Dân Trần
(VNTB) – Rõ ràng số tiền xử phạt nguội 90 triệu đồng này chỉ là xử cho có lệ, quá nhẹ nhàng và không đủ để làm răn đe cho hành vi lấp suối tự nhiên.
Ngày 10/5, Thanh tra Sở TN-MT tỉnh Kon Tum đã ra quyết định xử phạt Công ty CP Quang Đức Kon Tum (xã Đăk Choong, H.Đăk Glei, Kon Tum) 90 triệu đồng về hành vi đổ thải trái quy định. Theo đó, trong quá trình triển khai dự án, đơn vị thi công thủy điện không đổ đất đá ra bãi thải mà đổ xuống sông, suối với khối lượng khoảng 1.000 mét khối đất đá. Công ty CP Quang Đức là đơn vậy xây dựng dự án thủy điện Đăk Mi 1 và 1A. (1)
Rõ ràng số tiền xử phạt 90 triệu đồng này chỉ là xử cho có lệ, quá nhẹ nhàng và không đủ để làm răn đe cho hành vi lấp suối tự nhiên. Đặc biệt, việc xử phạt này chỉ diễn ra sau khi bị báo chí trong nước vạch trần. Tức là nếu báo chí không lên tiếng, thì Nhà nước cũng làm ngơ. Không thể loại trừ trường hợp đơn vị thi công đập thủy điện có chung chi cho các lãnh đạo địa phương để được thoải mái đổ đất đá một cách tự tiện trong thời gian qua.
Việc lấp các dòng suối đã và đang gây ra những tác hại nghiêm trọng không chỉ đối với môi trường nước mà còn ảnh hưởng đến cuộc sống của cộng đồng địa phương. Một trong những tác hại nghiêm trọng nhất của việc lấp các dòng suối là sự giảm bớt nguồn nước sạch. Các dòng suối thường là nguồn cung cấp nước sạch quan trọng cho người dân trong khu vực và bổ sung nước vào các dòng sông, ảnh hưởng tới sinh kế của người dân trên lưu vực con sông đó.
Ngoài ra, việc lấp các dòng suối cũng dẫn đến sự mất mát đa dạng sinh học khi đó là môi trường sống của nhiều loài động vật và thực vật khác nhau. Việc lấp đầy các dòng suối làm mất môi trường sống của chúng, góp phần vào việc suy giảm số lượng và thậm chí là tuyệt chủng của các loài này. Dòng nước từ các con suối đầu nguồn bị thay đổi cũng có thể dẫn đến tình trạng cá chết ở phía hạ lưu như thường thấy trong thời gian gần đây.
Bên cạnh đó, việc lấp các dòng suối khiến cho thay đổi dòng chảy đột ngột, cũng sẽ dẫn đến các vấn đề về lũ lụt, ngập úng và sạt lở. Các dòng suối thường đóng vai trò quan trọng trong việc thoát nước và kiểm soát lũ lụt. Khi các dòng suối bị lấp đầy, khả năng thoát nước của khu vực bị ảnh hưởng, tăng nguy cơ xảy ra lũ lụt và ngập úng, gây ra thiệt hại cho người dân và cơ sở hạ tầng địa phương.
Hơn nữa, suối bị lấp, tức là cây cối cũng sẽ chết khô, mất nước thì sẽ mất rừng, mất rừng thì sẽ dẫn tới lũ lụt. Và thế là đừng hỏi tại sao càng ngày lũ lụt càng nhiều khi chính các cơ quan chức năng đang làm mọi cách để gây ra lũ lụt và sạt lở!
Tóm lại, việc lấp suối sẽ gây thiệt hại vô cùng nặng nề với con người và môi trường. Những tổn thất lâu dài này có thể sẽ không bao giờ sửa chữa được. Tuy nhiên, với các quan chức tham nhũng và những người xây đập thuỷ điện thì lại “tiện cả đôi bề”. Đổ đất đá xây đập thuỷ điện xuống ngay dòng suối gần đó thì vừa đỡ tốn thời gian và chi phí của đơn vị thi công thay vì phải chở hàng ngàn khối đất đá đi xa. Không chỉ vậy, lấp suối cũng có thể là hành vi san lấp mặt bằng được các quan chức địa phương ủng hộ, nhằm phân lô bán nền ở khu vực đó. Mà đã đóng tiền phạt thì có thể ngầm hiểu hành vi sai trái đã được hợp pháp hoá.
Lâu nay các lãnh đạo cộng sản vẫn thường tuyên truyền câu chuyện “không chấp nhận hi sinh môi trường để đổi lấy kinh tế”. Tuy nhiên có lẽ đó chỉ là khẩu hiệu để mị dân. Trên khắp Việt Nam, ở đâu cũng có chuyện phá rừng, lấp suối, hút cát, xả thải không qua xử lý thẳng ra sông ra biển… Các quan chức địa phương thừa biết nguyên nhân và hậu quả của việc này. Nhưng nếu cấm thì họ sẽ không thể có tiền chung chi, tham nhũng, nên họ chọn làm ngơ để có nguồn tiền “cảm ơn” từ doanh nghiệp. Và hậu quả thì người dân đều gánh hết.
_______________
Tham khảo: