VNTB – Phỏng vấn đạo diễn, nhà báo Song Chi sau buổi rà soát về Quyền Trẻ Em Việt Nam tại Liên Hiệp Quốc

VNTB – Phỏng vấn đạo diễn, nhà báo Song Chi sau buổi rà soát về Quyền Trẻ Em Việt Nam tại Liên Hiệp Quốc

 

Quang Nguyên

 

(VNTB) – Số liệu do phái đoàn Việt Nam đưa ra quá tốt nhưng lại không đi vào gốc rễ vấn đề và né tránh, không trả lời nhiều câu hỏi.

 

Quang Nguyên: Xin chị Song Chi cho biết cảm tưởng của  chị sau khi tham gia buổi rà soát về Quyền Trẻ Em Việt Nam tại LHQ vừa qua tại Thụy Sĩ.

Song Chi: Thứ nhất là bản báo cáo về tình trạng trẻ em mà đoàn đại diện của chính phủ Việt Nam đọc trong cả hai buổi họp rất dài. Chỉ riêng ông Nguyễn Hoa Nam, cục Cục trưởng Cục Trẻ em mỗi buổi đọc đã chiếm hơn 1 tiếng đồng hồ, họ đọc rất dài, kiểu như câu giờ và đưa ra các con số hấp dẫn, nhưng hình như các đại biểu phía LHQ không bị chóa mắt với  những số liệu đó bởi vì quá tốt nhưng lại không đi vào gốc rễ vấn đề và nhiều câu hỏi né tránh, không trả lời.

Tuy nhiên, Với những vấn đề không quá nghiêm trong, Việt Nam [lại tỏ vẻ như chân thật] thú nhận vì còn nhiều thử thách, hay đổ cho tại nguyên nhân khách quan, như Việt Nam là một nước có thu nhập trung bình, còn nhiều khó khăn, hay do hủ tục của dân thiểu số, do từ vùng sâu, vùng xa. Họ nêu lên Việt Nam là nước đứng thứ 4 trong vùng châu Á-Thái Bình Dương về người khuyết tật, và vì nước còn nghèo nên chưa thể lo trọn vẹn. Còn đối với những câu hỏi khó, bất lợi thì họ không trả lời. Thực tế cho thấy, dù Việt Nam có đông người khuyết tật, nhưng quan sát các dấu hiệu trong xã hội, người khuyết tật ở Việt Nam hầu như không tồn tại. Họ không nhận được ưu tiên, ưu đãi trong các khu vực công cộng, ngay cả về giao thông cũng hiếm thấy có chỗ dành riêng cho người khuyết tật. 

Phía ủy ban LHQ đưa ra rất nhiều thông tin chính xác thu nhận từ các NGO, và thực tế họ nắm bắt được ở Việt Nam, nên câu hỏi của họ chứng tỏ họ nắm vững tình hình trẻ em ở Việt Nam, ví dụ tình trạng trẻ chưa đủ tuổi bị nâng tuổi đi xuất khẩu lao động ở Ả Rập Xê Út, tình trạng trẻ vị thành niên bị lừa sang Campuchia làm trong sòng bài, tình trạng trẻ em ở tiểu khu 181 ở Đắk Nông không được cấp giấy khai sanh…hoặc trường hợp truy tố những người thuộc một nhóm, cộng đồng tôn giáo cụ thể…

Đoàn Việt Nam cũng cho biết Việt Nam đã có hay đang hoàn thành một số luật về trẻ em để thi hành quyền trẻ em và giám sát việc thi hành, nhưng thực tế và báo cáo của họ có khoảng cách rất lớn. Cả ba ngành hành pháp, lập pháp và tư pháp đều dưới chỉ đạo của đảng; cho nên nói như ông Đặng Hoa Nam, các tổ chức như Mặt Trận Tổ Quốc, Hội thanh niên, Phụ nữ có thể giám sát độc lập, khách quan các hoạt động về trẻ em của chính phủ là điều không thể.

 

QN: Theo chị, sau cuộc họp, Việt Nam có thay đổi về tinh hình trẻ em không?

SC: Theo tôi nghĩ tình trạng quyền trẻ em sẽ không thay đổi nhiều. Tại các nước dân chủ, mọi việc làm của chính phủ nói chung và quyền trẻ em nói riêng đều bị người dân, các phe đối lập, báo chí, các tổ chức dân sự độc lập  lên tiếng,  giám sát chặt chẽ, không ai đứng trên luật pháp cả. Ngược lại, Việt Nam là theo mô hình độc tài toàn trị, cho nên dù họ có lập ra bao nhiêu hội đoàn, bao nhiêu luật, nhưng không có sự giám sát độc lập, không có pháp luật nghiêm minh thì cũng vô ích như chúng ta thấy. 

Thứ 2, trong xã hội dân chủ, nhân quyền được tôn trọng, nó thành ý thức con người được giáo dục từ nhỏ. Ở Việt Nam, đảng và nhà nước quen suy nghĩ họ là cha mẹ dân, dân chỉ được phép đi làm đóng thuế nuôi họ, không được mở miệng chỉ trích bất cứ điều gì, người lớn đã vậy, nói gì đến trẻ em. Tuy vậy không nên nghĩ sự lên tiếng bênh vực quyền trẻ em từ trong nước, ngoài nước là vô ích. Không nên nghĩ vậy. 

