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2021 xảy ra nhiều vi phạm, một số cán bộ ngành giáo dục bị xử lý kỷ luật, xử lý hình sự.
Ông Phùng Xuân Nhạ trong thời gian giữ chức ủy viên Trung ương Đảng, bí thư Ban cán sự đảng, bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo chịu trách nhiệm chính, trách nhiệm người đứng đầu đối với những vi phạm của Ban cán sự đảng Bộ Giáo dục và Đào tạo nhiệm kỳ 2016 – 2021; chịu trách nhiệm trực tiếp, trách nhiệm cá nhân trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao.
Vi phạm của Ban cán sự đảng Bộ Giáo dục và Đào tạo nhiệm kỳ 2016 – 2021 và ông Phùng Xuân Nhạ đã gây hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng đến kết quả thực hiện nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về giáo dục và đào tạo; nguy cơ gây thất thoát, lãng phí tiền, tài sản nhà nước, nguồn lực xã hội, gây bức xúc trong dư luận.
Căn cứ nội dung, tính chất, mức độ hậu quả, nguyên nhân vi phạm; theo quy định của Đảng về kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên vi phạm, nhân danh Ban Bí thư, ông Nguyễn Phú Trọng quyết định thi hành kỷ luật: Cảnh cáo Ban cán sự đảng Bộ Giáo dục và Đào tạo nhiệm kỳ 2016 – 2021 và ông Phùng Xuân Nhạ.
Thế nhưng oái oăm thay, dù bị cho là vi phạm kỷ luật đảng ở thời gian là Bộ trưởng, song ông Phùng Xuân Nhạ lại được Tổng bí thư “phân công” đảng viên Phùng Xuân Nhạ sang làm Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương. Ông Phùng Xuân Nhạ cũng tiếp tục là đại biểu Quốc hội Việt Nam khóa 14 thuộc đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định.
Trong chuyện sách giáo khoa như nêu ở phần đầu bài viết này, lúc bắt đầu ngồi vào ghế Bộ trưởng, ông Phùng Xuân Nhạ được cho là người đã quyết liệt cải cách sách giáo khoa theo hướng một chương trình song có nhiều bộ sách giáo khoa.
Vấn đề này đã được đề cập đến trong một thời gian trước đó và như nhận định ban đầu cần có lộ trình nhiều năm để thành hiện thực, song Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã đưa ra chương trình hành động với quyết tâm nhanh hơn tiến độ ít nhất 1 năm để ngay trong năm học 2019 – 2020, học sinh lớp 1 có sách giáo khoa mới. Cũng theo chương trình hành động này, sẽ có nhiều bộ sách giáo khoa cho mỗi chương trình học và các trường được chủ động lựa chọn nhằm phá thế độc quyền về sách giáo khoa, đưa ra nhiều lựa chọn tốt hơn và cải tiến mạnh chất lượng sách cho học sinh, sinh viên.
Và như những gì mà Thanh tra Chính phủ nêu khi cho rằng “có dấu hiệu lợi ích nhóm giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo là cơ quan quản lý nhà nước với Công ty TNHH một thành viên nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam”, cho thấy khó thể loại trừ vai trò của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ.
Qua đó còn cho thấy dường như có “lợi ích nhóm” dắt dây, khi từ ghế bộ trưởng bị kỷ luật, ông Phùng Xuân Nhạ chuyển sang chức vụ Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, tức ông vẫn quẩn quanh ở “nhóm lợi ích” nào đó của chuyện “còn đảng là còn mình”…