Việt Nam đang cần sự giúp đỡ của quốc tế về kinh tế, các ràng buộc về nhân quyền trong các hiệp định kinh tế với thế giới đòi hỏi Việt Nam phải thay đổi  sẽ thúc đẩy chính phủ phải để người dân có cuộc sống dễ thở, công bằng hơn. Thí dụ chuyện buôn người ở Việt Nam, những lên tiếng của các tổ chức xã hội dân sự bên ngoài, các bằng chứng tố cáo Việt Nam khiến trong tháng 7 vừa rồi Việt Nam bị bộ ngoại giao Mỹ hạ thấp Việt Nam xuống hạng 3, nếu Việt Nam không thay đổi về tình trạng buôn người họ sẽ phải bị chế tài về kinh tế, bị khó khăn trong các thỏa thuận thương mại, nhận viện trợ. 

Cá nhân tôi nghĩ, những việc cá nhân, tổ chức nhân quyền trong và ngoài nước vẫn thường làm, vẫn báo cáo với LHQ, các nước trên thế giới, các tổ chức nhân quyền quốc tế là cần thiết để từ đó Việt Nam, thì Việt Nam dù nhiều, ít cũng phải thay đổi vì họ cần quốc tế.

 

QN: Cá nhân chị nghĩ thế nào về tương  lai trẻ em Việt Nam trong thời gian 5,10, 15 năm nữa?

SC: Việt Nam, kể từ lúc đổi mới về kinh tế có phần khá hơn, một số ít người trở thành tầng lớp trung lưu, con cái họ được chăm sóc tốt hơn so với vài chục năm trước đây, nhưng điều quan trọng là phải làm sao rút được khoảng cách rất lớn giữa trẻ em sinh ra trong các thành phố lớn và vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, con em của đồng bào thiểu số. 

Ở Việt Nam số phận một đứa trẻ sinh ra từ các gia đình nghèo khác xa với trẻ sinh ra từ các gia đình trung lưu, lại càng khác xa trẻ em từ các gia đình quan chức, tư bản đỏ. Về mặt chung, vì kinh tế phát triển khá hơn, trẻ em bây giờ có vẻ có nhiều điều kiện hơn tiếp cận với các phương tiện văn minh, số lượng gia đình cho con đi du học nhiều hơn, tuy nhiên khoảng cách trong trẻ em còn rất lớn và phải làm sao rút ngắn lại, và cái quan trọng hơn, trẻ em phải được tôn trọng như một con người. 

Nền giáo dục Việt Nam kể cả từ trung học, lên đại học rất thụ động, lạc hậu, nhồi nhét, họ không dạy trẻ kỹ năng sống, không dây trẻ tư duy độc lập, phản biện. Họ hoàn toàn không dậy, không muốn dậy, họ không muốn có thế hệ trẻ độc lập và biết phản biện. Giáo dục ở Việt Nam chỉ là học để kiếm bằng và ra trường kiếm ghế, không phải giáo dục khai phóng, để con người phát triển hết năng lực, khả năng. Tôi nghĩ, vài chục năm nữa, nếu cái mô hình này không có gì thay đổi thì dù kinh tế có thể khá hơn căn bản xã hội vẫn vậy. Khoảng cách giàu nghèo, vùng miền, giáo dục không thay đổi sẽ không có được những con người thực sự có trách nhiệm với xã hội, có khả năng phản biện, suy nghĩ độc lập.

 

QN: Hoạt động bên lề cuộc rà soát này của chị?

SC: Chúng tôi 3 người trong đó có chị Lữ thị Tường Uyên nhà hoạt động nhân quyền từ Hà Lan, chị Tanya Nguyễn-Đỗ đến từ Florida, Hoa Kỳ, đại diện Thiền Am Bên Bờ Vũ Trụ (TABBVT) đều muốn gặp gỡ các đại diện LHQ để nói lên những điếu cần nói. Chị Tanya quan tâm nói đến vụ TABBVT, và vấn đề này đã được đưa ra tới LHQ. Cả ba chúng tôi đã gặp các đặc phái viên như về tôn giáo, quyền của dân tộc thiểu số, v..v. 

Riêng tôi đã trình bày, dù không được nhiều lắm, về quyền của dân tộc thiểu số VN, về nạn buôn người vị thành niên. Tôi đã đề cập với các phái viên LHQ về việc Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất. Giáo hội vừa có một lãnh đạo mới, Hòa Thương Thích Tuệ Sỹ Trong một quá trình dài GHPGVNTN đã bị sách nhiễu, đàn áp. Các vị Tăng Thống trước đây đều bị đàn áp, vô hiệu hóa, cho nên giờ mọi người đều lo lắng, quan tâm đến sự an toàn của Hòa Thượng và Giáo Hội. 

Rất tiếc, một trong những vấn đề tôi cũng rất quan tâm và muốn đề cập đến là về các tù nhân lương tâm, sự chia cắt giữa những đứa trẻ với cha mẹ bị tù hay cựu tù nhân lương tâm vì quan điểm chính trị hay niềm tin tôn giáo của mình … thì lại không đủ thời gian, không gặp được người phụ trách về vấn đề này. 

Dù vậy, hồ sơ về các vụ việc đã được chuyển đi. Hy vọng trong các cuộc họp sắp tới đây, các tổ chức nhân quyền trong và ngoài nước sẽ tiếp tục lên tiếng về việc Việt Nam vẫn duy trì đàn áp những người bất đồng chính kiến, tôn giáo, kể cả bắt bớ người hoạt động về môi trường. Đồng thời nhân tiện đòi hỏi LHQ phải xét lại đơn xin ứng cử là ủy viên không thường trực hội đồng bảo an LHQ sắp tới của Việt Nam.

QN:  Cảm ơn chị Song Chi.


 

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)